📞

Cập nhật 9h ngày 26/9: Hơn 32,7 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu, Nga dùng vaccine làm đòn bẩy kinh tế và chính trị

10:03 | 26/09/2020
TGVN. Theo thống kê của trang Worldometers, 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 32.718.131 ca nhiễm và 992.126 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 335.927 và 5.286 ca sau 24 giờ, trong khi 24.145.803 người đã bình phục.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 32.718.131 ca nhiễm và 992.126 ca tử vong do Covid-19.

Bảng thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca Covid-19 được xác nhận thông qua xét nghiệm ở Mỹ hiện là hơn 7 triệu người, nhiều nhất trên thế giới. Sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil với lần lượt 5,8 triệu và 4,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, là 3 nước lần lượt có số bệnh nhân cao nhất thế giới.

Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Nga đang đàm phán và đã nhận được yêu cầu cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine cho hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Đây được coi là một bước tiến có thể mang tới cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị vô cùng giá trị trên trường quốc tế.

Theo hãng Thông tấn Sofia, Quỹ Đầu tư trực tiếp (RFDI) và Công ty Dược phẩm Himrar của Nga đã đồng ý sẽ cung cấp thuốc Avifavir chống Covid-19 cho 17 quốc gia, trong đó có Bulgaria.

Theo RFID, Avifavir đã được cung cấp cho Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan và dự kiến sẽ được cung cấp tiếp cho 17 quốc gia khác. Cụ thể, Nga sẽ cung cấp loại thuốc trên cho Argentina, Bulgaria, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, El Salvador, Honduras, Kuwait, Panama, Paraguay, Saudi Arabia, Serbia, Slovakia, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Uruguay.

Vào tháng 5 năm nay, Avifavir đã được Bộ Y tế Nga cấp phép trở thành loại thuốc đầu tiên trên thế giới dựa trên chất favipiravir điều trị Covid-19. Kể từ tháng 4/2020, 408 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xác nhận đã tham gia thử nghiệm tại 35 trung tâm y tế trên khắp nước Nga.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.230.487 ca nhiễm và 208.266 người chết, tăng lần lượt 51.447 và 865 ca so với một ngày trước đó. Các quan chức y tế Mỹ chỉ ra rằng Covid-19 đang chuyển hướng tấn công người trẻ tuổi, khi 23% số ca nhiễm được báo cáo là từ 18 đến 29 tuổi.

Trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào tháng 4/2021, giới chuyên gia y tế tỏ ra thận trong hơn, cho rằng, kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn chỉ có thể xảy ra sớm nhất vào giữa năm sau.

Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân Covid-19 hiện là 8,6 triệu người, sau Mỹ lần lượt là các nước Mexico và Canada với 715.000 bệnh nhân (tăng thêm 5.400 ca) và 150.000 ca (tăng thêm 1.300 ca).

Trong khi đó, tổng số bệnh nhân tại khu vực Nam Mỹ là hơn 7,8 triệu người (tăng 63.000 người) và 246.000 người đã tử vong, trong đó Brazil có tới 4,6 triệu bệnh nhân (tăng 32.000 người). Argentina ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao thứ hai khu vực – 12.900 ca lên 691.000 bệnh nhân. Sau Brazil, Peru và Colombia hiện là hai nước có số bệnh nhân cao thứ hai và ba tại khu vực Nam Mỹ, hơn 790.000 bệnh nhân.

Brazil còn là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, với số người nhiễm Covid-19 tăng 29.704 trong 24 giờ qua, lên 4.689.613. Giới chuyên gia Brazil nhận định, các mô hình cho thấy, nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi, nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Chính phủ Brazil thông báo quyết định gia hạn thêm 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài. Lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ loại trừ một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm người nhập cư có hộ khẩu thường trú trong nước; chuyên gia đang thực thi nhiệm vụ của một tổ chức quốc tế; hành khách quá cảnh mà không rời khỏi khu vực cách ly của sân bay; và người nước ngoài có vợ, chồng, hoặc con là người mang quốc tịch Brazil.

Tại châu Á, số bệnh nhân Covid-19 đã vượt ngưỡng 10 triệu người, cụ thể là 10.056.105 bệnh nhân, trong đó số ca tử vong là hơn 186.000 ca. Trong 24 giờ qua, toàn châu lục ghi nhận thêm 120.155 ca nhiễm mới. Ấn Độ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong khu vực với hơn 85.000 ca nhiễm mới, lên mức 5,9 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 93.000 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong một ngày qua tại Indonesia là 4.823 ca – cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Tuy nhiên, Ấn Độ tuần qua mở cửa trở lại đền Taj Mahal sau 6 tháng ngừng đón khách du lịch. Số người tham quan mỗi ngày được giới hạn ở mức 5.000, so với trung bình 20.000 trước đại dịch. Vé vào đền chỉ được bán online, có khoảng 300 vé được bán ra trong ngày đầu mở cửa. Khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt và phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách với những người khác.

