📞

Cập nhật 7h ngày 28/4: Vượt 1 triệu, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ chiếm 1/3 thế giới. Số ca tử vong tại Pháp chưa được thống kê có thể lên 9.000 người

07:00 | 28/04/2020
TGVN. Tính đến 6 giờ ngày 28/4 (giờ Việt Nam), theo Worldometers, số ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã chính thức vượt 3 triệu người.

Theo đó, số ca nhiễm mới trên thế giới trong 24 giờ qua là 65.290, nâng tổng số người mắc Covid-19 trên toàn cầu là 3.058.552, trong đó, số trường hợp tử vong là 211.177, tăng thêm 4.262 ca.

Số liệu thống kê của Worldometers cũng cho thấy, có 919.727 người nhiễm Covid-19 đã bình phục, trong khi đó, còn 56.281 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

* Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, với 20.354 ca nhiễm mới, số người mắc bệnh tại Mỹ đã vượt 1 triệu lên 1.007.514, chiếm gần 1/3 số ca bệnh toàn cầu.

Mỹ cũng ghi nhận thêm 1.211 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 56.624. Ngoài ra, có 137.720 người nhiễm bệnh đã bình phục và 14.175 ca nặng, nguy kịch.

Nhận xét về tình hình chống dịch ở Mỹ, ngày 27/4, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng, quốc gia này dường như có một kế hoạch liên bang “được trình bày rất rõ ràng” và dựa trên cơ sở khoa học dành cho công tác đấu tranh với đại dịch Covid-19.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, ông Ryan nói: “Chính quyền liên bang và hệ thống gồm các thống đốc đã phối hợp với nhau để đưa Mỹ và người dân nước này vượt qua hoàn cảnh rất khó khăn.

Đề cập đến các kế hoạch của Mỹ nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế của Mỹ, quan chức WHO nhận định: “Chúng tôi tin là kế hoạch liên bang tổng thể dường như dựa rất nhiều trên cơ sở khoa học”.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi một số thống đốc bang nên "xem xét nghiêm túc" việc mở lại các trường học vì theo ông đây là nguyện vọng của nhiều người Mỹ.

Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra khi các hướng dẫn của Nhà Trắng về việc mở cửa lại các khu vực kinh tế, khuyến nghị các trường học vẫn đóng cửa cho đến khi từng tiểu bang vượt qua được tiêu chí về số ca nhiễm mới được báo cáo và tái nhiễm trong vòng ít nhất 14 ngày.

Theo trang web của Nhà Trắng, các quan chức liên bang và địa phương có thể cần điều chỉnh việc áp dụng các tiêu chí này cho từng hoàn cảnh của mỗi tiểu bang (ví dụ, các khu vực đô thị có tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng, khu vực nông thôn và ngoại ô, nơi dịch bệnh chưa xảy ra hoặc ở mức độ nhẹ).

Ngoài ra, cũng theo Nhà Trắng, trong điều kiện thích hợp, các thống đốc nên làm việc trên cơ sở điều kiện thực tế tại các tiểu bang để đáp ứng các tiêu chí này.

Tổng thống Mỹ và một số thống đốc tiểu bang đã có những bất đồng về quan điểm liên quan đến vấn đề mở cửa lại hoạt động kinh tế ở các bang. Thống đốc New York Andrew Cuomo, một thành viên của đảng Dân chủ, đã cảnh báo một "cuộc khủng hoảng hiến pháp" sẽ xuất hiện nếu Tổng thống Trump ra lệnh mở lại nền kinh tế mà không có sự thỏa thuận của các thống đốc.

* Tại Pháp, số ca tử vong vì Covid-19 đã lên tới 23.293 người, tăng 437 trường hợp trong 24 giờ qua, bao gồm 14.497 ca ở các bệnh viện (tăng 295 trường hợp) và 8.796 ca ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 142 trường hợp).

Tuy nhiên, con số tử vong do SARS-CoV-2 ở Pháp trên thực tế có thể cao hơn nhiều, vì thống kê chính thức không tính đến số bệnh nhân thiệt mạng tại nhà - có thể lên đến khoảng 9.000 người theo ước tính của Nghiệp đoàn bác sĩ đa khoa gia đình. Ước tính này sẽ phải được xác nhận bằng cách so sánh với sự gia tăng tỷ lệ tử vong cùng kỳ năm 2019.

Pháp hiện ghi nhận 28.055 người mắc Covid-19 đang nằm viện, giảm 162 ca so với ngày 26/4, trong đó có 4.608 bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt, giảm 74 ca. Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp trong 19 ngày qua. Đến nay, tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 theo Worldometers thống kê là 165.842 người.

