Các nghĩa trang của Brazil "quá tải" do số người tử vong vì Covid-19 gia tăng không ngừng. (Nguồn: Getty Images) |
Thông báo trên mạng truyền thông xã hội WeChat ngày 29/5, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) cho biết, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do nước này sản xuất có khả năng sẵn sàng được tung ra thị trường ngay cuối năm nay.
Trong các lần thử nghiệm, tổng cộng có hơn 2.000 người đã tiếp nhận các liều vaccine do Viện Sinh phẩm Vũ Hán và Viện Sinh phẩm Bắc Kinh phát triển. Theo đó, một loại vaccine có khả năng sẵn sàng được đưa ra thị trường ngay cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Hiện vaccine ngừa Covid-19 của 2 viện nghiên cứu này đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Theo chính quyền Trung Quốc, dây chuyền sản xuất của Viện Sinh phẩm Bắc Kinh mỗi năm có khả năng sản xuất từ 100-120 triệu liều vaccine.
Covid-19 vẫn đang diễn biến mạnh tại khu vực châu Mỹ Latinh - điểm nóng dịch bệnh mới. Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực là Brazil với gần 500.000 ca mắc bệnh và trên 28.800 ca tử vong. Tiếp đó là Peru với 155.671 ca mắc và 4.371 ca tử vong.
Dịch bệnh không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với hệ thống y tế mà còn tác động khôn lường tới nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” – những người chịu cảnh đói do không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, cả về khối lượng lẫn độ đa dạng – tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng gấp 4 lần trong năm nay. Cụ thể, khu vực này khép lại năm 2019 với 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, nhưng với tác động tiêu cực của dịch Covid -19, con số này có thể tăng trên 10 triệu người trong năm nay và lên tới 13,7 triệu người vào cuối năm.
Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 30/5 ghi nhận tổng cộng 1.737.950 ca nhiễm SARS-CoV-2, tăng 18.123 ca so với trước đó 1 ngày, số ca tử vong đã tăng 1.074 trường hợp, lên thành 102.785 người.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 30/5 công bố nước này ghi nhận thêm 416 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 232.664 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 33.340 trường hợp (tăng 111 ca) và số ca hồi phục là 155.633 người (tăng 2.789 người).
Số ca nhập viện với các triệu chứng tiếp tục giảm mạnh với 6.680 ca (giảm 414 ca), trong đó có 450 phải điều trị tích cực (giảm 25 trường hợp).
Theo chỉ dẫn trong sắc lệnh của Chính phủ Italy công bố ngày 30/5 thì từ ngày 3/6, công dân thuộc các nước Schengen và Anh tới Italy sẽ không bắt buộc phải cách ly 14 ngày; quy định cũng áp dụng với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen kể từ ngày 15/6.
Mặc dù Chính phủ Italy đã công bố thời điểm mở cửa biên giới, tuy nhiên một số nước châu Âu như Hy Lạp, Áo, Thụy Sỹ... vẫn quyết định đóng cửa với Italy.
Trong một thông báo, Ngoại trưởng Luigi Di Maio cho rằng Italy cần được tôn trọng và cần một phản ứng chung của châu Âu, bởi nếu hành động theo cách khác biệt, không dựa trên tinh thần Liên minh châu Âu (EU), châu Âu sẽ sụp đổ.
Theo kế hoạch, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Italy sẽ tới Đức vào ngày 5/6, Slovenia vào ngày 6/6 và Hy Lạp ngày 9/9.
Ngoại trưởng Luigi Di Maio nêu rõ: “Tại các cuộc gặp, tôi sẽ giải thích với các đồng nghiệp rằng Italy sẵn sàng tiếp đón du khách nước ngoài từ ngày 15/6 và hành động với sự minh bạch tối đa. Tình hình nội bộ, tất cả dữ liệu về số ca nhiễm sẽ luôn được công khai. Chúng tôi không chấp nhận danh sách đen (black-list) và chúng tôi không có gì để che giấu”.
Tính đến sáng 30/5, Nga ghi nhận 8.952 trường hợp nhiễm Covid-19 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh lên 396.575 người, trong đó 41,9% số ca không có biểu hiện lâm sàng.
Trong vòng 24 giờ qua, Nga có 8.212 người hồi phục được xuất viện, nâng tổng số ngưởi khỏi bệnh lên 167.469 người, và có 181 người tử vong , nâng tổng số người tử vong lên con số 4.555 trường hợp.
Thủ đô Moscow là địa phương ghi nhận nhiềm ca nhiễm mới nhất với 2.367 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân lên 178.196 người. Moscow cũng có thêm 3.599 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 78.324, và 78 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 2.408 người.
Theo cập nhật của Bộ Y tế Ukraine, Ukraine ghi nhận 393 trường hợp dương tính với Covid-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 23.204 người. Trong 24 giờ qua, nước này có 17 trường hợp tử vong, nâng số người tử vong lên 696 người và tổng số bệnh nhân bình phục được xuất viện là 9.311 người.
Trong khi đó, Belarus ghi nhận tổng cộng 41.658 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 894 trường hợp so với thống kê một ngày trước đó. Trong vòng 24 giờ có 5 ca tử vong, nâng con số tử vong lên 229 người.
Belarus nằm trong danh sách 5 quốc gia ở châu Âu ghi nhận số các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trong 14 ngày qua. Nước này cũng nằm trong tốp 10 về số trường hợp Covid-19 trên 1 triệu dân.
Bộ Y tế Nam Phi ngày 30/5 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.727 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 lên 30.967 người, trong đó có 643 ca tử vong.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, cũng trong 24 giờ qua, Nam Phi đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 21.708 người, nâng tổng số người được xét nghiệm tại nước này lên 701.883 trường hợp. Tính đến thời điểm hiện, Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 15.093 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh.
Nam Phi đã bước sang ngày thứ 64 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, bắt đầu từ 1/6, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm từng bước khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
Ngày 30/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã ghi nhận thêm 1.367 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi lên đến 23.449 người.
Trong mấy ngày qua, số ca nhiễm ở Ai Cập đã tăng liên tục và ngày 30/5 được coi là ngày có số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào hôm 14/2.
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do Covid-19 đã lên tới 913 người, sau ghi nhận thêm 34 trường hợp tử vong trong ngày 30/5. Ngoài ra, theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, có thêm 182 bệnh nhân mắc Covid-19 bình phục hoàn toàn và được xuất viện, qua đó nâng tổng số người khỏi bệnh lên 5.693.
Mặc dù Ai Cập đang từng bước mở cửa trở lại các hoạt động thương mại song nhà chức trách nước này vẫn tiếp tục áp dụng một số biện pháp, trong đó có việc gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm thêm 2 tuần bắt đầu từ ngày 30/5.
Theo nghị định được nội các Ai Cập vừa mới ban hành, tất cả các nhân viên làm việc tại các khu chợ, siêu thị, cửa hàng, ngân hàng, các tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước cũng như các khách hàng, người đến giao dịch đều bắt buộc phải đeo khẩu trang. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng đối với các hành khách đi trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như tư nhân. Những người vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên tới 4.000 bảng Ai Cập (khoảng 255 USD).
Mặc dù tình trạng số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng mạnh trong những ngày vừa qua, giới chức nước này cho rằng tỷ lệ nhiễm vẫn chưa lên đến đỉnh điểm và số ca nhiễm được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến tận giữa tháng 6 tới.