Sau 4 tháng duy trì số ca nhiễm Covid-19 ở mức 8.000-9.000 ca, trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ giữa tháng 2, với hơn 14.000 ca. (Nguồn: Anadolu) |
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 300.173 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (68.400 ca), Brazil (36.998 ca), Colombia (28.519 ca), Nga (14.723 ca), Argentina (13.043 ca), Indonesia (9.868 ca),....
Ấn Độ - quốc gia vừa bị "cơn bão" đại dịch quét qua - đang dần đẩy lùi mây đen khi số ca nhiễm mới giảm sâu, từ vượt mốc 400.000 người mắc mới mỗi ngày, giờ đây, còn dưới 70.000 trường hợp và là ngày thứ 7 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở dưới mức 100.000 ca/ngày.
Như vậy tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng gần 29,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 370.384 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm. Hiện, Ấn Độ còn 1.026.159 ca dương tính trong khi có tới hơn 28 triệu ca phục hồi và ra viện.
Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới - ghi nhận 5.220 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 34.321.158 ca, trong đó 615.053 ca tử vong. Kể từ tháng 4, số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày của Mỹ đã liên tục giảm mạnh do thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 12%; số ca nhiễm mới tại châu Á giảm 23%, châu Âu giảm 14%, Bắc Mỹ giảm 7% và Nam Mỹ giảm 2%. Trong khi đó, châu Phi ghi nhận số ca nhiễm trong 7 ngày qua tăng tới 40%, châu Đại dương tăng 15%.
Đáng chú ý, Cuba ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nước này, với 1.470 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo Bộ Y tế Cuba, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 157.708 ca, trong đó 1.087 trường hợp không qua khỏi.
Tại Nga, trong 24 giờ qua ghi nhận 14.723 ca mắc mới Covid-19, là con số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 13/2.
Riêng Moscow, khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước, đã ghi nhận 7.704 ca mắc mới, nâng tổng số ca tại thủ đô lên 1.234.717 ca.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế, hiện Nga đã ghi nhận tổng cộng 5.208.687 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó, có 126.430 ca tử vong. Số ca bình phục được ra viện tính đến nay là 4.801.335 người, tăng hơn 9.000 người trong 24 giờ qua.
Cho đến nay, Nga đã tiêm chủng tổng cộng 32.734.213 liều vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, với nỗ lực nhằm tăng tốc chương trình tiêm chủng, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đã thông báo chương trình quay thưởng trúng ô tô, theo đó tất cả những cư dân của thủ đô Nga đã tiêm vaccine mũi đầu tiên sẽ được tham gia chương trình này.
Mỗi tuần sẽ có 5 chiếc ô tô, với trị giá khoảng 1 triệu Ruble (13.900 USD)/chiếc được trao cho những người trúng thưởng.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia cũng chung "cảnh ngộ" với Nga khi ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao nhất kể từ cuối tháng 2.
Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, với 9.868 ca mắc mới, Indonesia hiện có tổng cộng 1.901.490 ca mắc, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Do số ca mắc mới tăng cao trở lại trong những ngày qua, giới chức nước này đã kêu gọi tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng chỉ tiêu 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người đứng đầu các khu vực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia.
Cho đến nay, đã có 20.158.937 người Indonesia được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó có 11.568.443 người đã tiêm đủ cả hai liều, tương đương 6,37% trong nhóm hơn 181 triệu người mục tiêu tiêm phòng.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 mới tại 3 tỉnh/thành phố trong ngày 13/6, trong đó có 5 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Ngoài 4 ca cộng đồng tại tâm dịch thủ đô Vientiane, việc phát hiện thêm 1 ca cộng đồng ở một tỉnh phía Bắc gây nhiều lo ngại bởi đã nhiều ngày qua không có các ca nhiễm cộng đồng ngoài thủ đô.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có xu hướng lắng dịu, nhưng vẫn ghi nhận ca nhiễm tại Vientiane, trong đó không ít trường hợp chưa rõ nguồn lây, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân không chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch để đạt mục tiêu 28 ngày không có ca cộng đồng, thời điểm có thể dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt để có thể phục hồi lại nền kinh tế và đời sống.
Tới nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.996 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.862 người và 3 ca tử vong.
Bộ Y tế Israel cho biết, số bệnh nhân có triệu chứng nặng đã giảm 30% trong ngày 13/6. Đây là ngày có số bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nặng thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020. Trước đó, ngày 26/1, Israel ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 trở nặng ở mức cao chưa từng thấy, 1.181 ca.
Tính đến nay, Israel đã tiêm chủng phòng Covid-19 cho gần 5,48 triệu người, tương đương 58,8% dân số. Dự kiến, từ ngày 14/6 Israel dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia và Ukraine.
* Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, lãnh đạo Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chia sẻ ít nhất 870 triệu liều vaccine cho COVAX - chương trình phân phối vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình do WHO khởi xướng.
Ít nhất một nửa số vaccine cam kết nói trên sẽ được bàn giao trong cuối năm 2021. Đây là thông tin tích cực trong bối cảnh nhiều nước thiếu vaccine nghiêm trọng trong khi chưa thể kiểm soát dịch Covid-19.
Trong khi đó, trang web chính thức của cơ quan Nhà nước liên bang Nga về Y tế và Quyền của người tiêu dùng (Rospotrebnadzor) cho biết, vaccine ngừa Covid-19 của Nga đã vượt qua các thử nghiệm đánh giá tác động đối với khả năng sinh sản, theo đó, "không có tác động tiêu cực nào được phát hiện".
* Về thuốc điều trị Covid-19, ngày 14/6, Tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Hàn Quốc Celltrion Inc. cho biết, theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, thuốc điều trị bằng kháng thể có tên Rekirona của tập đoàn này đã làm giảm đáng kể thời gian hồi phục và nguy cơ trở bệnh nặng.
Rekirona đã được cấp phép có điều kiện của Cơ quan An toàn Dược phẩm Hàn Quốc hồi tháng 2 năm nay, trở thành thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được sản xuất tại Hàn Quốc.
Rekirona là một kháng thể đơn dòng có hoạt tính chống Covid-19. Kháng thể đơn dòng là một loại protein được sản sinh để xâm nhập một tế bào cụ thể. Thuốc đã được cấp phép để sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia.
Celltrion cho rằng, Rekirona làm giảm nguy cơ bệnh trở nặng 54% so với những bệnh nhân không được sử dụng thuốc.
Hãng dược này cũng cho biết, thuốc làm giảm thời gian hồi phục trung bình là 4,9 ngày đối với tất cả bệnh nhân Covid-19 và 4,7 ngày đối với các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Celltrion có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép chính thức loại thuốc này tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) trong những tháng tới.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |