Vaccine đầu tiên của Nga ngừa Covid-19, được phát triển cùng với Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya, sẽ được đăng ký giấy phép trong vòng 10 ngày nữa. (Ảnh minh họa. Nguồn: Tellusdaily) |
Ngày 4/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19, bất chấp quyết định rút khỏi tổ chức này của Mỹ.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, nhà ngoại giao Nga cho biết, thật đáng tiếc một số quốc gia trên trường quốc tế tiếp tục theo đuổi mục tiêu của riêng mình, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
"Chúng tôi xem quyết định của Mỹ rút khỏi WHO là phản tác dụng. WHO đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc phối hợp các nỗ lực toàn cầu chống Covid-19", ông Ryabkov nêu rõ.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn khiến hàng trăm nghìn người nhiễm trên toàn cầu mỗi ngày, với hàng nghìn ca tử vong được ghi nhận. Cho đến nay, toàn cầu đã ghi nhận hơn 18,5 triệu người nhiễm với hơn 700.000 ca tử vong.
* Tại châu Âu, Đức đang đương đầu với làn sóng dịch thứ hai và các nguy cơ từ việc không tuân thủ quy định giãn cách xã hội đang gây uổng phí thành công bước đầu của nước này.
Ngày 4/8, Viện trưởng Viện Virus và Vi sinh vật học thuộc Đại học Y Brandenburg, Giáo sư Frank T. Hufert nhận định, Đức hiện đang ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai, đồng thời cho rằng, chỉ trong vòng 2 đến 3 tuần tới sẽ có thể biết chính xác điều gì đang xảy ra.
Mặc dù sự lây nhiễm của dịch bệnh nguy hiểm này đã giảm đi nhiều so với mức cao điểm của đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu tháng 4 vừa qua, song số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tại nhiều nơi ở Đức lại đang trở thành vấn đề thực sự đáng lo ngại, đặc biệt khi số ca nhiễm mới đã vượt mốc 1.000 trường hợp hôm 31/7.
Theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI), tính đến ngày 4/8, Đức ghi nhận hơn 212.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 9.232 ca tử vong.
Tại Pháp, Ủy ban Khoa học nước này cảnh báo "nhiều khả năng" làn sóng dịch Covid-19 thứ hai sẽ bùng phát vào mùa Thu hoặc mùa Đông năm nay do nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gia tăng rõ rệt trong 2 tuần qua.
Trang chủ của Bộ Y tế Pháp đăng tải tuyên bố của Ủy ban trên nêu rõ tình hình tại Pháp hiện nằm trong tầm kiềm soát, nhưng số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại mùa Hè này. Về ngắn hạn, dịch bệnh trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào chính ý thức phòng bệnh của người dân.
Cho đến nay, Pháp đã ghi nhận 192.334 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 30.296 ca tử vong. Nguy hiểm hơn, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Pháp đã tăng gấp đôi so với 1 ngày trước đó.
Trong khi đó, tại Anh, theo nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học College London cùng trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London thực hiện, nước này sẽ đương đầu với làn sóng dịch thứ hai với tốc độ lây lan cao gấp đôi trong mùa Đông năm nay so với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh nếu mở cửa trở lại các trường học mà không triển khai hệ thống xét nghiệm và truy dấu hiệu quả hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, có thể ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai nói trên nếu 75% những người có triệu chứng mắc Covid-19 được xét nghiệm và được phát hiện, đồng thời có thể truy dấu 68% số người từng tiếp xúc với những người này, hoặc 87% số người có triệu chứng được phát hiện và 40% những người tiếp xúc với họ được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Chính phủ Anh xác nhận nước này có thể sẽ hạn chế đi lại tại thủ đô London và một số thành phố vùng England. Xác nhận trên được đưa ra khi số liệu chính phủ công bố mới nhất cho thấy số ca phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 3/8 lên tới 938 trường hợp. Đây là mức lây nhiễm hằng ngày tăng cao nhất tại Anh kể từ ngày 26/6 vừa qua.
Viện Y tế quốc gia Hà Lan công bố báo cáo cập nhật hàng tuần cho biết trong tuần qua, số ca mắc mới tại nước này đã tăng gần gấp đôi lên 2.588 ca, duy trì xu hướng tăng kể từ khi chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ đầu tháng 7. Số ca mắc mới trong một tuần tính đến ngày 4/8 tăng 95% so với con số 1.329 ca trong tuần tính đến ngày 28/7 vừa qua.
Cũng trong ngày 4/8, nhà chức trách Ba Lan công bố thêm 680 ca mắc và 6 ca tử vong. Đây là lần thứ 4 trong một tuần số ca mắc trong ngày tăng lên mức cao nhất. Trong số ca mắc mới, hơn 220 ca được xác nhận tại vùng Silesia, miền Nam Ba Lan.
Khu vực này đang chật vật đối phó với một ổ dịch mới bùng phát trong số các công nhân mỏ sau một thời gian tình hình dịch bệnh ổn định. Như vậy, tính đến ngày 4/8, Ba Lan thông báo tổng cộng 48.149 ca mắc và 1.738 ca tử vong.
* Châu Á vẫn đang chìm trong làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 với hơn 78.329 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất so với các khu vực khác.
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất, với 1906.613 ca nhiễm và 39.820 ca tử vong. Tiếp đến là Iran với 314.786 ca nhiễm và 17.617 ca tử vong. Saudi Arabia và Pakistan đều có hơn 280.000 ca nhiễm, trong khi số ca tử vong tại Pakistan cao thứ ba khu vực, với 5.999 ca.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch tiếp tục lan rộng. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây tại Nhật Bản.
Hiện số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có tính cả hơn 700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess. Tính riêng tại Tokyo, số ca mắc Covid-19 đã lên tới 14.022 người, trong đó có 309 ca được ghi nhận trong ngày 4/8.
Ở Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia nước này (NHC) cho biết ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 4/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.464 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong. 79.030 bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo có thêm 34 ca nhiễm mới gồm 21 ca nhập cảnh và 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 14.423 ca.
Khu vực Đông Nam Á, Philipines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca nhiễm đã vượt con số 100.000 ca, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa trên đảo Luzon.
Từ ngày 4/8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon, bao gồm cả thủ đô Manila, đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây, theo đó người dân phải ở yên trong nhà 2 tuần. Lệnh phong tỏa được ban bố 24 giờ trước khi có hiệu lực áp dụng, đã khiến nhiều người bị mắc kẹt tại thủ đô Manila và không thể trở về nhà khi các chuyến bay nội địa và các tuyến vận tải đường bộ và đường sắt ngừng hoạt động.
Trong khi đó, Indonesia vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất khu vực với 115.056 ca nhiễm và 5.388 ca tử vong. Singapore đứng thứ 3 với 53.346 ca nhiễm và 27 ca tử vong. Trong khi Malaysia ghi nhận 9.002 ca nhiễm và 125 ca tử vong.
* Liên quan đến thông tin về vaccine đầu tiên của Nga ngừa Covid-19, được phát triển cùng với Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya, sẽ được đăng ký giấy phép trong vòng 10 ngày nữa, phát ngôn viên WHO Christian Lindmeier cho biết, họ coi các thông tin này là "khả quan", song điều quan trọng là phải trải qua tất cả các giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, các tình nguyện viên thử nghiệm loại vaccine này đã cho thấy phản ứng miễn dịch mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Truyền thông dẫn lời ông Lindmeier nói: “Bất kỳ loại vaccine... (hoặc thuốc) nào cho mục đích này, đương nhiên, phải trải qua tất cả các thử nghiệm và kiểm nghiệm khác nhau trước khi được cấp phép để xuất xưởng”.
Ông Lindmeier lưu ý đến thực tiễn các chỉ dẫn đã được thiết lập, đồng thời khẳng định, "việc tìm kiếm hoặc có manh mối rằng có thể có một loại vaccine hiệu quả và việc trải qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm là sự khác biệt lớn”.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 31/7 cho biết, nước này đang lên kế hoạch bắt đầu tiêm phòng vaccine đại trà vào tháng 10.