Myanmar tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar ngày 25/9 đã quyết định kéo dài lệnh đình chỉ hoạt động dịch vụ hàng không quốc tế đến cuối tháng 10. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 từ các trường hợp nhập cảnh qua đường hàng không, Chính phủ Myanmar đã đình chỉ hoạt động của các chuyến bay quốc tế kể từ ngày 30/3, sau khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này ngày 23/3.

Châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh của thế giới khi chứng kiến tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới cao ở nhiều nước. Số bệnh nhân tại châu lục này hiện là 4,75 triệu người, tăng hơn 60.000 người trong 24 giờ qua, và có 218.000 người đã tử vong (tăng thêm 668 trường hợp).

Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 1,13 triệu bệnh nhân (tăng thêm 7.200 ca), tiếp đến là Tây Ban Nha – 735.00 ca, Pháp tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất với 15.700 ca - là mức tăng cao nhất tại châu Âu trong 24 giờ qua, lên tổng số 513.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 31.660 người đã tử vong. Sau Pháp, Anh và Ukraine là hai nước ở châu Âu có mức tăng khá cao – lần lượt là 6.800 và 3.500 người trong ngày qua.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều nước tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch. Đan Mạch đã quyết định kéo dài các quy định hạn chế hiện nay tới ngày 18/10. Quy định hạn chế các hoạt động tụ họp nơi công cộng ở mức dưới 50 người hiện nay cũng sẽ được áp dụng đối với những sự kiện được tổ chức một cách cá nhân kể từ ngày 26/9. Tương tự, Chính phủ Czech tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ tuần tới.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại, các cơ quan chức năng của Đức tiếp tục mở rộng danh sách các nước và khu vực ở châu Âu có nguy cơ cao mắc Covid-19. Có hai quốc gia EU là CH. Czech và Luxembourg nằm trọn trong danh sách cập nhật công bố ngày 25/9. Ngoài ra, Đức cũng bổ sung thêm bang Tyrol của Áo, vốn nằm giáp Đức và là khu nghỉ dưỡng ưa thích của người Đức, vào danh sách này. Luxembourg - giáp với bang Saarland và Rheinland-Pfalz của Đức - từng chỉ trích việc đóng cửa biên giới và cảnh báo đi lại của Đức. Tại quốc gia nhỏ bé với khoảng 630.000 dân này, nhiều người đi lại thường xuyên qua biên giới, nhưng được miễn các quy định kiểm dịch.

Với việc cập nhật danh sách này, Bộ Ngoại giao Đức cũng sẽ ra những cảnh báo đi lại với các nước/khu vực tương ứng. Theo đó, các trường hợp trở về Đức từ các nước/khu vực có nguy cơ cao phải tiến hành xét nghiệm 48 giờ trước hoặc sau khi nhập cảnh. Cảnh báo đi lại không phải là lệnh cấm, nhưng có tác dụng răn đe đáng kể nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với các trường hợp trở về từ những vùng rủi ro, đặc biệt cảnh báo đi lại cho phép du khách có thể hủy đặt phòng miễn phí. Cho đến nay, Đức đã đưa 15/27 quốc gia EU vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ mắc cao Covid-19. Ba Lan là nước duy nhất trong số 9 quốc gia láng giềng của Đức nằm ngoài danh sách này.

Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 mới ở Đức tiếp tục tăng khi ngày 25/9 ghi nhận thêm gần 2.400 ca, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có thêm gần 600 ca. Tổng số bệnh nhân ở Đức hiện đã lên tới gần 281.400 người, với 9.419 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Với 160 ca nhiễm mới trong ngày, thủ đô Berlin dự định trong tuần tới sẽ thông báo siết chặt các biện pháp chống Covid-19, trong đó có khả năng áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế tiếp xúc như đã thực hiện tới cuối tháng 6. Theo thông báo của Bộ Y tế Đức, nước này hiện đã mua được khoảng 1,2 tỷ chiếc khẩu trang để sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong năm nay và năm tới, Đức dự định tích trữ khoảng 5,9 tỷ chiếc khẩu trang loại y tế và FFP2.

Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân hiện là 1,45 triệu người, tăng 7.000 bệnh nhân trong 24 giờ qua. Nam Phi là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 667.049 ca nhiễm và 16.283 ca tử vong, tăng lần lượt 1.861 và 77. Số ca nhiễm tại nước này chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm ở châu Phi. Các hạn chế về di chuyển và kinh doanh đã dần được nới lỏng kể từ tháng 6, nhưng Mam Phi vẫn đóng biên giới để tránh các ca ngoại nhập. Tổng thống Nam Phi thông báo dỡ bỏ hầu hết hạn chế từ 20/9 và sẽ mở biên với hầu hết quốc gia từ 1/10.

Ngày 25/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch khi trong hai tháng qua, tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại châu lục này đã giảm đáng kể. Tính riêng trong giai đoạn 4 tuần vừa qua, "Lục địa Đen" chỉ ghi nhận 77.147 ca mắc Covid-19, thấp hơn nhiều so với 131.647 ca trong cùng quãng thời gian trước đó.

Tại Trung Đông, Iraq và Israel cũng ghi nhận các mức tăng số ca nhiễm mới lần lượt là 4.500 và 5.700 ca, cao nhất khu vực.

(theo AFP, Reuters, TTXVN)