Bộ Kinh tế Pháp cho biết, nước này sẽ có khả năng cung cấp hơn 26 triệu khẩu trang vải mỗi tuần kể từ cuối tháng 4, cũng như 20 triệu khẩu trang y tế từ nay đến cuối tháng 5. Gần 50% số khẩu trang vải, có thể tái sử dụng 20 lần, sẽ được nhập khẩu. Phần còn lại được sản xuất tại Pháp với sự tham gia của 242 công ty dệt may.

* Tại Italy, Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết đã ghi nhận thêm 1.739 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 199.414 người - đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha. Đây là mức tăng số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày thấp nhất ở Italy kể từ ngày 10/3.

Cũng theo cơ quan trên, số ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy đã tăng thêm 333 trường hợp, lên 26.977 người - cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Ngoài ra, Italy cũng có thêm 1.696 bệnh nhân hồi phục sức khỏe, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 66.624 người.

Cùng ngày, Liên đoàn Bác sĩ Italy cho biết, đã có 151 bác sĩ nước này tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 kể từ tháng 2 năm nay.

* Tại Đức, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng lên 158.434, với 6.061 ca tử vong, trong khi số người khỏi bệnh là 115.000 người. Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), hệ số lây nhiễm ở Đức đã tăng từ 0,9 lên 1, có nghĩa 1 người bệnh lây nhiễm tương đương cho 1 người khác.

Trong bối cảnh đó, Người phát ngôn Steffen Seibert tuyên bố, Chính phủ liên bang Đức sẽ không sớm thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cuộc thảo luận trực tuyến giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với thủ hiến các bang, theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này để đưa ra các biện pháp tiếp theo, sẽ được hoãn lại tới ngày 6/5.

Ông Seibert cho biết, cuộc thảo luận dự kiến vào ngày 30/5 này sẽ chỉ là cuộc tham vấn trù bị quan trọng và những quyết định sẽ rất hạn chế. Theo người phát ngôn, việc tiến hành thảo luận các bước đi tiếp theo vào cuối tháng này là “quá sớm” để đánh giá một cách hiệu quả về những tác động của các biện pháp nới lỏng cho đến nay. Hiện có nhiều chính trị gia lên tiếng ủng hộ chủ trương tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế đang áp dụng.

* Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6 giờ ngày 28/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 ở châu Phi đã lên tới 33.839 trường hợp, trong đó có 1.464 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) cho biết, hiện dịch bệnh đã xuất hiện ở 52/55 quốc gia của châu lục này. Công tác điều trị cho những người nhiễm bệnh ở các nước châu Phi cũng đạt được những kết quả nhất định khi có khoảng gần 10.500 người đã hồi phục hoàn toàn.

* Nam Phi hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch Covid-19 ở châu Phi với 4.793 ca nhiễm, tăng 247 trường hợp trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 hôm 5/3.

Nam Phi cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng ở nước này lên 90 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 178.470 người sau khi tiến hành đo thân nhiệt cho hơn 3 triệu trường hợp.

* Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 248 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng ca mắc Covid-19 lên 4.782. Bên cạnh đó, số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Ai Cập cũng tăng thêm 20 người, lên 337 trường hợp. Như vậy, đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng kỷ lục kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở quốc gia Bắc Phi này hồi giữa tháng 2 vừa qua.

Ai Cập đang triển khai hàng loạt biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, như đóng cửa các trường học và đình chỉ các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang áp dụng lệnh giới nghiêm trong suốt tháng lễ Ramadan, kéo dài từ 21 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau.

* Tại Algeria, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19 cho biết, Algeria ghi nhận thêm 135 ca mắc Covid-19 và 7 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 3.517 người, trong đó có 432 ca tử vong. Số bệnh nhân mắc Covid-19 được chữa khỏi cũng tăng thêm 50 trường hợp, lên 1.588 người.

Hiện dịch bệnh Covid-19 đã lây lan đến 47/48 tỉnh, thành phố của Algeria.

* Ngày 27/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tác động từ tình trạng gián đoạn của các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là đối với trẻ em, đồng thời cảnh báo: “Đại dịch còn lâu mới chấm dứt. WHO tiếp tục quan ngại về những xu hướng gia tăng ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latin và một số quốc gia châu Á. Số ca nhiễm bệnh và tử vong đang thấp hơn so với báo cáo ở các quốc gia thuộc những khu vực này do tình trạng thiếu năng lực xét nghiệm”.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Chúng ta còn một con đường dài ở phía trước và rất nhiều công việc phải làm”.

Tại Việt Nam, từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ 28/4, đã 12 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm Covid-19 hiện tại là 270, trong đó, 222 người đã bình phục, 48 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hầu hết sức khỏe ổn định, nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên.

(tổng hợp)