📞

Cập nhật 7h ngày 15/5: Covid-19 khiến hơn 300.000 người thiệt mạng toàn cầu, số ca bệnh và tử vong mới có chiều hướng tăng trở lại ở Italy

Thế Việt 06:58 | 15/05/2020
TGVN. Tính đến 6h ngày 15/5, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận 4.518.202 người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, cướp đi sinh mạng của 302.966 người.
Cập nhật 7h ngày 15/5: Hơn 300.000 người trên thế giới thiệt mạng vì Covid-19, số ca bệnh và tử vong có chiều hướng tăng trở lại ở Italy
Phần lớn số người tử vong tập trung ở châu Âu và Mỹ, trong đó, Mỹ hiện là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 86.830 người, tiếp đó là Anh 33.614 người, Italy 31.368 người, Pháp 27.425 người và Tây Ban Nha 27.321 người.

* Ngày 14/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo ghi nhận thêm 992 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 223.096 người, trong đó có 31.368 ca tử vong, tăng 262 ca so với hôm 13/5 và là mức cao nhất kể từ ngày 7/5.

Theo thống kê, số ca bệnh và tử vong mới vì Covid-19 trong ngày 145 ở Italy đều cao hơn so với mức độ gia tăng của 1 ngày trước đó, với lần lượt là 888 ca bệnh mới và 195 ca tử vong.

Cũng theo cơ quan trên, Italy đã ghi nhận thêm 2.747 bệnh nhân Covid-19 bình phục, nâng tổng số ca được điều trị thành công lên 115.288 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân Covid-19 thuộc diện điều trị đặc biệt ở nước này tiếp tục giảm 38 người, xuống còn 855 ca.

Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội Italy, ông Agostino Miozzo, người đứng đầu Ủy ban khoa học của chính phủ nước này tuyên bố, sẽ bắt đầu xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đại diện của 150.000 người ở 2.000 thành phố vào tuần tới để tìm hiểu phạm vi của dịch bệnh Covid-19.

* Số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Pháp là 27.425 người (tăng 351 ca trong 24 giờ qua), bao gồm 17.224 ca trong bệnh viện và 10.201 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác

Hiện Pháp ghi nhận 178.870 người nhiễm Covid-19, trong đó có 20.463 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 608 so với hôm trước) với 2.299 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 129). Bên cạnh đó, 59.605 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Cùng ngày, Điện Elysée thông báo, Pháp sẽ áp dụng cách ly đối với khách du lịch đến từ Tây Ban Nha, nơi cũng bắt đầu áp dụng biện pháp tương tự từ hôm nay (155) dành cho tất cả du khách nước ngoài.

Theo Điện Elysée, Paris muốn tránh áp dụng biện pháp như vậy nhưng sẽ hành động tương tự nếu các quốc gia khác áp đặt thời gian cách ly đối với du khách Pháp. Tuy nhiên Điện Elysée chưa khẳng định ngày có hiệu lực đối với quyết định về Tây Ban Nha.

Từ 155, những người nhập cảnh Tây Ban Nha, bao gồm cả công dân Tây Ban Nha, sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày và chỉ được phép ra ngoài để mua thực phẩm hoặc đến các cơ sở y tế.

Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe ngày 14/5 khẳng định, "quyền tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine là không thể thương lượng", sau khi có thông tin, tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp sẽ ưu tiên Mỹ nếu điều chế ra một loại vaccine phòng ngừa SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Ông Philippe cho biết trên twitter rằng, chủ tịch hội đồng quản trị Serge Weinberg đã đảm bảo sẽ phân phối ở Pháp loại vaccine mà Sanofi có thể tìm ra trong tương lai.

Các camera nhiệt đã được triển khai tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle (Paris) để phát hiện những người có khả năng mang SARS-CoV-2. Loại camera này cho phép nhận dạng trong số hành khách, sau khi lấy hành lý, những người có nhiệt độ trên 38°C, bằng cách đánh dấu đường viền mặt bằng khung màu đỏ. Nhiệt độ sau đó được xác nhận bằng nhiệt kế không tiếp xúc và hành khách nghi nhiễm được đưa đến trung tâm y tế khẩn cấp tại sân bay để xét nghiệm.

* Quốc hội liên bang Đức ngày 14/5 đã thông qua các biện pháp hỗ trợ tiếp theo nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, bao gồm gia tăng lợi ích cho người lao động theo mô hình giảm giờ làm và người thất nghiệp, thưởng tiền cho nhân viên điều dưỡng và mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện SARS-Cov-2.

Đối với những người lao động theo mô hình giảm giờ làm, Bộ Lao động liên bang đề xuất tăng tiền lương sau thuế ở mức 60% hiện tại (67% đối với người có con) lên lần lượt 70% và 77%. Từ tháng thứ 7 (tính từ thời điểm áp dụng lao động theo mô hình giảm giờ làm), mức lương sẽ tăng lên 80% (87% với người có con).

Quy định này sẽ áp dụng đến ngày 31/12. Ngoài ra, dự luật cũng quy định, quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được gia hạn thêm 3 tháng đối với những người được hưởng mà quyền lợi của họ sẽ hết hạn trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 12.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, tất cả các nhân viên điều dưỡng sẽ được hưởng quyền lợi đặc biệt một lần khoảng 1.000 Euro (phí bảo hiểm corona), được tài trợ từ các quỹ bảo hiểm chăm sóc dài hạn theo luật định và tài trợ từ Chính phủ Đức.

Trong khi đó, Bộ Y tế liên bang đề nghị các công ty bảo hiểm y tế theo luật định có nghĩa vụ thanh toán các xét nghiệm phát hiện SARS-Cov-2, kể cả những trường hợp được xét nghiệm mà không có triệu chứng. Bộ Y tế Đức cũng đề nghị mở rộng các xét nghiệm phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh tại các khu vực dễ bị tổn thương như các viện dưỡng lão hoặc các bệnh viện.

Ngoài ra, Bộ Y tế Đức cũng quyết định tăng cường nguồn lực cho các cơ sở y tế, trong đó, 50 triệu Euro sẽ được dành cho 375 cơ quan y tế nhằm thúc đẩy công tác số hóa. Tại Viện Dịch tễ Robert Koch, một cơ quan liên lạc dành cho dịch vụ y tế công cộng sẽ được thiết lập để hoạt động trong một khoảng thời gian dài.

Với mục tiêu tăng cường tiêm chủng vaccine phòng cúm cho nhiều người dân, giảm tải hoạt động chăm sóc sức khỏe và không tăng thêm gánh nặng y tế từ một dịch cúm mới, Chính phủ Đức sẽ đẩy mạnh công tác mua và mở rộng tiêm phòng cúm theo mùa.

* Với tốc độ tăng số ca nhiễm mỗi ngày trên 10.000 ca, Brazil hiện đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 6 trên thế giới, vượt nhiều "điểm nóng" như Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran...

Trong 24 giờ qua, với 13.761 ca nhiễm mới, Brazil đã lập kỷ lục mới về số người mắc bệnh trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 202.918, trong đó có 13.993 trường hợp tử vong (tăng 835 ca trong 24 giờ qua). Hiện Brazil ghi nhận 79.479 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đã bình phục.

Ngày 14/5, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao đã lên tiếng chỉ trích những bất đồng đang hủy hoại các nỗ lực của chính quyền trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết để tránh đưa quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Trong một bài bình luận được đăng tải trên nhật báo Estadao de Sao Paulo, Phó Tổng thống Mourao cho rằng, không có một quốc gia nào tự gây thiệt hại nhiều cho chính mình như Brazil, đồng thời nhấn mạnh, một sự tàn phá mang tính thể chế đã xảy ra ở đất nước Nam Mỹ này song giờ đây đang đạt tới giới hạn của sự vô cảm có thể dẫn tới nguy cơ hỗn loạn.

Mặc dù tỏ ra ôn hòa hơn Tổng thống Jair Bolsonaro, ông Mourao vẫn luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo cực hữu - nhân vật trở thành mục tiêu công kích của các nhóm quyền lực nhà nước khác vì đã phản đối biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Phó Tổng thống Mourao đã lên án một cách mạnh mẽ các nhóm này vì đã gây bất đồng với Tổng thống, trong đó chỉ đích danh các thống đốc, các nghị sỹ và thẩm phán, cũng như các phương tiện truyền thông.

Ông Mourao cũng bác bỏ cách thức triển khai biện pháp cách ly xã hội từ phía thống đốc các bang, mà theo ông là những mối đe dọa đối với nền kinh tế và có thể là nguyên nhân đẩy nhanh đến một thảm họa thất nghiệp. Tại Brazil, các thị trưởng và thống đốc được quyền đưa ra quyết định về việc áp dụng các biện pháp cách ly.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Bolsonaro đã ban hành sắc lệnh quy định các quan chức nhà nước có thể phải chịu trách nhiệm đối với những việc làm sai trái, hoặc cố tình không làm tròn bổn phận, hoặc mắc các lỗi nghiêm trọng trong công tác triển khai những hành động phòng, chống đại dịch Covid-19.

Sắc lệnh trên có hiệu lực ngay sau khi được Tổng thống Bolsonaro ký ban hành do đây là một “biện pháp tạm thời”, mặc dù để không mất đi giá trị pháp lý, biện pháp này cần phải được Quốc hội Brazil phê chuẩn.

Phạm vi của sắc lệnh bao gồm những hành động xử lý tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng, cũng như những hành động ứng phó với tác động kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời phân loại các mức vi phạm như: mắc lỗi nghiêm trọng, hành động sơ suất, thiếu thận trọng, và lạm dụng chức quyền.

* Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 thông báo, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 186 ca mắc Covid-19 và 7 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 6.442 trường hợp, trong đó có 529 người tử vong.

Theo người phát ngôn của ủy ban trên Djamel Fourar, Algeria cùng ngày đã ghi nhận thêm 100 bệnh nhân Covid-19 bình phục, nâng tổng số ca bệnh được chữa khỏi ở quốc gia Bắc Phi lên 3.158 người.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan đến toàn bộ 48 tỉnh, thành phố của Algeria. Phần lớn bệnh nhân Covid-19 ở Algeria nằm trong độ tuổi từ 25 đến 60 (chiếm 57%) và 67% ca tử vong nằm trong độ tuổi từ 65 trở lên.

Tính đến 6h ngày 15/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 29 không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, trong khi đó, ghi nhận thêm 24 ca nhiễm mới đều là công dân Việt Nam từ Nga trở về trên chuyến bay VN0062 đều cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam có 312 ca nhiễm Covid-19, với 260 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 52 ca bệnh còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y t ế trên cả nước, trong đó có 38 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, 14 bệnh nhân đã có kết quả âm tính từ 1 lần trở lên.

(tổng hợp)