Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khẳng định, phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra là quá “phóng đại”. (Nguồn: Radiorumbos) |
Mỹ và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh, trong bối cảnh nhiều nước đang phải đối mặt nguy cơ rơi vào làn sóng thứ 2 của đại dịch.
Tại Mỹ, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 30.420 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên 2.387.077, trong đó có 122.596 ca tử vong, là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới trong đại dịch.
Tại Brazil, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 24.358 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc bệnh lên 1.111.348, trong đó có 51.407 ca tử vong. Brazil là nước chịu thiệt hại nặng thứ 2 sau Mỹ.
Mặc dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/6 khẳng định, phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra là quá “phóng đại”, đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BandNews, nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu của Brazil nói: “Tôi đề nghị các thống đốc bang và thị trưởng của Brazil, với trách nhiệm rõ ràng của mình, bắt đầu mở cửa thương mại, bởi những thông tin mới từ thế giới, những thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng với những sai lầm của họ, đã cho thấy có một chút phóng đại trong việc xử lý vấn đề này”.
Tổng thống Bolsonaro khẳng định, nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại và tiến trình này cần phải được tăng tốc. Bởi theo ông, nền kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt và nếu nền kinh tế Brazil không hoạt động, người dân nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả, bắt đầu từ những người có thu nhập thấp. Ông Bolsonaro cũng cho rằng, không thể để cho các biện pháp xử lý đại dịch gây hại nhiều hơn chính đại dịch.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Bolsonaro cho hay, Chính phủ Brazil đã chấp nhận chi trả 2 mức trợ cấp hằng tháng cho 50 triệu người thất nghiệp, lao động không chính thức và người nghèo để giảm bớt những tác động từ đại dịch đến các đối tượng này, song ông cho hay, Brasilia không thể tiếp tục vay thêm cho những khoản viện trợ khẩn cấp như vậy.
Tổng thống Brazil là một trong những nhà lãnh đạo có sự “hoài nghi” lớn nhất đối với tính nghiêm trọng của đại dịch và cho rằng, Covid-19 chỉ là một căn bệnh tương tự một dạng cúm mùa thông thường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn giữa Chính phủ liên bang với các chính quyền bang và thành phố của Brazil liên quan đến những biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh. Ông Bolsonaro luôn chỉ trích rằng các biện pháp này gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại Brazil.
Theo ước tính của các nhà kinh tế học, những tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy Brazil rơi vào thời kỳ suy thoái lớn nhất trong lịch sử, với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm 6,5% và hàng triệu người mất việc làm.
* Mexico trải qua ngày tồi tệ với số ca tử vong cao nhất thế giới được ghi nhận lên đến 1.044 trường hợp, nâng tổng số ca thiệt mạng do Covid-19 lên 21.825. Bên cạnh đó, Mexico ghi nhận thêm 5.343 người mắc bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 180.545.
* Ngày 22/6, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei cho biết, 151 nhân viên làm việc trong Phủ Tổng thống đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận gói viện trợ 72.000 bộ xét nghiệm Covid-19 do Liên mình châu Âu (EU) tài trợ cho Guatemala, ông Giammattei cho hay, phần lớn trong số những ca bệnh trên là các nhân viên thuộc Bộ Hành chính và An ninh - đơn vị trực tiếp phụ trách nhiệm vụ chăm sóc Tổng thống và gia đình ông.
Theo ông Giammattei, những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại phủ Tổng thống đã được công bố trước đó không lâu nhưng con số không cao như hiện tại. Tới nay, 69 người trong số này đã bình phục và 5 người hiện ở trong tình trạng nguy kịch, số còn lại vẫn đang được điều trị.
Liên quan đến khoản viện trợ từ EU, Tổng thống Guatemala khẳng định các bộ xét nghiệm sẽ giúp tăng cường công tác phát hiện các ca nhiễm bệnh, đồng thời giúp ngăn chặn sự bùng phát của các ổ dịch. Theo số liệu chính thức, Guatemala tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận tổng cộng 12.614 ca Covid-19, trong đó có 531 người tử vong.
* Ngày 22/6, Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Rania Al Mashat cho biết, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cấp cho Ai Cập 17 triệu USD nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Cairo trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, tạp chí Egypt Today dẫn thông báo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Ai Cập cho biết, đã ký kết thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca để cung cấp cho Ai Cập vaccine ngừa Covid-19, do Đại học Oxford của Anh sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan này không công bố số lượng cụ thể cũng như thời điểm chuyển giao vaccine.
Theo ông Ahmed Salman, nhà nghiên cứu người Ai Cập tham gia nhóm nghiên cứu vaccine tại Đại học Oxford, loại vaccine mà trường đại học này nghiên cứu, sản xuất đang được tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người với số lượng lớn.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập ghi nhận thêm 1.576 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở quốc gia Bắc Phi lên 56.809 người, trong đó có 2.278 ca tử vong.
Tại Việt Nam, đã 68 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 349 người nhiễm Covid-19, trong đó, 328 người đã được công bố khỏi bệnh. Trong 21 ca còn lại, 6 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên. |