Ngày 14/10, toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục với 381.466 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới lên 38.743.864, trong đó có 1.096.876 ca tử vong và 29.123.542 bệnh nhân bình phục.
Mỹ là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới và đứng đầu khu vực Bắc Mỹ với lần lượt 8.150.043 và 221.843 ca. Trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận 58.356 ca nhiễm mới và gần 1.000 ca tử vong.
Đứng thứ hai sau Mỹ là Ấn Độ với 7.305.070 ca nhiễm, trong đó có 111.311 ca tử vong. Ấn Độ cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu Á do đại dịch Covid-19. Mặc dù số ca nhiễm mới giảm, song với gần 68.000 ca trong 24 giờ qua, Ấn Độ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất thế giới.
Brazil đứng thứ ba thế giới và đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca mắc Covid-19. Với 26.675 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, đến nay Brazil đã ghi nhận tổng cộng 5.141.498 ca nhiễm, trong đó có 151.779 ca tử vong.
Tại châu Phi, Nam Phi là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu lục, với 696.414 ca. Ngày 14/10, Nội các Nam Phi thông báo quyết định gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia thêm 1 tháng, đến ngày 15/11, nhằm tiếp tục duy trì các quy định và biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống dịch. Lệnh phong tỏa cấp độ 1 hiện tại cũng sẽ tiếp tục được áp dụng ít nhất đến thời điểm trên.
Châu Âu hiện đang là châu lục đối mặt với tình trạng các ca nhiễm mới tăng cao ở nhiều quốc gia. Trong ngày 14/10, khu vực này ghi nhận tới gần 140.000 ca nhiễm mới, trong đó, Nga, Pháp, Italy, Anh và Tây Ban Nha ghi nhận số ca mắc mới cao trong 24 giờ qua.
Nga hiện đứng thứ tư thế giới và đứng đầu châu Âu về số ca mắc Covid-19, với 1.340.409 ca, tăng 14.231 trong 24 giờ qua, trong đó có 23.205 ca tử vong.
Thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin thông báo, chính quyền thủ đô sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho học sinh lớp 6 đến lớp 11 kể từ ngày 19/10 trong 2 tuần, trong khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ trở lại trường vào ngày 19/10 sau kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần.
Các nước Pháp, Anh và Tây Ban Nha là những quốc gia tiếp theo có số ca mắc mới cao trong vòng 24 giờ qua, trong đó Pháp tăng 22.591 ca lên tổng cộng 779.063 ca; Anh tăng 19.724 lên 654.644 ca và Tây Ban Nha tăng 11.970 lên 937.311 ca.
Ngày 14/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm trong vòng 4 tuần kể từ ngày 17/10, từ 21h đến 6h tại vùng thủ đô Ile-de-France và 8 thành phố lớn gồm Lille, Rouen, Saint-Etienne, Toulouse, Lyon, Grenoble, Aix và Montpellier. Tình trạng y tế khẩn cấp cũng được thiết lập lại từ ngày 17/10.
Italy trong vòng 24 giờ ghi nhận 7.332 ca mắc mới, cao nhất từ trước đến nay và nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 372.799 ca. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, ông quyết tâm tránh việc tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc tại thời điểm nền kinh tế nước này chỉ vừa mới bắt đầu hồi phục sau đợt phong tỏa đầu tiên.
Tại Đức, mặc dù số ca nhiễm không cao như một số nước châu Âu khác, Thủ tướng Angela Merkel cùng các bộ trưởng và thủ hiến các bang đã thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh trong những ngày gần đây như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang...
Cụ thể, tại các điểm nóng dịch Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm 50 người/100.000 dân trong vòng 1 tuần, lệnh giới nghiêm chung sẽ được áp dụng vào lúc 23h đối với ngành kinh doanh ăn uống, các quán bar, nhà hàng và các hộp đêm sẽ phải đóng cửa.
* Liên quan vaccine Covid-19, ngày 14/10, trong cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Valdimir Putin cho biết Nga đã cấp phép cho loại vaccine ngừa Covid-19 thứ hai mang tên Vector.
Cũng tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova chỉ rõ, Vector là vaccine ngừa Covid-19 có mức đội an toàn đủ cao và cho hay, sẽ sản xuất 60.000 liều đầu tiên trong thời gian tới".
Trong khi đó, cùng ngày, tờ Wall Street Journal cho biết, Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), công ty con của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sinopharm Group Co Ltd thuộc sở hữu nhà nước, đang phát triển 2 loại vaccine Covid-19 để cung cấp miễn phí cho các sinh viên Trung Quốc học cao học ở nước ngoài.
Theo tờ báo, động thái của CNBG nhằm tăng cường niềm tin của dân chúng vào tiêm chủng nội địa, đồng thời thông tin thêm về trang web của công ty và một số sinh viên đã đăng ký nhận vaccine.
Cho đến ngày 12/10, đã có 418.613 người được nhận vaccine, trong khi có thêm 93.653 người đăng ký để được tiêm vaccine. Tuy nhiên, trang web này đã ngừng hoạt động ngày 13/10 và "đang được bảo trì". Công ty CNBG không trả lời bình luận của Reuters về vấn đề này.