Một Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đeo khẩu trang ở Quốc hội. (Nguồn: Reuters) |
Số ca nhiễm Covid-19 trong ngày tại các bang của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất sau nhiều tháng nỗ lực thực thi các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng không áp dụng đồng đều trên cả nước. Trong 6 ngày qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao chưa từng có, luôn ở mức trên 40.000.
Trong 24 giờ qua, Mỹ phát hiện thêm 41.341 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 2.678.418 trường hợp, trong đó có 128.767 trường hợp tử vong. Hiện, Mỹ cũng ghi nhận 1.104.171 người mắc Covid-19 bình phục.
Trong bối cảnh đó, một số bang miền Tây và Nam như California, Texas và Florida đã phải tái áp đặt các hạn chế để phòng dịch.
Khu vực Mỹ Latinh vẫn là một điểm nóng trên thế giới khi chứng kiến số ca mắc Covid-19 trong một tháng qua tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người. Dịch bệnh đe dọa sức khỏe của người dân đồng thời làm lung lay nền tảng kinh tế xã hội tại khu vực vốn đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại từ nhiều năm nay.
Brazil với 1.368.195 ca mắc Covid-19 và 58.314 ca tử vong là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Các chuyên gia y tế lo ngại con số này trên thực tế còn cao hơn do năng lực xét nghiệm của nước này còn hạn chế.
* Ngày 29/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện nguồn gốc SARS-CoV-2 để có thể phòng chống loại virus này tốt hơn. Tuy nhiên, ông không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này.
Từ đầu tháng 5 vừa qua WHO đã gây sức ép buộc Trung Quốc mời các chuyên gia của tổ chức y tế này tới giúp điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2
Trước đó Mỹ - quốc gia chỉ trích WHO mạnh nhất cho biết sẽ rời khỏi cơ quan y tế của Liên hợp quốc này - đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, có thể virus này bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng minh chứng cho phát biểu này và Trung Quốc kịch liệt bác bỏ nhận định đó.
* Tại Indonesia, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ Doni Monardo cho biết, hơn 70%, hoặc thậm chí 90% số người mắc Covid-19 ở một số địa phương của Indonesia là không xuất hiện triệu chứng (OTF).
Ông Doni nhấn mạnh, các OTF là những người có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Nếu không được cách ly, các đối tượng này có thể truyền virus SARS-CoV-2 cho bất kỳ ai, nhất là những người mắc các bệnh nền hoặc các bệnh bẩm sinh.
Dẫn các số liệu thống kê mới nhất, ông Doni cho hay hơn 85% số ca tử vong do Covid-19 liên quan đến những người mắc các bệnh nền, như huyết áp cao, tiểu đường, hen suyễn, lao, ung thư ....
Indonesia hiện đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua. Đến nay, quốc gia này đã phát hiện 55.092 người mắc bệnh, trong đó có 2.805 ca tử vong.
* Ngày 29/6, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh như một phần của các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan.
Các quốc gia mới được đưa vào danh sách này chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, gồm Algeria, Cuba, Iraq, Cameroon, CH Trung Phi, Costa Rica, Eswatini, Gruzia, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Jamaica, Lebanon, Mauritania, Nicaragua, Saint Vincent và Grenadines, cùng Senegal.
Theo đó, từ ngày 1/7, công dân nước ngoài từng đến 18 quốc gia nói trên trong vòng 14 ngày sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản. Như vậy, danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà công dân bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản hiện lên tới con số 129.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới như ngừng cấp thị thực (visa) cho công dân các nước thuộc danh sách trên cho đến cuối tháng 7 tới. Với các hạn chế này, trong tháng 5 vừa qua, chỉ có khoảng 1.700 công dân nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất trong lịch sử.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc dỡ bỏ hạn chế đi lại đối với những nước kiểm soát tốt dịch Covid-19. Theo số liệu của Worldometers, tính đến ngày 30/6, nước này ghi nhận 18.467 ca mắc bệnh, trong đó có 972 ca tử vong.
* Tại châu Phi, số ca mắc Covid-19 tính đến sáng 29/9 đã gần chạm mức 400.000 người, cụ thể đang là 396.081 trường hợp nhiễm bệnh, tăng 10.779 ca so với ngày trước đó. Số ca tử vong ở lục địa này đang là 9.909 ca, tăng 211 trường hợp. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam Phi với 144.246 ca mắc, tiếp đến là Ai Cập với 66.754 ca, Nigeria với 25.133 ca...