Hiện còn gần 24,1 triệu bệnh nhân Covid-19 đang tiếp nhận điều trị, trong đó có 0,5% số ca cần điều trị tích cực.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 578.421 ca nhiễm, trong đó, riêng Mỹ là 214.683 ca. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ hiện đã lên tới 23,11 triệu ca - cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.964 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên 385.042 ca.
Ngày 11/1, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Bonnie Watson thông báo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đồng thời cho rằng, bà bị mắc Covid-19 trong thời gian trú ẩn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ với các đồng nghiệp không đeo khẩu trang khi cuộc biểu tình bạo loạn diễn ra tại Đồi Capitol hôm 6/1.
Theo một bác sĩ của Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ có thể bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một người mang mầm bệnh khi ở cùng nhau suốt nhiều giờ trong một phòng kín.
Hiện giới chức Mỹ đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để nhanh chóng khống chế dịch bệnh lây lan.
Ngày 11/1, Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết, chính quyền bang đang nỗ lực xây dựng các trung tâm tiêm chủng vaccine để người dân địa phương được tiêm chủng trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo ông Abbott, bang Texas đã mở 28 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại các thành phố lớn và 206 cơ sở tiêm chủng có quy mô nhỏ hơn, tập trung tại khu vực nông thôn. Theo đó, nhiều cơ sở có năng lực tiêm chủng cho hàng nghìn người trong một ngày.
Tính đến ngày 11/1, đã có hơn 2 triệu liều vaccine được phân phối trên toàn bang.
* Tại châu Âu, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, 46.169 ca; tiếp sau là Tây Ban Nha (24.631 ca) và Nga (23.315 ca), Italy (79.203 ca), Đức (11.765 ca),...
Tại Đức, lần đầu tiên nhà chức trách phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi. Các thành viên trong một gia đình ở thành phố Bottrop, bang Nordrhein-Westfalen, đã nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 sau khi một người trong gia đình tới Nam Phi trước dịp Giáng sinh.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), không có dấu hiệu cho thấy biến thể phát hiện ở Nam Phi khiến bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine, nhưng đã được chứng minh là biến thể có tốc độ lây nhiễm cao hơn virus gốc.
Chính phủ liên bang Đức thông báo sẽ bơm 200 triệu Euro để hỗ trợ các phòng xét nghiệm nâng cao năng lực trong việc truy tìm biến thể mới phát hiện ở Anh và Nam Phi trong thời gian tới.
Trong 24 giờ qua, các cơ sở y tế Đức ghi nhận có thêm 11.000 ca nhiễm mới với gần 500 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 1,93 triệu ca, trong đó có 41.281 ca tử vong.
Do số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 tiếp tục ở mức cao, từ ngày 11/1, toàn liên bang Đức bắt đầu triển khai thực thi các biện pháp hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt hơn kéo dài đến cuối tháng này.
Theo đó, các dịch vụ không thiết yếu như quán rượu, nhà hàng và các cơ sở giải trí tiếp tục đóng cửa. Các công dân Đức chỉ được phép gặp và tiếp xúc với 1 người không phải thành viên gia đình.
Với những khu vực có tỷ lệ ca nhiễm mới 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày liên tiếp, hoạt động đi lại của người dân bị giới hạn trong bán kính 15 km, quanh khu vực sinh sống, trừ trường hợp khẩn cấp được cấp phép riêng.
Tối 11/1, trang web văn phòng Tổng thống Bồ Đào Nha thông báo, Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, song hoàn toàn không có triệu chứng mắc bệnh.
Ông đã thông báo với các thành viên nội các và tự cách ly tại nhà riêng.
Ông Sousa, 72 tuổi, đang nỗ lực chạy đua cho nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Tổng thống Bồ Đào Nha trong cuộc bầu cử ngày 24/1 tới.
* Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên hơn 8,13 triệu ca. Brazil hiện là nước có tổng số ca nhiễm cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ấn Độ, song số ca tử vong tại nước này cao thứ hai thế giới (203.617 ca), sau Mỹ.
