Ngày 11/6, số ca tử vong tại Argentina đã vượt quá 84.000 ca sau khi ghi nhận thêm 689 ca tử vong do Covid-19. (Nguồn: Getty) |
Trên thế giới, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 14.928 ca nhiễm mới và 406 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 34.305.280 ca và 614.717 ca.
Ấn Độ đứng thứ 2 với tổng số 29.358.033 ca bệnh, trong đó 367.097 ca tử vong sau khi có thêm 84.695 ca nhiễm mới và 4.000 ca tử vong.
Tiếp đến là Brazil với tổng số 17.301.220 ca nhiễm, trong đó 484.350 ca tử vong.
* Tại châu Á
Ngày 12/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca nhiễm mới trong ngày 11/6, tăng từ mức 22 ca của một ngày trước đó.
Trong số những ca nhiễm mới, có 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở tỉnh Quảng Đông (Guangdong), miền Nam Trung Quốc. Hiện tổng số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục tăng lên 91.394 ca, trong đó 4.636 ca tử vong.
Cùng ngày, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 565 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 147.422 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 1 người không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 1.982 ca. Tỷ lệ tử vong là 1,34%.
* Tại châu Mỹ,
Ngày 11/6, số ca tử vong tại Argentina đã vượt quá 84.000 ca sau khi ghi nhận thêm 689 ca tử vong do Covid-19. Hiện tổng số người không qua khỏi do dịch bệnh này tăng lên 84.628 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 26.934 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.093.090 ca.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cùng ngày cho biết, nước này sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội và phòng ngừa dịch bệnh bắt buộc nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan cho đến ngày 25/6 tới.
Cùng ngày, Argentina cũng đã ký quyết định cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Convidecia ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Cansino Biologics của Trung Quốc nghiên cứu và bào chế. Đồng thời, nước này cũng đã ký hoàn tất một hợp đồng mua vaccine của hãng dược Sinopharm, Trung Quốc và sẽ tiếp nhận thêm trong tháng này 2 triệu liều vaccine từ hãng này.
Trong khi đó, đầu tuần tới một chuyến bay chở 943.000 liều vaccine AstraZeneca từ Mexico sẽ tới Argentina. Ngoài các loại vaccine trên, Argentina cũng đã ký hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19 của các đối tác khác nhau như Sputnik V của Nga và Covishield của Ấn Độ.
Argentina cũng tham gia cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối để có thể tiếp cận được với những nguồn vaccine cần thiết khác.
Ngày 11/6, Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố báo cáo cho thấy số vụ bị nghi ngờ là tìm cách tự tử ở các trẻ em gái vị thành niên tăng mạnh trong năm 2020 so với năm 2019, qua đó cảnh báo về tác động về sức khỏe tinh thần do đại dịch Covid-19 gây ra.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong đại dịch, tình trạng lo âu ở nhóm trẻ em gái vị thành niên xảy ra nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các tác giả cho rằng, cần phải quan tâm nhiều hơn tới nhóm này và có các biện pháp ngăn cản kịp thời những hành động tiêu cực.
Trong một diễn biến liên quan, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết chưa phát hiện mối liên hệ nào giữa vaccine Covid-19 do hãng sản xuất với những trường hợp mắc hội chứng viêm tim hiếm gặp được ghi nhận ở những thanh niên sau khi tiêm vaccine của hãng.
Cùng ngày, các cơ quan quản lý liên bang tại Mỹ sẽ buộc hãng dược phẩm Johnson & Johnson loại bỏ khoảng 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất tại nhà máy Emergent BioSolutions, sau khi có thông tin về nguy cơ số này không đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, ông Ralph Goodale, Cao ủy Canada tại Vương quốc Anh cho biết Canada sẽ đóng góp 100 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ đưa ra thông báo này vào ngày 13/6 khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Cornwall, Vương quốc Anh.
Thông báo của Thủ tướng Trudeau sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỷ liều vaccine phòng Covid-19 cho các quốc gia khác.
* Tại châu Âu
Ngày 11/6, người đứng đầu Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), bà Emer Cooke cho rằng "cần đảm bảo sự tiếp cận vaccine trên toàn thế giới, không chỉ ở những nước có đủ phương tiện để chi trả", đồng thời cảnh báo dù các vaccine hiện nay hiệu quả đối với tất cả các biến thể, nhưng thực tế này sẽ nhanh chóng thay đổi.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh G7 sẽ đưa ra cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo tại hội nghị thượng đỉnh nhằm thảo luận cách phục hồi sau đại dịch đang diễn ra tại Anh.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động, cam kết của G7 trong năm nay và năm tới, bao gồm cả 500 triệu liều của Mỹ, vẫn là quá ít, quá muộn để chấm dứt đại dịch.
Dù xuất phát chậm, EU đã trở thành một trong những vùng được bảo vệ tốt hơn nhờ 4 loại vaccine đã được EMA phê chuẩn sử dụng khẩn cấp từ tháng 12/2020 là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Một vấn đề khác liên quan đến vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson, đặc biệt là những trường hợp hiếm gặp nhưng đã có ca tử vong vì xuất hiện huyết khối sau tiêm chủng. EMA cho biết, đang cân nhắc gửi trả một lô vaccine của hãng Johnson & Johnson tại EU vì lý do thận trọng sau vụ nhầm nguyên liệu giữa hai loại vaccine ở một nhà máy sản xuất vaccine của hãng này tại Mỹ.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |