Tình hình dịch Covid-19 ở những tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. (Nguồn: Kyodo) |
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với số ca nhiễm Covid-19 đã tiện cận 4 triệu, ở mức 3.959.102, trong đó có và 143.749 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 2.121.645 ca nhiễm, trong đó có 80.251 ca tử vong.
Đáng chú ý, theo số liệu của Worldometers, tốc độ lây lan Covid-19 tại Brazil trong 5 ngày qua có dấu hiệu giảm dần từ 43.829 ca hôm 16/7 xuống còn 21.749 ca ngày 20/7. Số ca mắc mới Covid-19 ở Brazil đã duy trì ở mức dưới 27.000 trong 3 ngày qua.
* Cũng tại châu Mỹ, Bộ trưởng Y tế Ecuador Juan Carlos Zevallos cảnh báo tình hình dịch Covid-19 tại thủ đô Quito đang rất "nguy cấp". Theo ông, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7, các bệnh viện công ở thủ đô Quito đã mở rộng các cơ sở chăm sóc tích cực từ 61 lên 162. Nhu cầu giường bệnh đã tăng 1,6 lần trong cùng giai đoạn.
Theo thống kê chính thức, thủ đô Quito đã ghi nhận 10.599 ca nhiễm và là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại Ecuador, sau vùng tâm dịch Guayaquil. Hiện số ca nhiễm tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới hơn 74.000 ca, trong đó có hơn 5.300 ca tử vong.
* Ở châu Âu, nhà chức trách Pháp thông báo đã ghi nhận khoảng 400 tới 500 ổ dịch Covid-19, nhưng không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, nhiều ổ dịch hiện nay có liên quan tới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các trung tâm chăm sóc như nhà dưỡng lão. Những ổ dịch khác có liên quan tới các cuộc tụ họp trong gia đình vào dịp nghỉ Hè.
Mặc dù khẳng định ở thời điểm hiện tại Pháp vẫn chưa phải đối mặt với "làn sóng dịch Covid-19 thứ hai", song Bộ trưởng Veran nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại tất cả không gian công cộng kín như các cửa hàng, các khu chợ trong nhà và các tòa nhà hành chính. Những người không chấp hành sẽ bị phạt 135 Euro (155 USD).
Theo Cơ quan Y tế Pháp Sante Publique, hiện tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 đang ở mức 1,2, đồng nghĩa trung bình cứ 10 người bị nhiễm lại lây cho 12 người khác. Tuy nhiên, tại một số khu vực trên lãnh thổ đất liền của Pháp, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, đặc biệt lên tới 1,55 ở các khu vực Marseille và Nice. Nếu xu hướng đáng lo ngại này tiếp diễn, Chính phủ sẽ cân nhắc tái áp đặt lệnh phong tỏa cục bộ hoặc thậm chí sắc lệnh ở trong nhà mới trên phạm vi toàn quốc.
Với hơn 30.150 ca tử vong, Pháp là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại châu Âu.
* Tại châu Á, tình hình dịch Covid-19 ở những tỉnh, thành lớn ở Nhật Bản vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Giới chức y tế xác nhận phát hiện thêm 511 ca mới nhiễm bệnh, trong đó, Thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 188 ca, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở thành phố này lên 9.411 ca.
Mặc dù đây là lần đầu tiên trong 4 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Tokyo giảm xuống dưới mức 200 ca, song đáng chú ý, trong số các ca nhiễm mới, 118 ca không thể xác định đường lây nhiễm, 32 ca được cho là nhiễm bệnh ở các khu vui chơi, giải trí về đêm, trong khi 13 ca bị nhiễm khi ăn tối ở bên ngoài và 11 người khác từ các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng phát hiện thêm 3 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xem vở kịch tại Nhà hát Moliere ở quận Shinjuku, nâng tổng số ca mắc Covid-19 liên quan tới nhà hát này lên 55 ca.
Cùng với Tokyo, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka của Nhật Bản đang gia tăng đáng báo động. Tỉnh này phát hiện thêm 89 ca nhiễm mới, cao thứ 2 kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nâng tổng số ca mắc bệnh ở đây lên 2.420 ca. Con số cao nhất theo ngày trước đó là 92 ca vào ngày 9/4.
Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 25.096 người mắc bệnh, trong đó có 985 ca tử vong.