Cùng ngày 11/1, Bộ Y tế Ecuador xác nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đã xuất hiện tại quốc gia này.
Hiện hệ thống y tế trên toàn Ecuador đang phải đối mặt với tình trạng quá tải do số lượng ca mắc mới Covid-19 tăng đột biến và người dân chưa có ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Chính phủ Ecuador đang xem xét khả năng siết chặt trở lại các biện pháp đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay, đồng thời Quito đang nỗ lực tìm cách tiếp cận với số lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều nhất có thể.
Tới nay, Ecuador đã ghi nhận tổng cộng hơn 221.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 14.184 người đã tử vong.
* Tại châu Á, ngày 12/1, Cung điện Hoàng gia Malaysia thông báo, Nhà vua Malaysia Al-Sultan Abdullah đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi cả nước nhằm kiểm soát dịch Covid-19 và có thể sẽ kéo dài tới ngày 1/8 hoặc kết thúc sớm hơn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, hãng thông tấn Jiji ngày 11/1 đưa tin, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị mở rộng lệnh tình trạng khẩn cấp ra 3 tỉnh miền Tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo.
Trước đó, ngày 9/11, 3 tỉnh này đã yêu cầu chính phủ áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp, vốn đã được áp đặt tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận (Chiba, Kanagawa và Saitama), trong một nỗ lực nhằm kiểm soát làn sóng mới nhất của dịch Covid-19 tại những tỉnh miền Tây này.
Tính đến ngày 10/1, Nhật Bản đã ghi nhận khoảng 286.752 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.850 ca tử vong.
* Tại Trung Quốc, một công trình nghiên cứu trên 1.700 bệnh nhân từng được điều trị tại thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện SARS-CoV-2, cho thấy, 76% số bệnh nhân gặp phải ít nhất một triệu chứng vài tháng sau khi xuất viện.
Công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet hôm 8/1. Nghiên cứu phát hiện rằng, những mệt mỏi và khó ngủ là các triệu chứng phổ biến nhất sau khi một người bị nhiễm Covid-19, xảy ra lần lượt ở 63% và 26% bệnh nhân, 6 tháng tính từ khi họ bắt đầu bị nhiễm căn bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy, căn bệnh này cũng có thể có các biến chứng tâm lý kéo dài, với 23% số trường hợp bệnh nhân lo lắng hoặc trầm cảm đã được báo cáo. Theo các nhà nghiên cứu, những bệnh nhân bị bệnh nặng hơn có xu hướng liên tục có bằng chứng về tổn thương phổi khi chụp X-quang.
* Liên quan chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, trong tuyên bố ngày 11/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine an toàn, hiệu quả và được phân phối công bằng trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông có kế hoạch kêu gọi tất cả các nước thực hiện cam kết với COVAX, sáng kiến quốc tế do WHO và các nước đối tác nhằm đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiếp cận công bằng với vaccine ngừa Covid-19, trong tuần tới.
Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 từ ngày 14 hoặc 15/1, đồng thời dần nới lỏng các quy định hạn chế, trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới hằng ngày đang giảm xuống.
| Tin thế giới 11/1: Động thái của ông Trump và lời đe dọa rùng mình lúc bạo loạn; Mỹ tố Nga lừa gạt; Người phụ nữ quyền lực Triều Tiên vắng mặt bất ngờ TGVN. Bạo loạn ở Mỹ, quan hệ Nga-Mỹ, đại hội Đảng ở Triều Tiên, quan hệ Iran-Hàn Quốc, diễn biến vụ máy bay rơi ở ... |
| Cập nhật Covid-19 ngày 11/1: Gần 90,7 triệu ca nhiễm; Mỹ cảnh báo nguy cơ hậu bạo loạn; Trung Quốc tăng mạnh số ca trong cộng đồng TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 90.689.748 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.943.099 ca tử vong và 64.811.380 ... |
| {Full Video} Thủ tướng dự chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam TGVN. Sáng 27/8, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao diễn ra chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 ... |