* Trong 24 giờ qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịchCovid-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, lần lượt là 162.149 và 739, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 11.538.057 và 252.651 ca.
Ngày 16/11, Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết, sẽ bắt đầu một chương trình tiêm chủng Covid-19 thí điểm tại 4 bang Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee để giúp tinh chỉnh kế hoạch phân phối và triển khai vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng của công ty này.
Trong 24 giờ qua, toàn Bắc Mỹ ghi nhận hơn 174.800 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên hơn 13,58 triệu ca.
* Tại châu Âu, trong 24 giờ ghi nhận 206.071 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, Italy có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất (27.354 ca), tiếp sau là Nga (22.778), Anh (21.363) và Ba Lan (20.816).
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 14,16 triệu ca nhiễm và 326.260 ca tử vong.
Số ca nhiễm tại Pháp hiện đã tiệm cận mốc 2 triệu, tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đã giảm một cách đáng kinh ngạc, từ 27.228 ca trong ngày 15/11 xuống chỉ còn 9.406 ca trong ngày 17/11
Tại Đức, sau cuộc họp tham vấn trực tuyến với 16 thủ hiến các bang, Thủ tướng Angela Merkel đã công bố những hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Chính phủ Đức và các bang đã kêu gọi người dân một lần nữa giảm thiểu đáng kể các liên hệ riêng tư, tránh hoàn toàn các bữa tiệc cho đến Lễ Giáng sinh, người dân Đức chỉ được phép có mặt tại nơi công cộng với thành viên của một hộ gia đình và tối đa người từ hai hộ gia đình, điều này cũng áp dụng đối với trẻ em, thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, quyết định về các hạn chế mới đối với trường học đã bị hoãn lại. Trước đó, Chính phủ Đức đã đề xuất các biện pháp nghiêm ngặt hơn như bắt buộc học sinh và giáo viên đeo khẩu trang và giảm một nửa sĩ số trong lớp.
* Châu Á hiện là khu vực có tổng số ca nhiễm cao nhất thế giới (15,16 triệu ca), trong đó Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với 8,87 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 28.555 ca nhiễm mới.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới Covid-19 hằng ngày đang dao động trên 200 ca ngày thứ tư liên tiếp và có chiều hướng lan rộng ra cả nước, buộc cơ quan chức năng phải nâng mức giãn cách xã hội từ mức 1 lên mức 1,5 ở khu vực Seoul và vùng lân cận.
Số liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 17/11 cho thấy, Hàn Quốc có thêm 230 ca mắc mới Covid-19, trong đó 202 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 28.999 ca. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca mắc mới ở mức trên 100 ca và đã có 4 ngày ghi nhận số ca mắc mới trên ngưỡng 200 ca.
KCDA cho biết, do số ca lây nhiễm mới xuất phát từ các cuộc tụ họp của cá nhân, các địa điểm công cộng, bệnh viện và xảy ra rải rác trên toàn quốc nên các cơ quan y tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm và ngăn chặn sự lây lan. KCDA đã quyết định nâng mức giãn cách xã hội tại khu vực thủ đô Seoul, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/11 tới.
Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo ghi nhận thêm 15 ca mắc trong ngày 16/11 tại đại lục, đều là các ca nhập cảnh. Đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 86.361 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 81.374 người được chữa khỏi bệnh.
Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen sẽ trở lại làm việc bình thường nếu mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lần thứ tư của ông có kết quả âm tính vào ngày 18/11, cũng là thời điểm ông hoàn thành 14 ngày cách ly.
Thủ tướng Hun Sen và khoảng 1.300 người có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto mắc Covid-19 thăm Campuchia hôm 3/11 sẽ được xét nghiệm Covid-19 lần thứ tư, cũng là lần cuối vào ngày 18/11.
Theo Bộ Y tế Campuchia, ngày 15/11 có thêm 28 người liên quan sự kiện 3/11 nói trên đã được xét nghiệm Covid-19 lần thứ ba và tổng cộng 1.352 mẫu xét nghiệm lần ba đều có kết quả âm tính. Như vậy, sau 3 lần xét nghiệm, có 4 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19.
Sáng 17/11, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận thêm một ca mắc Covid-19.
* Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 32.135 ca nhiễm mới, trong đó có 861 ca tử vong. Riêng Brazil chiếm 27% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 5,87 triệu ca, gần 50% tổng số ca nhiễm của khu vực.
* Số ca nhiễm ở châu Phi tiệm cận 2 triệu ca (1.998.085 ca). Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch tại châu lục này - ghi nhận thêm 1.245 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 752.269 trường hợp.
Ngày 16/11, theo Ủy ban Khoa học theo dõi diễn biến Covid-19 của Algeria, quốc gia Bắc Phi ghi nhận thêm 910 trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó có 14 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh đến thời điểm hiện tại là 68.589 người với 2.168 ca tử vong.
Đây là số ca lây nhiễm cao nhất trong 24 giờ tại Algeria kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 25/2.
Hiện Chính phủ Algeria đã tái tăng cường nhiều biện pháp nghiêm ngặt, có hiệu lực từ ngày 17/11 và kéo dài nửa tháng với hy vọng ngăn chặn sự gia tăng "đáng lo ngại" của đại dịch Covid-19, bao gồm biện pháp gia tăng giờ giới nghiêm, áp dụng đối với 32/48 tỉnh thành (thay vì 29/48 tỉnh thành như quyết định trước đó một tuần) từ 20h-5h thay vì 23h-6h như trước đây. Các hoạt động thương mại bắt buộc phải đóng cửa từ 15h hàng ngày.
* Ngày 16/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đã có 65 trường hợp là nhân viên của tổ chức này trên toàn thế giới bị mắc Covid-19 từ khi đại dịch bùng phát.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 16/11 đón nhận thông tin tích cực khi Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy hiệu quả ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tới 94,5%, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần thông báo kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 có hiệu quả cao hơn dự kiến.
Như vậy, cùng với vaccine phòng Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có 2 loại vaccine ngừa Covid-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.
Theo các nhà khoa học, cả 2 loại vaccine trên đều được bào chế bằng công nghệ mới, sử dụng các phân tử được gọi là "RNA thông tin" (mRNA) - điển hình của những công cụ mới mạnh mẽ chống lại đại dịch.
Theo WHO, tính đến đầu tháng 10, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng.
Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.