📞

Cập nhật 7h ngày 7/7: Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt 3 triệu, Tổng thống Brazil có triệu chứng mắc bệnh

Thế Việt 07:09 | 07/07/2020
TGVN. Tính đến 6h ngày 7/7, theo trang thống kê Worldometers, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 11.712.840, trong đó có 539.768 người tử vong và 6.620.205 người bình phục.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới. (Nguồn: Worldometers)

Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, số ca nhiễm Covid-19 đã vượt mốc 3 triệu người trong ngày 6/7. Tính đến nay, Mỹ ghi nhận tổng số 3.028.619 ca mắc bệnh, trong đó có 132.850 ca tử vong và 1.309.013 bệnh nhân bình phục.

Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở các bang Arizona, California, Texas và có xu hướng xấu đi ở các bang miền Trung Tây từng ghi nhận số ca nhiễm giảm như Iowa, Ohio và Michigan.

Khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của dịch Covid-19, trong đó Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực và thứ 2 trên thế giới. Đáng chú ý, ngày 6/7 chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 giảm hẳn so với những ngày trước đó, ở mức 18.699 ca tính đến 6h ngày 7/7, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 21/6.

Cùng ngày, kênh truyền hình CNN tại Brazil đưa tin, Tổng thống Jair Bolsonaro đã có dấu hiệu nhiễm Covid-19 và đã được lấy mẫu xét nghiệm, song phải đợi kết quả trong 24 giờ tới.

Theo nguồn tin trên, Tổng thống Bolsonaro bị sốt 38 độ C và tỷ lệ oxy trong máu hiện là 96%. Hiện ông đang uống thuốc hydroxycloroquine, loại thuốc chữa sốt rét được cho là có thể đối phó với Covid-19. Tổng thống Brazil cũng đã phải hủy chương trình làm việc từ nay cho tới cuối tuần.

Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh với tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 đã vượt 300.000 người, cao thứ 5 thế giới, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 10.772.

Ngày 6/7, Bộ Y tế Peru thông báo, kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, nước này đã thực hiện được hơn 1,8 triệu xét nghiệm y tế và là một trong những nước có số lượng xét nghiệm nhiều nhất ở khu vực Mỹ Latinh.

Tại châu Âu, Hy Lạp thông báo nước này sẽ nối lại các đường bay thẳng từ Anh vào tuần tới trong bối cảnh Athens đang nỗ lực "cứu vãn" mùa du lịch Hè vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sỹ đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các hành khách sử dụng các phương tiện công cộng như tàu hỏa, tàu điện, xe buýt... trên khắp cả nước phải đeo khẩu trang.

Đồng quan điểm với Thụy Sỹ, Đức giữ nguyên quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trong các cửa hàng cũng như trong các trung tâm thương mại trên cả nước.

Theo người phát ngôn chính phủ Đức, ở những nơi công cộng không thể đảm bảo được khoảng cách tối thiểu thì khẩu trang vẫn là "phương tiện" không thể thiếu và quan trọng nhất của mỗi người dân trong việc ngăn chặn cũng như giảm thiểu sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tại châu Á, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo ghi nhận 4 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong nước được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh. Không có trường hợp tử vong nào trong ngày 5/7. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 83.557 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Tại Hàn Quốc, Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết, bắt đầu từ ngày 6/7, đơn vị này sẽ phối hợp với Bộ Hải dương và Thủy sản và Bộ Tư pháp triển khai xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả các thuyền viên xuống tàu vào đất liền, đồng thời tiến hành cách ly thuyền viên người nước ngoài tại cơ sở chỉ định từ ngày 13/7 tới.

Trong khi đó, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang xúc tiến thành lập lực lượng đặc nhiệm để truy dấu khách du lịch nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị mở cửa không phận trở lại.

Tại Indonesia, Bộ Y tế thông báo có thêm 1.209 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 64.958 ca và 3.241 ca tử vong.

Cùng ngày, Philippines thông báo có thêm 2.079 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 46.333 ca và 1.303 ca tử vong.

Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới với số ca nhiễm trong ngày ở mức cao, lên tới 22.510 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên 720.346, trong đó có 20.174 ca tử vong.

Tại Pakistan, Bộ trưởng Y tế Pakistan Zafar Mirza thông báo ông có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 . Đây là quan chức cấp cao mới nhất của Pakistan mắc Covid-19. Tính đến nay, Pakistan ghi nhận 231.818 người mắc bệnh, trong đó có 4.762 bệnh nhân tử vong.

Tại châu Phi, theo Bộ Y tế Ai Cập, ghi nhận thêm 969 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 76.222 ca. Đây là mức tăng ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 19/6. Số ca tử vong tại Ai Cập tăng lên 3.422 người.

Tại Nam Phi, số ca nhiễm Covid-19 mới theo ngày vẫn tăng cao, với 8.971 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh lên 205.721, cao nhất lục địa này.

Bất chấp số ca nhiễm và tử vong gia tăng, Nam Phi đã bắt đầu bước vào giai đoạn hai của lộ trình mở cửa trường học, khi hàng nghìn học sinh bắt đầu quay trở lại trường trong ngày 6/7 sau gần 4 tháng trường học đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Trong giai đoạn này, các học sinh từ lớp 6 và lớp 11 quay trở lại học tập. Tháng trước, nhóm học sinh lớp 7 và lớp 12 đã trở lại trường học.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 6/7, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, đại dịch này có thể khiến nửa triệu người tử vong do AIDS, nếu việc điều trị bị gián đoạn trong thời gian dài, đồng thời cảnh báo đại dịch đang hủy hoại những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt nhiều năm qua.

Nhóm người có nguy cơ mắc HIV/AIDS cao đang đối mặt với rủi ro lớn hơn do các biện pháp phong tỏa và việc phân phối thuốc men bị gián đoạn. Nghiên cứu công bố ngày 6/7 cho thấy, đại dịch đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc kháng virus PrEP trong các cộng đồng có nguy cơ cao.

Theo khảo sát trên 3.500 bệnh nhân do trung tâm y tế tại Boston, Mỹ tiến hành, tỷ lệ ngưng sử dụng thuốc giữa chừng trong chương trình đã tăng 278% trong 4 tháng đầu năm nay. Số bệnh nhân nhận được thuốc PrEP đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

WHO ước tính, nếu các biện pháp phòng Covid-19 gây gián đoạn chương trình điều trị HIV trong 6 tháng, sẽ có thêm 500.000 người tử vong. Khảo sát do WHO tiến hành cho thấy 73 quốc gia đã cảnh báo về nguy cơ hết thuốc kháng virus cao do đại dịch. 24 quốc gia có trữ lượng thuốc vô cùng thấp hoặc nguồn cung dược phẩm thiết yếu bị gián đoạn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại trước các số liệu này, nhấn mạnh rằng thế giới không thể để đại dịch Covid-19 đảo ngược các thành tựu toàn cầu trong việc ứng phó AIDS.

(tổng hợp)