Tính đến 7h ngày 18/7, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 14.174.375 ca nhiễm và 598.419 ca tử vong do dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: Pacificcross) |
Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 237.743 ca trong vòng 24h.
Theo ghi nhận của trang thống kê Worldometers, tính đến 7h ngày 18/7, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 14.174.375 ca nhiễm và 598.419 ca tử vong do dịch bệnh Covid-19, tăng lần lượt 235.027 và 5,437 trong 24 giờ qua, trong khi 8.417.925 người đã bình phục.
Theo báo cáo hàng ngày, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 12/7 với 230.370 ca nhiễm/ngày.
* Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là nước Mỹ với ghi nhận 3.764.974 ca nhiễm và 141.949 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 69.949 và 831 ca trong 24 giờ qua. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do Covid-19 ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng tới.
Ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ - ông Joe Biden ngày 17/7 đã chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề mở cửa lại trường học trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này, cũng như nêu ra chiến lược của mình với quan điểm cần một khoản ngân sách lớn để bảo đảm học sinh có thể an toàn khi tới trường.
Hiện vấn đề mở cửa lại trường học ở Mỹ đang là một trong những chủ đề trọng tâm cho cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, với việc cả hai ứng cử viên đều quan tâm tới lo lắng của các bậc phụ huynh khi trẻ em chưa thể tới trường khi dịch Covid-19 vấn đang hoành hành. Hiện Tổng thống Trump đang nỗ lực thúc đẩy các trường học mở cửa trở lại vào mùa Thu tới, qua đó cho phép các bậc phụ huynh trở lại làm việc và giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ.
* Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, thông báo thêm 33.959 ca nhiễm và 1.110 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.048.697 và 77.932.
Ngày 17/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra phát biểu tích cực về tình hình đại dịch Covid-19 tại Brazil, đồng thời hối thúc quốc gia Nam Mỹ này nắm lấy cơ hội để giảm các ca lây nhiễm. Các ca mắc Covid-19 tại Brazil không còn ở cấp số nhân nhưng quốc gia Nam Mỹ này đang ở “tâm của cuộc chiến” khi số ca mắc mới và số người thiệt mạng vẫn tăng cấp độ hàng nghìn mỗi ngày. Đây là nhận định từ đại diện WHO.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của WHO – Tiến sĩ Mike Ryan cho biết, số ca nhiễm mới tại Brazil hiện ở mức 40.000 đến 45.000 mỗi ngày, trong khi số ca thiệt mạng mỗi ngày ở khoảng 1.300 ca. Ông Ryan nói: “Khi những con số đó ổn định, có cơ hội để giảm các ca nhiễm mới. Tôi nghĩ giờ là thời cơ của Brazil. Tuy nhiên, sẽ cần có một hành động chắc chắn và bền bỉ để kiểm soát được dịch bệnh”.
Cũng tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Ryan đã giải thích tại sao ông miêu tả tình hình “ổn định” tại Brazil. Theo đó, việc tỷ lệ lây nhiễm căn bản (R0) giảm xuống mức 0,5 tới 1,5 tại Brazil trong thời gian qua, thấp hơn so với mức 1,5 tới 2 hồi tháng 4 và 5, cho thấy “virus không còn lây lan nhanh trong cộng đồng như trước”.
* Ấn Độ đã ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục, ở mức 34.820 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 1.040.457, trong đó có 26.285 trường hợp tử vong. Phần lớn ca nhiễm tại nước này tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Cho đến nay, Ấn Độ có 654.078 bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, với tỷ lệ hồi phục tăng lên đến 63,24%. Ấn Độ khẳng định việc đẩy mạnh xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời và quản lý hiệu quả bệnh nhân thông qua cách ly tại nhà có giám sát hoặc chăm sóc y tế tích cực tại bệnh viện đã giúp tỷ lệ phục hồi tăng mạnh, vượt xa số ca mắc bệnh.
* Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 186 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 12.123. Số ca nhiễm tăng 6.406, lên 759.203, đánh dấu ngày thứ 22 liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4. Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. Một quan chức cấp cao Nga cho biết nước này có thể nối lại các chuyến bay quốc tế ngay trong tháng 7, bằng cách tạo ra các trung tâm sân bay không có virus.
