Với Chiến lược An ninh quốc gia mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn và cần tạo một “đường ray” không chỉ cho nửa nhiệm kỳ còn lại. |
Quen và lạ
Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới. Chiến lược năm 2015 đã thực thi được 6 năm và tình hình quốc tế, trong nước đang và sẽ có nhiều thay đổi lớn. Việc công bố chiến lược mới là chuyện thông thường.
Có nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng Chiến lược An ninh quốc gia năm 2021 của Nga không có bước ngoặt đột biến (so với năm 2015). Chính xác đến đâu, câu trả lời còn ở phía trước.
Không bước ngoặt, đột biến, nhưng công bố vào giữa nhiệm kỳ Tổng thống, là khác với thông lệ. Nga muốn và cần tạo một “đường ray” không chỉ cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Tổng thống Vladimir Putin tin Nga sẽ tiếp tục lộ trình theo con đường lựa chọn, dù ông có tiếp tục là người đứng đầu quốc gia nữa hay không.
Điều này khác với Mỹ và một số nước phương Tây. Nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden mới được gần 1 năm. Nhưng người Mỹ và đồng minh của Mỹ đã cân nhắc tới cú bẻ lái có thể diễn ra nếu người của Đảng Cộng hòa thắng trong kỳ bầu cử tới!
Những điểm nhấn
Đương nhiên, quan tâm trước hết của chiến lược vẫn là thách thức quân sự, chiến tranh, các thách thức an ninh truyền thống. Chiến lược An ninh quốc gia năm 2021 tiếp tục xác định các “nguy cơ và mối đe dọa quân sự” đang tăng lên đối với Nga. Chủ yếu do sự gia tăng bất ổn và xung đột địa chính trị; việc xây dựng, triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO gần biên giới Nga; gia tăng hoạt động do thám, tập trận và vũ khí hạt nhân chống lại Nga.
Nga tin có đủ sức mạnh quân sự, khoa học công nghệ quốc phòng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, kể cả bán đảo Crimea, vùng Kaliningrad cách trở và các căn cứ, cơ sở của Nga ở nước ngoài. Hơn nữa, Mỹ và đồng minh cũng hiểu rằng không có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tin liên quan |
Chiến lược an ninh quốc gia Nga: Thức thời và quyết đoán |
Nhưng điểm nhấn là các mối đe dọa lớn hơn, đa dạng, phức tạp hơn. Nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, gồm: an ninh kinh tế, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, chiến dịch truyền bá tư tưởng, giá trị phương Tây, thông qua không gian mạng nhằm phá hoại tâm lý, tinh thần, tư tưởng, đạo đức truyền thống, di sản văn hóa và lịch sử Nga…
Sắc thái kinh tế
Chiến lược dành sự chú ý đáng kể đến an ninh kinh tế trong mối quan hệ với các thách thức an ninh khác.
Đồng thời với tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự, Mỹ và đồng minh gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao… nhằm khắc họa hình ảnh Nga là mối nguy hiểm, quốc gia “không tin cậy”, cần cô lập, làm suy yếu.
Kinh tế là một công cụ quan trọng, hữu hiệu của Mỹ và phương Tây. Nhiều thể chế kinh tế quốc tế do Mỹ và phương Tây chi phối. Các tập đoàn đa quốc gia lũng đoạn cả về kinh tế, chính trị, can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và nhiều nước khác.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Nga mang lại tia hy vọng, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục tìm cớ áp đặt các biện pháp trừng mới. Moscow cảnh báo, Mỹ và phương Tây thông qua tác động tinh thần, tư tưởng, đạo đức, văn hóa… kết hợp với trừng phạt kinh tế, ngoại giao, kích động các hành vi cực đoan, biểu tình gây rối, hủy hoại đoàn kết nội bộ, chia rẽ xã hội, làm gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị, cản trở sự phát triển của nền kinh tế Nga.
Những năm qua, kinh tế Nga từng bước phục hồi, là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt lớn, đi đầu trong xuất khẩu lương thực, trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 3-4%.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và các lệnh trừng phạt làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga. Nga không thể không gia tăng sức mạnh quân sự tương xứng với các mối đe dọa. Nhưng kéo theo là ngân sách quốc phòng gia tăng đáng kể.
