Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Tính đến nay, số người mắc Covid-19 ở Mỹ đã vượt 7 triệu ca, trong đó có 204.113 trường hợp tử vong; Ấn Độ có hơn 5,48 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 87.382 ca tử vong và Brazil có hơn 4,54 triệu ca nhiễm với 136.895 ca tử vong.
* Tại châu Á, ngày 20/9, cơ quan y tế thành phố Phù Dư, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc thông báo phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì mực ống nhập khẩu được đưa tới thành phố trên thông qua thủ phủ Trường Xuân của tỉnh này.
Cơ quan trên yêu cầu những người đã mua và ăn mực ống nhập khẩu tại cửa hàng bán buôn hải sản đông lạnh Sanjia Deda trong khoảng thời gian 24-31/8 phải báo cáo với chính quyền địa phương và đi xét nghiệm SARS-CoV-2.
Cơ quan ngăn ngừa Covid-19 của Trường Xuân cho hay, một công ty ở thành phố Hồn Xuân đã nhập khẩu lô mực ống trên từ Nga và đưa tới Trường Xuân.
Trung Quốc hiện nay ghi nhận 85.279 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 4.634 bệnh nhân tử vong.
Ở Đông Nam Á, hai nước Indonesia và Philippines cũng là những điểm nóng của dịch Covid-19, với số ca nhiễm trong ngày lần lượt ở mức 3.989 ca và 3.311 ca.
Tại Indonesia, dịch đã lây lan toàn bộ 34 tỉnh, đặc biệt trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận 1.138 ca nhiễm mới - cao nhất trên cả nước. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận 244.676 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 9.553 trường hợp tử vong.
Khu vực thủ đô Manila của Philippines cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất so với các địa phương khác. Tính đến ngày 21/9, Philippines ghi nhận 286.743 người mắc Covid-19, trong đó có 4.984 ca tử vong.
Ngày 20/9, Chính phủ Myanmar ra chỉ thị yêu cầu người dân tại Yagon - thành phố lớn nhất nước này ở trong nhà, sau khi số ca mới mắc Covid-19 có chiều hướng tăng mạnh ở quốc gia Đông Nam Á này.
Chỉ thị áp dụng ở Yangon sẽ có hiệu lực từ ngày 21/9 và yêu cầu toàn bộ người lao động làm việc tại nhà. Hiện các trường học tại thành phố này cũng đã đóng cửa theo các biện pháp phong tỏa trước đó.
Bộ Y tế Myanmar ngày 20/9 thông báo ghi nhận 671 ca mới mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh ên 5.541 ca, trong đó có 92 ca tử vong và 1.260 bệnh nhân đã được xuất viện.
Cùng ngày 20/9, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 trên toàn quốc thêm một tuần đến ngày 27/9 tới, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo cụm và những ca mắc không xác định được nguồn lây vẫn ở mức cao trước thềm kỳ nghỉ lễ Trung thu.
Những cơ sở bị coi là có “nguy cơ cao” lây lan dịch Covid-19 như quán bar, karaoke, trung tâm tổ chức tiệc buffet, và những cơ sở công cộng tập trung đông người như bảo tàng và thư viện sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một tuần. Những nơi có rủi ro thấp hơn, như nhà hàng và cơ sở tôn giáo, mặc dù được phép hoạt động song phải theo dõi nhật ký khách ra vào và tuân thủ các quy định về giãn cách.
Ngày 20/9 đánh dấu số ca mắc Covid-19 theo ngày ở Hàn Quốc lần đầu tiên xuống mức 2 con số sau 38 ngày, song số ca không xác định được nguồn lây vẫn đang ở mức cao và số trường hợp được tiến hành xét nghiệm cũng thấp hơn vào dịp cuối tuần. Đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 22.975 người mắc Covid-19, trong đó có 383 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, đến tối 20/9, ghi nhận thêm 480 ca nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới tại tâm dịch - thủ đô Tokyo - chiếm tới 162 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới hằng ngày tại thủ đô Tokyo đã ở mức trên 100 ca trong 6 ngày liên tiếp.
Tổng số ca nhiễm ở Nhật Bản đã lên tới 79.260 ca, trong đó số ca nhiễm tại Tokyo là 24.208 ca, cao nhất trong 47 tỉnh của nước này.
* Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm 37.136 người mắc bệnh, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn châu lục lên 4.435.468, trong đó có 216.183 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/9 cho biết, nước này hiện ở điểm quan trọng liên quan đến đại dịch Covid-19, thậm chí cảnh báo biện pháp phong tỏa quốc gia lần 2 có thể được áp đặt nếu người dân không tuân thủ các quy định của Chính phủ để ngăn dịch lây lan.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 mới tại Anh đã tăng vọt, với 3.899 trường hợp được ghi nhận trong ngày 20/9. Thậm chí, Thị trưởng London Sadiq Khan đã yêu cầu phải hành động nhanh chóng để ngăn dịch lan nhanh tại thủ đô nước Anh. Dự kiến nhà chức trách London sẽ nhóm họp để đưa ra các bước khuyến nghị để được cấp bộ trưởng thông qua.
Phát biểu với truyền thông Anh, Bộ trưởng Hancock cho biết hiện có 2 lựa chọn, đó là người dân tuân thủ quy định, hoặc Chính phủ sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp. Theo ông, dù không mong muốn, song cũng không thể loại trừ khả năng nước Anh phải phong tỏa toàn quốc lần 2 để ngăn dịch lan rộng.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi tình hình dịch hiện nay là làn sóng thứ 2 và các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn sẽ được áp đặt tại nhiều vùng trên cả nước, với London có thể là địa điểm tiếp theo.
Hiện vùng England đã áp đặt mức phạt nặng lên tới gần 13 nghìn USD đối với những người vi phạm yêu cầu tự cách ly nếu tiếp xúc với người mắc COVID-19. Ngoài các yêu cầu về giãn cách xã hội trên cả nước, nhiều thành phố và vùng ở Anh đã tiến hành các biện pháp phong tỏa riêng.
Tại Pháp, những ngày qua ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới luôn ở mức cao, với hơn 10.000 trường hợp mỗi ngày, nâng tổng số người mắc bệnh lên 452.763, trong đó có 31.285 trường hợp tử vong.
Số ca nhiễm mới trung bình trong tuần qua (gần 10.000 ca/ngày) cao gấp gần 5 lần so với mức thấp nhất hồi tháng 5, khi Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa khoảng 2 lần.
Các nhà dịch tễ học cho biết, virus lây lan nhanh hơn và số lượng xét nghiệm tăng gấp 6 lần kể từ khi Chính phủ dỡ bỏ phong tỏa là hai lý do chính khiến quy mô đại dịch lan rộng.
Nga ghi nhận 6.148 ca nhiễm mới, trong đó có 79 ca tử vong. Đến nay, Nga đã ghi nhận 1.103.399 ca mắc Covid-19, trong đó có 19.418 ca tử vong.
Ngày 20/9, Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh áp dụng từ tháng 3 với các công dân Hàn Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Nga cũng thông báo người dân nước này có thể tới những nước vừa được dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh.
Tại Tây Ban Nha, ngày 20/9, hàng nghìn người dân vùng Thủ đô Madrid đã xuống đường để phản đối cách xử lý của chính quyền khu vực trước tình trạng gia tăng các trường hợp mắc Covid-19, bao gồm việc phong tỏa cục bộ ở các khu vực nghèo hơn bắt đầu từ ngày 21/9.
Phát ngôn viên của đảng Unidas Podemos tại Quốc hội Isabel Serra cho biết, chính quyền vùng Thủ đô Madrid đã công bố những hạn chế mới được áp dụng vào đầu tuần tới đối với người dân sống tại 37 khu vực y tế cơ bản của vùng, với 26 trong số đó nằm ở thành phố Madrid.
Các biện pháp mới, chủ yếu áp dụng cho các khu vực tập trung đông người nhập cư và thu nhập thấp. Dự kiến mọi người sẽ chỉ được phép ra ngoài để đi học, đi làm hoặc đi khám bệnh, trong khi các công viên sẽ đóng cửa và các nhà hàng bị giới hạn ở 50% công suất.
Những người biểu tình cho rằng, các khu vực phong tỏa, sẽ ảnh hưởng đến khoảng 850.000 người, thể hiện sự phân biệt đối xử với những cư dân nghèo hơn trong khu vực và kêu gọi lãnh đạo vùng từ chức ngay lập tức. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, các biện pháp hạn chế là cần thiết vì những khu vực nói trên có mức độ lây lan cao nhất.
Tây Ban Nha hiện đứng đầu Tây Âu về số ca mắc Covid-19 với hơn 640.000 trường hợp được xác nhận kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Hơn 30.000 người trên khắp đất nước đã chết vì căn bệnh nguy hiểm này.