Sau 1 tuần ghi nhận số ca nhiễm trong ngày dưới 25.000 ca, ngày 21/5, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ lại tăng trở lại, vượt 25.000, lên 25.964 ca, nâng tổng số người mắc bệnh lên 1.618.678, trong đó có 96.220 trường hợp tử vong và 381.774 người bình phục.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio ngày 21/5 tuyên bố, sẽ cung cấp 1,5 triệu suất ăn miễn phí cho người dân mỗi ngày kể từ tuần tới, sau khi nhận được báo cáo hiện khoảng 2 triệu dân tại thành phố không có đủ đồ ăn. Thành phố New York có khoảng 8 triệu dân và như vậy có nghĩa, cứ 4 người dân thì có 1 người thiếu lương thực.
Trong hai tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vừa qua tại đây, giới chức thành phố đã cung cấp 32 triệu bữa ăn miễn phí cho người dân bởi lệnh phong tỏa đã khiến các hoạt động kinh tế tại New York tê liệt.
Cùng ngày, Thị trưởng de Blasio cũng cho biết, thành phố đang điều tra 159 ca bệnh viêm phổi hiếm ở trẻ em liên quan tới SARS-CoV2, con số này tăng gấp đôi so với tuần trước.
Trong diễn biến khác, từ ngày 22/5, các bãi biển tại thành phố New York sẽ được mở lại cho người dân đi bộ hoặc chạy thể dục nhưng không được tập trung đông người. Hiện nhiều người đã bắt đầu quay lại sử dụng hệ thống tàu điện ngầm với mật độ mỗi ngày khoảng 600.000 lượt sử dụng, tăng gấp rưỡi so với thời điểm đỉnh dịch hồi tháng Tư, nhưng vẫn còn rất thấp nếu so với con số 5 triệu lượt sử dụng mỗi ngày trước khi đại dịch xảy ra.
Tính đến nay, bang New York ghi nhận 28.540 ca tử vong vì Covid-19 và tổng số ca nhiễm bệnh là 359.235 người.
Trong khi đó, nghiên cứu mới của ĐH Columbia cho thấy, nếu lệnh giãn cách xã hội được áp dụng sớm hơn chỉ một tuần hồi tháng 3 thì đã giảm được khoảng 17.000 ca tử vong tại New York và giảm được khoảng 36.000 ca tử vong trên toàn nước Mỹ.
* Ngày 21/5, Người phát ngôn của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc Khoá XIII Trương Nghiệp Toại nhấn mạnh, việc truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 là một vấn đề khoa học hết sức nghiêm túc.
Ông Trương Nghiệp Toại cho rằng, các nhà khoa học và chuyên gia y tế cần tiến hành truy tìm, điều tra một cách khoa học và đưa ra nhận định khoa học dựa trên chứng cứ thật sự; việc đổ trách nhiệm để che đậy vấn đề của mình là hành vi thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm.
Người phát ngôn trên khẳng định, Trung Quốc không chấp nhận mọi kiện tụng và yêu cầu đòi bồi thường liên quan vấn đề nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
* Tại Nga, Ngày 21/5, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã ký quyết định bước đầu nới lỏng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại thành phố có số lượng người mắc Covid-19 chiếm gần một nửa ở Nga.
Trên trang web cá nhân chính thức, Thị trưởng Sobyanin cho biết: “Số trường hợp mới nhiễm virus bắt đầu giảm. Số người phục hồi, được xuất viện hiện nhiều hơn số người được đưa vào điều trị trong phòng cách ly. Tôi cho rằng với điều kiện này, chúng ta có thể tiếp tục nới lỏng từng bước hoạt động kinh tế và nối lại hoạt động của các tổ chức trong thành phố”.
Theo quyết định trên, bắt đầu từ ngày 21/5, các chủ doanh nghiệp ở Moscow có thể nhận được quyền cấp thẻ thông hành điện tử cho nhân viên song vẫn phải giảm thiểu sự hiện diện của đội ngũ này tại nơi làm việc. Thị trưởng Sobyanin nêu rõ: “Còn quá sớm để tất cả nhân viên quay lại làm việc. Do đó, tất cả các tổ chức trong thành phố cần duy trì tỷ lệ tối đa nhân viên làm việc theo chế độ từ xa”.
Ngoài ra, dịch vụ chia sẻ xe hơi trong thành phố Moscow sẽ được khôi phục từ ngày 25/5. Đồng thời, thời gian thuê tối thiểu là 5 ngày và người thuê phải có thẻ thông hành điện tử để đi lại trong thành phố. Công ty dịch vụ chia sẻ xe phải vệ sinh phương tiện trước khi bàn giao cho khách.
