Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 421.809 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó Mỹ đông nhất với 100.288 ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với hơn 28,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 492.521 trường hợp tử vong.
* Số liệu thống kê từ giới chức chuyên môn, do hãng tin AFP công bố ngày 13/2, cho thấy, tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm, với số ca mắc mới ghi nhận trong 1 tháng qua đã giảm gần một nửa và tiếp tục đà giảm trong tuần này.
Theo thống kê trên, trong 1 tháng qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát hồi đầu năm 2020. Tính riêng trong tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục giảm, với mức trung bình trên toàn thế giới là 412.700 ca/ngày, giảm gần một nửa so với mức kỷ lục theo ngày được ghi nhận trong tuần đầu của tháng 1/2021 là 743.000 ca.
Như vậy, số ca mắc mới hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ), Nhà dịch tễ học Antoine Flahault cho rằng: "Dù ít hay nhiều, ở mọi nơi trên thế giới đều ghi nhận mức giảm khá nhiều về dịch bệnh".
Thống kê cho thấy các khu vực trên thế giới đều ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm trong tuần qua. Tại Mỹ và Canada, số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm 24%; tại châu Phi giảm 20%; châu Á giảm 18%, châu Âu giảm 15%, Mỹ Latinh và vùng Caribe giảm 10% và Trung Đông giảm 2%. Riêng tại châu Đại dương, virus SARS-CoV-2 dường như không tồn tại, với số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận chỉ còn 12 ca.
Hai quốc gia có mức giảm mạnh nhất trong tuần này là Bồ Đào Nha, giảm 54% và Israel giảm 39%. Nhà nước Do Thái cũng tự hào có chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với 44% dân số đã được tiêm một liều và 28% được tiêm đủ hai liều. Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ giảm lớn thứ ba với 39%, tiếp theo là Nam Phi với 37%, Colombia và Nhật Bản cùng 35%.
Mặc dù vậy, Nhà dịch tễ học Antoine Flahault khẳng định, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại hoàn toàn có thể xảy ra nếu các chính phủ lặp lại những "sai lầm" trong quá khứ khi vội vàng dỡ bỏ các biện pháp cách ly phong tỏa quá sớm như mùa Hè năm ngoái tại châu Âu. Số ca được khẳng định nhiễm virus chỉ phản ánh một phần nhỏ con số thực tế, vì các quốc gia khác nhau có cách tính và xét nghiệm khác nhau.
Một số nước có số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng, nhiều nhất tại Iraq tăng 81% mỗi ngày, tiếp theo Jordan tăng 34%, Hy Lạp tăng 29%, Ecuador tăng 21% và Hungary tăng 16%.
* Tuy nhiên, một nguy cơ khác vẫn rình rập thế giới, giới chuyên gia cảnh báo hậu quả nếu không bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng.
Theo đó, việc tìm ra các loại vaccine mới ngừa bệnh Covid-19 sẽ không thể giúp chấm dứt đại dịch, nếu tất cả các nước trên thế giới không được nhận vaccine một cách nhanh chóng và công bằng. Đây là cảnh báo của giới chuyên gia dịch tễ đưa ra trong một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí chuyên ngành y khoa Lancet, số ra ngày 13/2.
Trong bối cảnh một số quốc gia xem xét triển khai hộ chiếu vaccine khi hoạt động đi lại quốc tế được nối lại, giới chuyên gia cho rằng, việc các nước giàu dự trữ vaccine ngừa Covid-19 sẽ chỉ kéo dài tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, đồng thời cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc vaccine" có thể khiến sáng kiến COVAX nhằm phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vaccine trong một vài năm tới.
Ông Olivier Wouters thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Kinh tế London (Anh) - tác giả chính của bức thư, khẳng định, thực tế là thế giới hiện cần nhiều vaccine ngừa Covid-19 hơn bất kỳ loại vaccine nào khác trong lịch sử để có thể tiêm đủ cho mọi người, nhằm đạt được khả năng miễn dịch toàn cầu. Do đó, nếu vaccine không được phân phối công bằng hơn, có thể phải mất vài năm thế giới mới có thể kiểm soát được dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù có tới hơn 20 loại vaccine ngừa Covid-19 được phát triển hoặc phê duyệt lưu hành, song các nước có thu nhập thấp hơn vẫn phải đối mặt với những thách thức to lớn về mặt hậu cần để mua được vaccine và phân phối cho người dân, trong đó có vấn đề thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu về vận chuyển và bảo quản, đặc biệt là các loại vaccine mRNA đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh trong suốt quá trình phân phối. Đó là chưa kể thực tế dù đầu tư công và tư vào vaccine ngừa Covid-19 hiện ở mức chưa từng có tiền lệ, song ước tính COVAX vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD trong năm 2021, để có thể đảm bảo cung ứng vaccine cho 92 quốc gia đang phát triển.
Giới chuyên gia kêu gọi các nhà sản xuất tăng tốc chuyển giao công nghệ để giúp các quốc gia đang phát triển sản xuất vaccine trong nước, cũng như kiểm soát giá cả đối với các loại vaccine được cho là "đắt tiền" hiện nay trên thị trường.
* Cùng ngày, công ty Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết, đang đề xuất các cơ quan chức năng trên khắp thế giới cho phép đóng thêm 50% lượng vaccine ngừa Covid-19 vào mỗi lọ để có thể đẩy nhanh mức cung cấp hiện nay.
Moderna đưa ra tuyên bố trên sau khi tờ The New York Times đăng tải thông tin, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép công ty này tăng thêm 40% liều lượng vaccine. Người phát ngôn của Moderna nêu rõ, công ty này đã đề xuất đóng mỗi lọ vaccine ngừa Covid-19 lên 15 liều, thay vì 10 liều như trước, nhằm tối đa hóa các nguồn lực cũng như các cơ hội để đẩy nhanh việc cung cấp nhiều liều vaccine hơn cho các thị trường.
Hiện Moderna đang thảo luận với FDA và nhà chức trách các quốc gia khác về việc tăng liều lượng trong mỗi lọ vaccine.
* Cập nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới. Tại châu Âu, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan dù các nước trong khu vực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Trong 24 giờ qua, toàn châu lục này có thêm 143.436 ca nhiễm mới và 4.358 người tử vong. Anh ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục này (758 ca), tiếp sau là Tây Ban Nha (530 ca), Đức (523 ca).
Tại châu Á, Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới và lớn nhất châu lục, với tổng số ca nhiễm là 10.892.550 ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm cao nhất 12.137 ca, tiếp sau là Indonesia (9.869 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (7.763 ca), Iran (7.298 ca).
Tại Nam Mỹ, với 49.396 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất tại khu vực. Brazil cũng là nước có tổng số ca nhiễm đứng đầu châu lục (9,76 triệu ca).
Tại châu Phi, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu lục là Nam Phi ghi nhận 2.781 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca dương tính tại nước này lên 1.487.681 ca.
Châu Đại dương trong 24 giờ qua ghi nhận 20 ca nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới tại Australia là 10 ca.
* Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định mọi giả thuyết đều vẫn để ngỏ trong cuộc điều tra của cơ quan này về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 9/2, phái đoàn gồm các chuyên gia của WHO và Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại Vũ Hán, thông báo không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên được chính thức ghi nhận.
Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 và thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học của WHO đã tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus. Trong quá trình điều tra, phái đoàn chuyên gia đã tới Viện virus ở thành phố Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh động vật ở Vũ Hán, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Hồ Bắc, đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán.
Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng, có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán.
Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định, dịch Covid-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.