Nga xác định an ninh kinh tế là một điểm nhấn. Mục tiêu chiến lược không chỉ duy trì tăng trưởng kinh tế cao, tạo nền tảng vật chất cho sức mạnh quốc gia mà còn là bảo vệ chủ quyền kinh tế, bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia.
Việc bảo vệ chủ quyền kinh tế của Nga vẫn gặp nhiều khó khăn. Để có sức mạnh, vị thế kinh tế tương xứng với sức mạnh quân sự, vị thế cường quốc, Nga cần nhiều thời gian, có thể cả nhiệm kỳ Tổng thống mới.
Quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nga và Trung Quốc là điều không mới, song cái mới là được đặt vào vị trí quan trọng trong Chiến lược An ninh quốc gia mới của Moscow. (Nguồn: AA) |
Nga sẽ làm gì?
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga đề ra các chủ trương, biện pháp về kinh tế và liên quan đến kinh tế. Trước hết là bảo đảm an ninh kinh tế và thiết lập các điều kiện phù hợp để phục hồi kinh tế sau đại dịch, với tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình chung toàn cầu.
Hoàn thiện thể chế kinh tế phù hợp với đặc thù Nga và xu thế hội nhập quốc tế. Nhà nước tiếp tục điều tiết nền kinh tế, giữ vai trò chi phối công nghiệp dầu mỏ, khí đốt, công nghiệp quốc phòng và một số ngành công nghiệp xương sống, mũi nhọn khác. Nâng cao tính cạnh tranh, độc lập, tự chủ, khả năng chống đỡ sức ép từ bên ngoài và bên trong của nền kinh tế.
Củng cố, thiết lập hệ thống ngân hàng, tài chính có tính độc lập, tự chủ. Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong một số lĩnh vực chủ chốt; hạn chế sử dụng đồng USD trong giao dịch ngoại thương. Nga đã thỏa thuận với Trung Quốc và một số nước khác sử dụng đồng Ruble, Nhân dân tệ trong thanh toán thương mại.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới nhấn mạnh việc bảo tồn dân tộc, bảo vệ xã hội “khỏi những thông tin phá hoại và tác động tâm lý, xây dựng không gian mạng an toàn”, củng cố hệ tư tưởng nhà nước, duy trì các giá trị cốt lõi về đạo đức, văn hóa, lịch sử… Coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tạo nền tảng chính trị, tinh thần, dân tộc để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Nga tích cực tham gia duy trì ổn định hệ thống trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc; ngăn chặn các nước đang thao túng, làm suy yếu hệ thống quốc tế để trục lợi, bảo vệ ngôi vị bá quyền.
Nga bày tỏ mong muốn đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với EU, Mỹ. Đồng thời sẵn sàng đấu tranh bằng các biện pháp tương xứng với các quốc gia “không thân thiện”, các hành động đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, lợi ích quốc gia của Nga.
Đối trọng với các tập hợp bao vây, kiềm chế, Nga thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia là nạn nhân lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nga và Trung Quốc là điều không mới. Nhưng cái mới là nâng quan hệ lên tầm “cao nhất trong lịch sử 2 nước”, đặt vào vị trí quan trọng trong Chiến lược, gắn với thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh, ổn định của khu vực.
***
Chiến lược An ninh Quốc gia mới thể hiện sự thức thời, theo tinh thần “thế thời thế, thế thời phải thế” và sự tự tin, quyết đoán, mạnh mẽ, vị thế mới của Nga. Đa số người dân Nga ủng hộ Hiến pháp mới, ủng hộ con đường phát triển quốc gia. Đó là động lực to lớn của Nga.
Phía trước còn nhiều vật cản, thách thức phức tạp. Nhưng với động lực mạnh, con đường đúng, vật cản nào cũng có thể vượt qua. Hy vọng như vậy cho thế giới đa cực hơn, cân bằng hơn.
| Chiến lược 'ngoại giao Nixon' và nỗ lực tập hợp đồng minh châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden Giáo sư Melvyn B. Krauss* đã có bài phân tích trên trang Project Syndicate về nỗ lực áp dụng chiến lược "ngoại giao Nixon" của ... |
| Nga nổi nóng, phản pháo cực gắt sau vụ quan chức Pháp kêu gọi EU không công nhận vaccine Covid-19 Nga Ngày 8/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã gay gắt phản ứng với tuyên bố của ông Clement Beaune, Quốc vụ ... |