Viện Dịch tễ học và Vi sinh học mang tên Gamaley của Nga, đơn vị đã sản xuất ra một loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 được cấp bằng sáng chế, thông báo sẵn sàng chia sẻ công nghệ này với đồng nghiệp nước ngoài, nếu họ yêu cầu, Giám đốc Viện - ông Alexander Gintsburg ngày 17/7 cho biết.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ngày 16/7, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh cáo buộc các tin tặc có liên quan đến Nga đã tìm cách bẻ khóa công nghệ của các nhà phát triển vaccine ngừa Covid-19 ở Anh, Mỹ và Canada. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Cùng ngày, Hội đồng liên chính phủ của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng đã thông qua một kế hoạch đối phó với đại dịch Covid-19 cho các quốc gia thành viên trong một phiên họp tại Minsk. Thông cáo của hội nghị nêu rõ: “Hội đồng liên chính phủ đã thông qua kế hoạch hành động toàn diện trong lĩnh vực y tế và phúc lợi dịch tễ học cho người dân để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong Liên minh kinh tế Á-Âu". Kế hoạch hành động này dự kiến trao đổi thông tin quan trọng và phản ứng chung trước sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm. Kế hoạch cũng bao gồm việc tiến hành nghiên cứu vaccine chung.
EAEU là liên minh hội nhập kinh tế quốc tế gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Belarus giữ chức chủ tịch EAEU năm nay.
* Trung Quốc chưa công bố số liệu hôm nay. Vài ngày gần đây, họ không ghi nhận ca mắc mới trong nội địa sau khi kiềm chế được ổ dịch tại Bắc Kinh từ đầu tháng. Trung Quốc đang triển khai chiến dịch xét nghiệm toàn quốc đối với sản phẩm thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ "các quốc gia có nguy cơ cao".
* Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 83.130 ca nhiễm, tăng 1.462 trường hợp so với hôm trước, trong đó 3.957 người chết, tăng 84 ca. Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó. Indonesia đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế Covid-19. Chính phủ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.
* Ngày 17/7, Chính phủ Argentina đã công bố quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp cách ly xã hội với một số điều chỉnh linh hoạt tại Thủ đô Buenos Aires và vùng đô thị lân cận. Quyết định trên được đưa ra nhằm từng bước đưa cuộc sống của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới vẫn không ngừng tăng trong những ngày gần đây.
Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận 114.770 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.133 trường hợp tử vong và 49.780 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh.
* Tại châu Âu, dịch bệnh đang tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, hiện các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế đầy tham vọng cho thời kỳ hậu Covid-19 do vấp phải ý kiến phản đối từ nhóm nước theo chủ trương “thắt lưng, buộc bụng” mà đứng đầu là Áo và Hà Lan.
Gói kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (tương đương 857 USD) được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên, sau 12 giờ đàm phán căng thẳng cả ở phiên toàn thể và trong các nhóm nhỏ, lãnh đạo của 27 nước thành viên đã không thể đi đến nhất trí về kế hoạch cho gói chi tiêu này. Nguyên nhân một phần vì Thủ tướng Áo Sebastian Kurz phản đối đề xuất hiện nay về gói hỗ trợ kinh tế, trong khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từ chối rút lại yêu cầu về việc phải kiểm soát chặt chi tiêu đối với các quốc gia ở Nam Âu như Tây Ban Nha và Italy.
Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng CH. Czech Andrej Babis xác nhận giữa lãnh đạo các nước thành viên EU còn tồn tại nhiều quan điểm khác biệt và hiện không có bất cứ đồng thuận nào về quy mô gói cứu trợ giúp khôi phục kinh tế châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thừa nhận khác biệt giữa các bên là “rất, rất lớn”. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề xuất cơ chế dùng “phanh khẩn cấp” đối với các khoản chi tiêu để giảm bớt lo ngại cho những nước thận trọng như Hà Lan.
* Tại Trung Đông, Chính phủ Israel đã áp đặt lệnh đóng cửa vào cuối tuần và siết chặt hàng loạt các biện pháp hạn chế nhằm giảm số ca lây nhiễm. Người dân vẫn được phép rời khỏi nhà, nhưng các trung tâm mua sắm, cửa hàng, bể bơi, sở thú và bảo tàng phải đóng cửa từ chiều 17/7 cho đến sáng 19/7.
Đài phát thanh Israel đưa tin các lệnh phong tỏa đầy đủ vào cuối tuần có thể sẽ được áp đặt vào ngày 24/7 tới, sau khi được Quốc hội thông qua. Trong những ngày còn lại, hoạt động tụ tập sẽ bị giới hạn 10 người tham gia ở trong nhà và 20 người tham gia ngoài trời. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép phục vụ đồ mang về.