Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 với 8.037.879 ca mắc bệnh, trong đó có 220.011 ca tử vong.
Ngày 12/10, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong nhiều ngày liên tiếp và không có nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Cùng ngày, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden thông báo, ông Biden đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Xét về số ca tử vong, xếp sau Mỹ là Brazil với 150.709 ca trong tổng số 5.103.408 ca mắc Covid-19, Ấn Độ ghi nhận 109.894 ca trong tổng số 7.173.565 ca mắc, Mexico với 83.945 ca trong số 821.045 ca mắc và Anh với 42.875 ca trong số 617.688 ca mắc.
Xét về số ca nhiễm theo khu vực, châu Á chịu ảnh hưởng nặng nhất với 11.920.797 trường hợp và tổng cộng 214.662 ca tử vong; Bắc Mỹ xếp thứ 2 với 9.639.996 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 327.256 trường hợp tử vong. Nam Mỹ ghi nhận 8.701.475 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 272.291 người thiệt mạng; châu Âu hiện ghi nhận 6.150.853 ca nhiễm bệnh, trong đó có 231.843 ca tử vong; châu Phi ghi nhận 1.593.247 ca nhiễm, trong đó có 38.362 ca tử vong.
Tại Anh, trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh, Thủ tướng Boris Johnson đã ra chỉ thị đóng cửa các quán rượu tại thành phố Liverpool, Tây Bắc England. Đây là thành phố đầu tiên được đưa vào danh sách có nguy cơ rất cao, theo đó áp dụng các biện pháp hạn chế mới ở cấp độ 3 để phòng chống dịch bệnh.
Tương tự, Chính phủ CH Czech cũng chỉ thị từ ngày 14/10-1/11 tới, các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ tại nước này phải đóng cửa và các trường học chuyển sang hình thức học từ xa trong khi dịch Covid-19 đang lây lan nhanh. Tính đến ngày 13/10, Czech ghi nhận tổng cộng 121.421 ca mắc, trong đó có 1.051 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức thông báo sẽ triển khai tối đa 15.000 binh sĩ để tăng cường hỗ trợ các lực lượng dân sự vốn đang “căng mình” trong cuộc chiến chống đại dịch khi số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Đức là một trong số quốc gia châu Âu đã kiểm soát khá tốt đại dịch so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh, với trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt,...
Chính phủ Đức đã cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh. Tính đến sáng 13/10, Đức xác nhận tổng cộng 331.094 ca mắc, trong đó có 9.721 ca tử vong.
* Trang web của Nhà xuất bản Đại học Oxford đăng thông tin của các bác sĩ Hà Lan về một ca bệnh lâm sàng cho biết một phụ nữ 89 tuổi vừa qua đời ở Hà Lan sau khi tái nhiễm Covid-19.
Theo các nhà khoa học Hà Lan, người phụ nữ cao tuổi này mắc một loại bệnh về tế bào máu và suy giảm miễn dịch, đã nhiễm virus SARS-CoV-2 lần thứ hai khoảng 2 tháng sau khi mắc Covid-19 lần đầu tiên.
Vài ngày sau khi được xác định tái nhiễm virus, tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn và đã tử vong sau 2 tuần nhập viện. Trang BNO của Hà Lan lưu ý, đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên thế giới do tái mắc Covid-19.
Hồi cuối tháng 8, nhà virus học Marion Koopmans cho biết, ca tái mắc Covid-19 ở Hà Lan được phát hiện lần đầu tiên ở một bệnh nhân lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch.
* Ngày 12/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phản đối những đề xuất của một số người khi để cho Covid-19 lây lan với hy vọng có thể có được cái gọi là miễn dịch cộng đồng, cho rằng điều này "trái đạo đức".
Trả lời họp báo trực tuyến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng như một chiến lược để đối phó với một đợt bùng phát dịch bệnh, huống hồ là một đại dịch".
Theo Tổng Giám đốc WHO: "Điều này có vấn đề về khoa học và đạo đức. Việc cho phép một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ hoàn toàn lây lan tự do rõ ràng là trái đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn".
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết, hơn 180 quốc gia đã cam kết tham gia nỗ lực của WHO nhằm tài trợ để các loại vaccine được phân phối một cách công bằng tới các nước giàu và nghèo.
Trong khi đó, cùng ngày, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 có thể được sử dụng rộng rãi ở Nga vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Trước đó, cũng trong ngày 12/10, Bộ Y tế và Dự phòng của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã phê duyệt việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine Sputnik V của Nga tại nước này.