TIN LIÊN QUAN | |
Bị phương Tây cáo buộc đánh cắp nghiên cứu vaccine Covid-19, Nga chế nhạo lại cảnh báo của Anh | |
Không để Covid-19 'đánh gục', ngoại giao điện ảnh của Mỹ quyết tìm hướng đi mới |
Cập nhật tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tính đến 7h ngày 17/7. (Nguồn: Worldometers) |
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 239.208 trường hợp, xô đổ mọi kỷ lục trước đó về số người mắc bệnh. Tính đến nay, toàn cầu có 13.923.283 người nhiễm Covid-19, trong đó có 591.780 ca tử vong.
Hiện thế giới vẫn còn hơn 5 triệu bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, trong đó gần 60.000 ca trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.
* Với hơn 3,68 triệu ca mắc và gần 141.000 ca tử vong vì dịch bệnh, Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 65.874 ca nhiễm bệnh.
Trong khi đó, theo thống kê riêng rẽ của Đại học Johns Hopkins, Mỹ xác nhận thêm 67.632 ca mắc trong vòng 24 giờ tính đến sáng 16/7 (giờ Việt Nam). Trong 10 ngày trở lại đây, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ, liên tục tăng ở mức 55.000-65.000 ca/ngày.
Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã tăng cao trở lại kể từ cuối tháng 6 vừa qua, chủ yếu ở các bang miền Nam và Tây nước này. Dù các biện pháp phòng dịch đang được siết chặt, trong ngày 15/7, các bang Texas và Florida đều ghi nhận số ca bệnh ở mức trên 10.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Các mô hình dự báo công bố ngày 15/7 cho thấy số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có thể chạm ngưỡng 150.000 ca vào tháng tới.
Thành phố New York, nơi từng là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ, dự kiến sẽ mở cửa giai đoạn 4 vào thứ Hai, ngày 20/7 tới. Tuy nhiên các không gian hoạt động trong nhà như trung tâm mua sắm, bảo tàng hay phòng tập thể thao sẽ vẫn phải đóng cửa mặc dù đây là giai đoạn cuối trong lộ trình mở cửa lại gồm 4 giai đoạn do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra.
* Tại khu vực Nam Mỹ, số ca nhiễm bệnh ở Brazil đã vượt mốc 2 triệu người, lên 2.014.738, trong đó có 76.822 ca tử vong, tăng 1.299 trường hợp trong 24 giờ qua, là quốc gia có số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Trong khi đó, Tổng thống nước này Jair Bolsonaro,người luôn coi nhẹ mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19, cho biết, ông đã xét nghiệm dương tính lần 2 với virus SARS-CoV-2, một tuần sau khi ông thông báo mắc căn bệnh này.
Trong 24 giờ qua, Colombia cũng ghi nhận số ca nhiễm bệnh kỷ lục, với 8.037 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 173.206, cao thứ 4 tại Nam Mỹ.
* Tại châu Á, Ấn Độ liên tiếp ghi nhận các kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới đã tăng cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên, 35.468 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh vượt mốc 1 triệu người, lên 1.005.637 ca, trong đó có 25.609 ca tử vong.
Đến nay Ấn Độ có 636.602 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, với tỷ lệ hồi phục tăng lên đến 63,24%.
Liên quan tình hình vaccine ngừa Covid-19, ngày 16/7, hãng thông tấn PTI đưa tin, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, tỷ phú Bill Gates đánh giá, ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ không chỉ có khả năng sản xuất vaccine cho quốc gia Nam Á này mà còn cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập Microsoft cũng nhận định, Ấn Độ đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng do đại dịch gây ra, vì dân số lớn và các trung tâm đô thị đông đúc.
* Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 1.574 ca mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 81.668 ca; ngoài ra còn có 76 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 3.873 ca. 6 tỉnh gồm Nam Kalimanta, Jakarta, Trung Java, Đông Java, Bali và Nam Sulawesi đều ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, Philippines trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục với 2.498 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 61.266, trong đó có 1.643 ca tử vong. Trong đím số ca mắc Covid-19 tại vùng thủ đô Manila đã tăng hơn gấp đôi lên tới 29.015 ca kể từ tháng 6.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố gia hạn một phần các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila thêm 2 tuần, đồng thời cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp phòng dịch siết chặt hơn nếu số ca nhiễm và tử vong mới không giảm.
Cụ thể, tại Manila, các trường học sẽ tiếp tục bị đóng cửa, các trung tâm thương mại hoạt động ở mức giới hạn, các cuộc tụ tập đông người bị cấm, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trên các phương tiện giao thông công cộng, trẻ em và người già được khuyến cáo không đi ra ngoài...
* Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 1 ca nhập cảnh trong ngày 15/7 ở thành phố Thượng Hải, không có thêm ca lây nhiễm mới trong nước. Tính đến hết ngày 15/7, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 83.612 ca mắc trong đó có 4.634 ca tử vong.
Trong khi đó, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tính theo ngày cao chưa từng có trong 24 giờ qua, 63 ca. Ngoài ra, Hong Kong cũng ghi nhận 4 ca lây nhiễm từ bên ngoài, nâng tổng số ca mắc bệnh tại vùng lãnh thổ này lên 1.655 ca. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 35 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm, trong khi 28 ca liên quan tới các ca nhiễm trước đó.
* Hàn Quốc ghi nhận thêm 61 ca nhiễm mới (trong đó có 47 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc lên 13.612 ca. Như vậy, sau hai ngày liên tiếp duy trì 30 ca/ngày, số ca mắc mới ở Hàn Quốc đã tăng trở lại mức trên 60 ca/ngày. Số ca nhiễm mới hàng ngày có dấu hiệu tăng trở lại, gây tâm lý bất an và gánh nặng cho hệ thống phòng dịch và y tế.
* Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo thông báo thêm 280 ca mới trong ngày 16/7, số ca nhiễm trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại đây. Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới đã gia tăng tại Tokyo. Giới chức thành phố cho biết, nhiều ca nhiễm mới bắt nguồn từ các khu vui chơi giải trí ban đêm và những người mắc bệnh ở độ tuổi 20 và 30, nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng.
Ngày 15/7, thành phố này đã nâng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất. Chính quyền Tokyo đã kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác và hạn chế tới các câu lạc bộ ban đêm và các nhà hàng vốn là những nơi chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
* Tại châu Âu, nhiều nước đã quyết định gia hạn tình trạng cảnh báo và ngừng thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch đã đưa trước đó do lo ngại tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Romania quyết định gia hạn cảnh báo dịch bệnh thêm một tháng. Theo đó, mọi biện pháp phòng dịch đang áp dụng sẽ tiếp tục được duy trì, các cơ sở giải trí trong không gian kín như rạp chiếu phim, nhà hát tiếp tục đóng cửa; người dân phải đeo khẩu trang tại khu vực công cộng có không gian kín và giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m.
Bỉ quyết định ngừng triển khai giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, dự kiến thực hiện từ ngày 1/8. Quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới tại Bỉ ghi nhận từ ngày 5-11/7 đã tăng 8% so với tuần trước đó.
Tương tự, Ireland cũng buộc phải lùi thời điểm triển khai giai đoạn 4 của kế hoạch mở cửa lại hoạt động xã hội và kinh doanh đến ngày 10/8 do tỷ lệ người mắc Covid-19 tăng cao trở lại. Chính phủ Ireland khẳng định ưu tiên giảm tỷ lệ lây nhiễm, bổ sung 5 biện pháp mới, có hiệu lực ngay trong ngày 15/7, gồm bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng và trung tâm thương mại; các quán rượu, câu lạc bộ tiếp tục đóng cửa đến ngày 10/8; không được phép tụ tập quá 50 người tại không gian kín và 200 người tại không gian mở; hạn chế tối đa các trường hợp ra nước ngoài không cần thiết.
Pháp cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc tại nhiều khu vực thuộc vùng Mayenne, Tây Bắc nước này từ ngày 16/7 sau khi số ca mắc tăng cao tại đây. Người dân cả nước cũng sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới các địa điểm công cộng trong nhà từ tuần tới.
Trong khi đó, Hungary đã thông báo hoãn tổ chức lễ mừng ngày Quốc khánh vào ngày 20/8 tới. Chính phủ các quốc gia như Slovakia, Albania và Bồ Đào Nha khẳng định đang chuẩn bị kế hoạch ứng phó làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19.
| Tin thế giới ngày 16/7: Thế giới chìm trong căng thẳng Mỹ-Trung, 'nóng' giao tranh biên giới Azerbaijan-Armenia TGVN. Mỹ liên tục chĩa mũi rìu chỉ trích tới Trung Quốc, Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ, giao tranh biên giới Azerbaijan-Armenia, vấn đề ... |
| Việt Nam nối lại một số đường bay quốc tế từ 18/7? TGVN. Các bộ, ngành Việt Nam đang tích cực làm việc với cơ quan chức năng của nước ngoài về việc việc khôi phục vận ... |
| Bộ Ngoại giao khuyến cáo về việc lừa đảo bán vé máy bay về nước phòng dịch Covid-19 TGVN. Bộ Ngoại giao khuyến cáo, công dân ở nước ngoài có nhu cầu về nước chống dịch Covid-19 cần tuân thủ các hướng dẫn ... |