Số ca tử vong do Covid-19 ở Indonesia trong ngày 13/7 là 869 trường hợp, mức cao thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này vào đầu tháng 3/2020. (Nguồn: Reuters) |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 623.435 ca tử vong trong tổng số 34,8 triệu ca nhiễm. Tiếp theo là Ấn Độ với xấp xỉ 31 triệu ca bệnh và 411.439 ca tử vong; Brazil có 535.924 ca tử vong trong số hơn 19,15 triệu bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 590 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong khoảng 38,8 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu với hơn 55,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó, số ca tử vong vượt 1,1 triệu.
Bắc Mỹ có khoảng 35,3 triệu ca nhiễm, trong đó, số người thiệt mạng vượt 633.800 ca. Châu Á ghi nhận hơn 608.500 ca tử vong trong khoảng 41,6 triệu ca nhiễm.
Tại Trung Đông, châu Phi và châu Đại Dương ghi nhận số ca tử vong lần lượt là 153.600 ca, 152.400 ca và 1.100 ca.
* Tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình hằng ngày đã tăng 94% trong 2 tuần qua, trong khi có những quan ngại về nguy cơ dịch tái bùng phát trên toàn quốc.
Cụ thể, tính đến ngày 12/7, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trung bình hằng ngày trong 7 ngày là 23.000, gần gấp đôi mức trung bình của 2 tuần trước đó.
Con số này được ghi nhận trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao được xác nhận là chủng lây lan mạnh nhất ở Mỹ hồi tuần trước, đồng thời hoạt động tiêm chủng đình trệ. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện chỉ 48% dân số được tiêm chủng đủ liều.
Số lượng người tiêm chủng ngày 11/7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, với chỉ hơn 506.000 liều vaccine được tiêm.
Trong khi đó, dù số ca tử vong trung bình do Covid-19 tại Mỹ đang giảm, nhưng số ca nhập viện trung bình hằng ngày đang tăng lên với mức tăng 16% so với 2 tuần trước.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ không đạt đến mức độ lây nhiễm cao một lần nữa do những người dân dễ bị tổn thương đã được tiêm ngừa.
* Tại châu Á, ngày 14/7, số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc đã lập đỉnh mới trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần thứ tư do biến thể Delta và chiến dịch tiêm chủng còn chậm chạp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), có thêm 1.615 ca Covid-19 mới, trong đó có 1.568 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số người mắc bệnh lên 171.911 ca.
Số ca bệnh thông báo hằng ngày đã ở mức trên 1.000 trong 8 ngày liên tiếp. Cũng theo KCDA, đã có thêm hai ca tử vong do dịch Covid-19, nâng tổng số người tử vong bởi đại dịch ở Hàn Quốc lên 2.048 người.
Chính phủ thông báo sẽ nâng mức giãn cách xã hội ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận thêm một bậc (lên cấp độ 2) từ ngày 15/7.
Indonesia ngày 13/7 đã ghi nhận 47.899 ca mắc mới Covid-19, vượt xa mức cao chưa từng có 38.124 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, số người tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua là 869 ca, mức cao thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.615.529 ca mắc, trong đó có 68.219 ca không qua khỏi. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Để đối phó với tình hình cấp bách này, chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã đồng ý cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer sản xuất và đang tiến hành đánh giá vaccine Sputnik-V của Nga.
Indonesia cũng dự kiến sẽ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho Regdanvimab - một loại kháng thể đơn dòng dùng để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nghiêm trọng - vào tuần thứ ba của tháng 7 này.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 11.079 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và là lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày. Đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 855.949 ca mắc Covid-19.
Về tình hình tiêm chủng, theo Thủ tướng Muhyiddin Yassin, Malaysia nằm trong số các nước có tỷ lệ tiêm vaccine tính trên dân số trong 1 ngày cao nhất thế giới.
Theo đó, riêng trong ngày 12/7, nước này đã tiêm được 421.470 mũi vaccine ngừa Covid-19, mức cao nhất từ trước tới nay. Malaysia đặt mục tiêu 80% dân số sẽ được tiêm trong năm nay.
Tại Myanmar, lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 theo ngày vượt ngưỡng 5.000, cụ thể là 5.014 ca. Như vậy, đến nay Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 197.227 ca mắc Covid-19, trong đó 3.927 ca tử vong.
* Ngày 13/7, một cố vấn của Chủ tịch Quốc hội Tunisia Rached Ghannouchi cho biết, nhà lãnh đạo này đã mắc Covid-19.
Ông Ghannouchi, 80 tuổi, cũng là nhà lãnh đạo của đảng Ennahda, hiện đang ở nhà và sẽ làm việc từ xa.
* Liên quan điều trị Covid-19, Italy đã tạm thời phê duyệt phương pháp điều trị kháng thể của các hãng dược GlaxoSmithKline (Anh) và Vir Biotechnology (Mỹ).
Liệu pháp này có thể được sử dụng đến ngày 31/1/2022, trong khi giấy phép cho tất cả các phương pháp điều trị đơn dòng khác đã được sử dụng tại Italy cũng được gia hạn đến 31/1/2022.
Các phương pháp điều trị bằng kháng thể được sử dụng để giảm mức độ nghiêm trọng ở những bệnh nhân Covid-19 được chẩn đoán nhiễm trùng.
Trước đó, Italy đã chấp thuận các liệu pháp kháng thể đơn dòng từ Eli Lilly và Regeneron Pharmaceuticals.