* Ấn Độ trong 24 giờ qua ghi nhận 36.810 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 1.154.917, trong đó có 28.099 ca tử vong.
Ngày 20/7, trang mạng Times Now đưa tin Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine phòng Covid-19.
Phát biểu với báo giới cùng ngày, Giám đốc Viện khoa học y khoa toàn Ấn (AIIMS), Tiến sĩ Randeep Guleria cho biết, việc thử nghiệm đã được tiến hành tại cơ sở của viện này ở thủ đô New Delhi.
Theo Tiến sỹ Guleria, AIIMS đã có 1.800 tình nguyện viên đăng ký cho các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 tại 12 địa điểm nghiên cứu lâm sàng. Ở giai đoạn 1, vaccine sẽ được tiên vaccine sẽ được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-55 không mắc bệnh và trong số các mẫu được lấy sẽ có 375 mẫu được nghiên cứu trong giai đoạn này. Giai đoạn hai sẽ thử nghiệm trên 750 người trong độ tuổi từ 12-65.
Giám đốc AIIMS cho biết, vaccine thử nghiệm có tên gọi COVAXIN do Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) - NIV phát triển.
* Tại châu Đại Dương, giới chức bang New South Wales (NSW) và Victoria - hai bang đông dân nhất Australia - ngày 20/7 xác nhận đã có thêm lần lượt 20 ca và 275 ca nhiễm mới Covid-19, chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến đáng lo ngại dù các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã áp dụng được gần hai tuần ở thành phố Melbourne và Mitchell Shire, chính quyền bang Victoria đã chính thức ra lệnh bắt buộc tất cả người dân ở hai khu vực này đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc, kể từ đêm 22/7.
Trong khi đó, chính quyền bang NSW cũng kêu gọi người dân thành phố Sydney đeo khẩu trang, đồng thời sẽ áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc đi lại qua biên giới với bang Victoria kể từ ngày 21/7 với một quy trình cấp phép đi lại mới.
Tính đến nay, Australia đã ghi nhận 19.743 ca nhiễm bệnh, trong đó có 711 trường hợp tử vong.
* Tại châu Phi, ghi nhận tổng cộng 739.994 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó có 15.465 ca tử vong.
Cho đến gần đây, châu Phi vẫn tương đối ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca lây nhiễm gia tăng được ghi nhận ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình đang trở nên xấu đi, đặc biệt là ở Nam Phi. Cuối tuần qua, nước này đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vượt 5.000 người và hơn 350.000 người mắc bệnh, đứng đầu châu Phi về hai chỉ số này.
Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Nam Phi đã tăng 30%, trong khi con số này ở Kenya là 31%, Madagascar tăng 50%, Zambia tăng 57% và Namibia tăng 69%.
Ngày 20/7, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của dịch Covid-19 tại khu vực này.
Theo Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan, dịch Covid-19 ở Nam Phi bùng phát sớm hơn ở các nước châu Phi khác. Ban đầu, dịch bệnh lây lan ở các khu vực giàu có, nhưng hiện đã lan ra khắp các khu vực nghèo khó và nông thôn.
ông Ryan nhấn mạnh, đây không chỉ là hồi chuông báo động đối với Nam Phi mà còn với toàn bộ châu lục, đòi hỏi phải theo dõi hết sức nghiêm túc diễn biến dịch bệnh ở châu Phi, đồng thời hối thúc cộng động quốc tế đoàn kết và hỗ trợ "lục địa đen".
| Covid-19 ở Việt Nam sáng 21/7: Thêm 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 nhập cảnh, WHO đánh giá có tiềm năng tự sản xuất vaccine phòng dịch TGVN. Bản tin lúc 6h ngày 21/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 12 ca ... |
| Covid-19 ở Việt Nam chiều 20/7: Thêm 1 chuyên gia dầu khí người Nga mắc bệnh TGVN. Theo Bản tin 18h ngày 20/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ... |
| Cập nhật 7h ngày 20/7: Mỹ phải điều động Hải quân, thêm một Ngoại trưởng sa vào 'tay' Covid-19, vaccine Nga sẽ đầy lùi 'bóng đêm'? TGVN. Nga tuyên bố đã hoàn tất thử nhiệm vaccine ngừa Covid-19 trên các tình nguyện viên và dự kiến có thể tung ra thị ... |