📞

Cập nhật 7h ngày 3/7: Kỷ lục hơn 200.000 người bị 'xúc tu' của Covid-19 'sờ gáy', chứng minh cho toàn nhân loại thấy đại dịch còn lâu mới hết

Thế Việt 07:01 | 03/07/2020
TGVN. Tính đến 6h ngày 3/7, theo Worldometers, toàn cầu ghi nhận 10.968.271 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 523.132 trường hợp tử vong. Tổng số ca bình phục trên toàn thế giới đã vượt mức 6 triệu, lên 6.128.404 người.

Biểu đồ tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới cập nhật đến 6h ngày 3/7. (Nguồn: Worldometers)

Mỹ vẫn 'ngập chìm' trong khủng hoảng Covid-19 với số ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua cao chưa từng thấy, 53.142 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 2.833.039, trong đó có 131.413 ca đã tử vong.

Hơn 30 bang của Mỹ ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2. Trước làn sóng dịch Covid-19 mới, nhiều bang của Mỹ đã phải tạm ngừng kế hoạch mở cửa tiếp theo, đồng thời tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.

Nhiều thị trấn, thành phố trên khắp nước Mỹ cũng đã quyết định hủy các chương trình diễu hành truyền thống và bắn pháo hoa, tránh tụ tập đông người nhằm ngặn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự lạc quan, Mỹ sẽ sớm có một loại vaccine hiệu quả để phòng bệnh Covid-19, khẳng định hiện có 3 loại vaccine tiềm năng đặc biệt khả quan, tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về 3 loại vaccine này.

Brazil chưa có dấu hiệu giảm các ca nhiễm Covid-19 mới, với 47.984 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh lên 1.501.353, trong đó có 61.990 bệnh nhân tử vong.

* Tại châu Âu, Chính phủ Thụy Sỹ thông báo, từ ngày 6/7, du khách 29 quốc gia tới nước này sẽ phải đăng ký với giới chức và tự cách ly nhằm ngăn chặn một đợt tái bùng phát dịch Covid-19.

Danh sách 29 quốc gia bao gồm Mỹ, Thụy Điển, Brazil và Nga, những nước được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Chính phủ Thụy Sỹ, du khách đã từng có thời gian ở những quốc gia thuộc danh sách trên trong vòng 14 ngày trở lại cần phải lập tức thông báo với giới chức Thụy Sỹ ngay khi tới nước này, sau đó cách ly trong 10 ngày.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, châu Âu đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 gây tổn hại to lớn tới nền kinh tế vẫn chưa kết thúc.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Merkel nêu rõ, SARS-CoV-2 chưa biến mất và đại dịch Covid-19 đang thử thách năng lực đoàn kết của châu Âu.

* Tại châu Á, Ấn Độ liên tiếp ghi nhận những kỷ lục đau thương khi trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới Covid-19 lại tăng mạnh lên 21.984, nâng tổng số người mắc bệnh lên 627.168. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 377 ca nhiễm Covid-19 tử vong, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng vì căn bệnh nguy hiểm này lên 18.225.

Tại Nhật Bản, ngày 2/7, Bộ Y tế thông báo, nước này đang lập các trung tâm xét nghiệm PCR tại 3 sân bay lớn ở thủ đô Tokyo và Osaka, với mục đích kiểm tra các du khách nước ngoài để phòng dịch Covid-19. Thông báo được đưa ra trong thời điểm quốc gia Đông Bắc Á chuẩn bị dỡ bỏ lệnh cấm đi lại.

Các trung tâm kiểm tra sẽ được lập ở sân bay Haneda của Tokyo, sân bay quốc tế Narita gần thủ đô và sân bay Kansai ở tỉnh Osaka vào khoảng tháng 9 tới.

Hiện chỉ có khoảng 1.000 lượt xét nghiệm PCR được thực hiện hàng ngày ở các điểm kiểm dịch đặt tại sân bay của Nhật Bản và thường mất 1 - 2 ngày để có kết quả. Với kế hoạch mới, Nhật Bản hy vọng có thể thực hiện được khoảng 4.000 lượt xét nghiệm PCR mỗi ngày và thời gian chờ kết quả dự kiến được rút xuống còn vài giờ.

Theo Bộ Y tế, các trung tâm xét nghiệm cũng sẽ được lập tại nhiều khu vực trung tâm Tokyo và tỉnh Osaka, chủ yếu nhắm đến những hành khách rời Nhật Bản.

Từ tháng 2 vừa qua, Nhật Bản tăng cường hạn chế khách nước ngoài nhập cảnh nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Hiện Chính phủ Nhật Bản đang thương lượng với một số nước để nới lỏng hạn chế đi lại đối với các doanh nhân thỏa mãn điều kiện có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và cung cấp lịch trình cụ thể trong thời gian lưu trú.

Cho đến nay, Nhật Bản ghi nhận 18.874 người nhiễm Covid-19, tăng 151 trường hợp trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây.

Tại Hàn Quốc, do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19, hơn 4.000 cơ sở kinh doanh tại Seoul đã phải đóng cửa trong 6 tháng đầu năm nay.

Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 12.904 người nhiễm bệnh, trong đó có 282 ca tử vong và đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 khi liên tiếp ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới từ các ổ dịch mới phát hiện ở xung quanh thủ đô Seoul.

* Ngày 2/7, Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho biết, khó có khả năng vật nuôi lây truyền SARS-CoV-2 sang chủ.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, bà Soumya Swaminathan cho hay, động vật thuộc họ mèo, chồn sương và "thậm chí cả hổ" đều đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bà khẳng định "có rất ít nguy cơ từ vật nuôi trong nhà do có một số quan ngại về việc vật nuôi có thể trở thành một nguồn lây nhiễm".

* Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo Hội đồng Bảo an về những hệ lụy nhiều mặt của đại dịch Covid-19 đối với an ninh và hòa bình quốc tế.

Ông Guterres nhấn mạnh, hệ lụy của đại dịch đã có thể thấy được ngay ở những nước từ trước tới nay rất ổn định và đặc biệt càng rõ hơn ở những nước đang trải qua các cuộc xung đột bạo lực. Tại nhiều nơi, căng thẳng ngày càng gia tăng do những ảnh hưởng về kinh tế-xã hội của cuộc khủng hoảng dịch bệnh gây ra; niềm tin vào cáo cơ quan công quyền ở một số nơi đã giảm sút bởi người dân thấy rõ chính quyền của mình đã không ứng phó với đại dịch hiệu quả hoặc chưa thực sự minh bạch khi thông tin cho họ về những ảnh hưởng của đại dịch.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, khi con người đối mặt với quá nhiều nỗi khổ thì đó chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn và bạo lực.

Đại dịch hiện nay đã khiến khoảng cách bất bình đẳng giới thêm rộng hơn và phụ nữ là những người bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình, lạm dụng, không có chỗ ở và không được tiếp cận công lý.

Trong khi đó, chính đại dịch Covid-19 đang khiến cho các nỗ lực ngoại giao và hòa giải gặp thêm nhiều khó khăn bởi việc di chuyển giữa các nơi bị hạn chế và việc thảo luận trực tuyến nhiều khi khó tạo được niềm tin cũng như có được sự thỏa hiệp của các bên liên quan.

Tổng thư ký LHQ cũng bày tỏ quan ngại về việc đại dịch có thể gây ra thêm nhiều thách thức đối với việc đảm bảo quyền con người, trong bối cảnh đã có nhiều vụ việc cho thấy cảnh sát lạm dụng quyền lực tại những nơi bị phong tỏa hay giới nghiêm.

(tổng hợp)