Tính tới 9h00 sáng 17/3 (giờ địa phương, 16h chiều cùng ngày giờ Việt Nam) Bộ Y tế Anh thông báo, số ca nhiễm mới virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại "xứ sở sương mù" trong vòng 24 giờ qua là 407, tăng từ 1.543 người lên thành 1.950 người (tương đương 26%), trong đó 56 ca tử vong và 50.442 người tại Anh đã được xét nghiệm.
Cố vấn chính phủ Anh Patrick Vallance cho rằng, "có cơ sở" để ước đoán khoảng 55.000 người có thể nhiễm SARS-CoV-2, với tỷ lệ tử vong dự đoán là 1/1.000.
Hiện Anh đang bị chỉ trích là quá "nhẹ tay" khi xử lý dịch bệnh bùng phát, mặc dù chính phủ nước này ngày 16/3 đã đề ra một loạt biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cách thức mà Chính phủ Anh xử lý hiện nay là nhằm giảm bớt sức ép lên hệ thống y tế công hiện đang quá tải, khiến thời kỳ đỉnh của dịch chậm lại. Ông Vallance nhấn mạnh, nếu dỡ bỏ các biện pháp cứng rắn như hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng thì sẽ virus sẽ quay trở lại.
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Imperial (London), các biện pháp hạn chế tiếp xúc trong xã hội và cộng đồng có thể được áp dụng kéo dài lâu nhất là 18 tháng.
Chính phủ Anh cùng ngày xác nhận cuộc đàm phán thương mại vòng 2 giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit sẽ không diễn ra như dự kiến vào ngày 18/3 do Covid-19, song hy vọng được chia sẻ dự thảo thỏa thuận của London với Brussels trong "tương lai gần".
Một nữ phát ngôn viên chính phủ Anh cho biết, cả hai bên đều cam kết tìm ra các phương án thay thế để duy trì đàm phán, nỗ lực đạt một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương. Các quan chức Anh đã thảo luận kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến sau khi đàm phán trực tiếp tại London trong tuần này bị hủy bỏ.
* Italy vẫn đang là "ổ dịch" Covid-19 lớn nhất ngoài Trung Quốc khi trong 24 giờ qua, có thêm 345 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 2.503 người.
Thông báo của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, tính đến 18h ngày 17/3 (giờ địa phương), đã ghi nhận thêm 3.526 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 31.506 trường hợp. Trong đó, số ca hồi phục là 2.941 người, tăng 192 ca so với một ngày trước đó. Trong tổng số ca mắc bệnh hiện tại có 11.108 ca phải cách ly và 2.060 ca phải điều trị tích cực.
Vùng tâm dịch Lombardy ghi nhận thêm 1.571 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 16.220 người. Tổng số ca tử vong của vùng là 1.640 trường hợp, tăng 220 trường hợp.
* Hội đồng Liên bang (cơ quan hành pháp) Thụy Sỹ đã khuyến cáo người dân nước này ở nhà để phòng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành với hơn 2.600 người nhiễm SARS-CoV-2 và 19 ca tử vong.
Trường hợp ngoại lệ là những người phải đến nơi làm việc hoặc không thể làm việc tại nhà, những người phải gặp bác sĩ hoặc nhận thuốc tại nhà thuốc, những người đang hỗ trợ cho người cần giúp đỡ hoặc những người cần mua thực phẩm hoặc các vật dụng thiết yếu khác trong gia đình.
Giới chức y tế Thụy Sỹ cho biết tốc độ gia tăng các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhanh đến mức họ cảm thấy khó khăn trong việc cung cấp số liệu cập nhật.
* Ngày 17/3, sau cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo EU sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.
Nhà lãnh đạo Đức thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này.
Ngoại trừ một số ngoại lệ, như trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, tất cả các nước EU sẽ thực thi lệnh cấm này. Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.
Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa, đồng thời nhận định, đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.
Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh EU đang phối hợp hành động để đưa các công dân đang mắc kẹt ở các nước ngoài EU trở về. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo hàng nghìn người Đức đang bị mắc kẹt ở nhiều nước trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa, nhiều hãng hàng không đã hủy chuyến và Berlin sẽ nỗ lực hết sức để đưa số công dân này về nước.
* Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo ghi nhận 4.375 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 739 ca so với thống kê trước đó. Số ca tử vong do Covid-19 tại nước này hiện đã là 75 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Văn phòng Vệ binh Quốc gia Mỹ cùng ngày cho biết, khoảng 1.560 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 22 bang để hỗ trợ đối phó với SARS-CoV-2, trong đó tập trung nhất tại bang New York.
* Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Nga cho biết, trong ngày 17/3 đã ghi nhận các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại 15 tỉnh thành của nước này. Số bệnh nhân Covid-19 tại Nga hiện là 114 người, trong đó chỉ 10 người mắc bệnh mà không ra nước ngoài. Đến nay đã có 5 bệnh nhân hồi phục gồm 2 công dân Trung Quốc, 2 công dân Nga và 1 công dân Italy.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cũng bác thông tin được lan truyền trước đó rằng, thủ đô Moscow sẽ sớm bị phong tỏa, cho biết, điều kiện để thực hiện các biện pháp như vậy là sự gia tăng “đáng kể” số người nhiễm bệnh tính đến ngày 20/3.
Kịch bản cách ly nghiêm ngặt được Nga áp dụng gồm đóng cửa các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, đồng thời chuyển các trung tâm hành chính công và trung tâm dịch vụ công sang phục vụ trực tuyến, cho nhân viên các doanh nghiệp làm việc tại nhà.
Kế hoạch kiểm dịch nghiêm ngặt có thể bắt đầu thực hiện tại thủ đô sớm nhất là vào ngày 20/3. Hiện ở Moscow ghi nhận 53 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp nhiều người mắc bệnh có thể ngừng hoạt động giao thông công cộng, kể cả tàu điện ngầm.
* Bộ Y tế Ai Cập ngày 17/3 thông báo, quốc gia này tiếp tục ghi nhận thêm 30 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 196 và 6 ca tử vong.
Bộ Công Thương Ai Cập đã quyết định cấm xuất khẩu các trang bị phòng ngừa dịch bệnh như khẩu trang và nguyên liệu khử trùng trong vòng 3 tháng tới, nhằm đảm bảo nguồn cung các sản phẩm này.
Trước đó, Thủ tướng Mostafa Madbouly cho biết, tất cả các khách sạn và địa điểm thu hút khách du lịch ở nước này sẽ được khử trùng trong vòng 2 tuần tới
* Ngày 17/3, Tỉnh trưởng tỉnh Bắc Sulawesi (Indonesia) Olly Dondokambey kêu gọi người dân địa phương cùng cầu nguyện riêng lẻ hoặc theo nhóm nhỏ tại nhà riêng hoặc cơ quan vào thứ Ba hàng tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19
Ông Olly đề nghị người dân đánh dấu thời gian cầu nguyện bằng cách rung chuông nhà thờ, đánh trống, hoặc chơi bất kỳ nhạc cụ nào khác thường được sử dụng cho các hoạt động tôn giáo.
Trước đó, phát biểu sau khi nước này có 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto từng gây xôn xao khi kêu gọi người dân cầu nguyện để khỏi nhiễm SARS-CoV-2: “Quan trọng nhất là phải cầu nguyện, nếu chúng ta hoang mang thì hệ miễn dịch sẽ suy giảm”.
Tính đến cuối giờ chiều 17/3, Indonesia ghi nhận 172 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5 ca tử vong và 9 ca đã hồi phục. Dịch bệnh đã lây lan ra ít nhất 8/34 tỉnh thành trên cả nước.