Từ ngày 27/5, hoạt động đi lại trong thành phố phải có thẻ thông hành điện tử và việc đeo khẩu trang cũng như đi găng tay vẫn là quy định bắt buộc ở nơi công cộng.
Tính đến nay, Nga ghi nhận 317.554 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 3.099 người tử vong và 92.681 ca nhiễm bình phục.
* Ngày 21/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, ghi nhận thêm 642 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 228.006, cao thứ 6 thế giới sau Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil.
Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy cùng ngày đã tăng thêm 156 trường hợp lên 32.486 người, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Anh.
Bên cạnh đó, Italy cũng ghi nhận thêm 2.278 bệnh nhân Covid-19 hồi phục, nâng tổng số ca được điều trị thành công lên 134.560 người. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 thuộc diện điều trị đặc biệt ở nước này tiếp tục giảm thêm 36 người, hiện là 640 trường hợp.
* Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết, nước này bắt đầu thí điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 lấy kết quả nhanh từ ngày 22/5.
Theo ông Hancock, mục đích của chương trình trên là giúp người dân ngay lập tức biết được bản thân có mắc Covid-19 hay không. Nếu mô hình thành công, bộ xét nghiệm này sẽ được đem ra áp dụng trên toàn quốc trong 6 tuần tới với hàng triệu người dân có thể được kiểm tra ngay từ đầu tháng 7.
Bộ trưởng Hancock cho biết, xét nghiệm và cho kết quả ngay lập tức sẽ làm thay đổi cách thức mà nước Anh đang kiểm soát đại dịch Covid-19, cho phép những người có kết quả âm tính nhanh chóng quay trở lại làm việc bình thường.
Tính đến nay, Anh ghi nhận 250.908 ca nhiễm Covid-19, cao thứ 5 thế giới, trong đó có 36.042 ca tử vong, cao thứ 2 thế giới.
* Lãnh đạo phong trào Hamas ở Gaza ngày 21/5 tuyên bố đóng 2 cửa khẩu biên giới chính giáp Ai Cập và Israel do đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại Dải Gaza.
Bộ Y tế Palestine cho biết, các chuyên gia y tế đã xác nhận thêm 29 ca mắc Covid-19 tại Dải Gaza, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 49 người.
Theo bộ trên, sự gia tăng đột biến về số lượng các ca nhiễm bệnh là do người dân Palestine quay trở lại Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah tiếp giáp Ai Cập và cửa khẩu biên giới Erez tiếp giáp Israel.
Để đề phòng tình trạng lây lan của dịch bệnh, Hamas cũng cách ly 2.000 người do lo ngại họ đã tiếp xúc với các trường hợp dương tính với SARV-CoV-2 trong thời gian gần đây.
Một quan chức của phong trào Hamas cho biết đang xem xét khả năng phong tỏa toàn Dải Gaza trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, đánh dấu sự kết thúc của tháng Lễ Ramadan.
* Ngày 21/5 tại thủ đô Addis Abeba (Ethiopia), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, tính đến chiều cùng ngày, số trường hợp được xác nhận mắc dịch Covid-19 tại châu lục này đã vượt 95.000 ca.
Trong báo cáo mới nhất, CDC Châu Phi - một cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh Châu Phi (AU), cho biết, số trường hợp được xác nhận mắc Covid-19 trên khắp lục địa trong 24 giờ qua tăng 3.603 ca nhiễm mới lên 95.201 vào chiều 21/5. Ngoài ra, số người tử vong vì dịch bệnh này trên khắp châu Phi tăng 85 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 2.997 người. Có khoảng 38.075 người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi.
Theo CDC châu Phi, dịch Covid-19 đã lan rộng ở 54 quốc gia, trong đó Bắc Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhất của lục địa cả về số ca nhiễm và số người chết. Ai Cập và Algeria hiện là 2 quốc gia châu Phi có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu lục.
Ngày 21/5, Bộ Y tế Ai Cập xác nhận thêm 774 ca nhiễm SARS-CoV-2, mức gia tăng các ca bệnh mới cao nhất trong 1 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp mắc đầu tiên hồi giữa tháng 2. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở Ai Cập hiện là 15.003 người.
Theo bộ trên, Ai Cập cũng ghi nhận thêm 16 ca tử vong vì Covid-19, đưa tổng số trường hợp thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này lên 696 người. Trong khi đó, quốc gia Bắc Phi cũng đã có thêm 223 bệnh nhân Covid-19 hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công ở Ai Cập lên 4.217 người.
Việt Nam hiện đã bước sang ngày thứ 36 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, số ca mắc Covid-19 ghi nhận ở mức 324, trong đó, 266 ca đã được công bố khỏi bệnh. 58 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có 8 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. |