WHO: Số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã giảm 12% trong tuần qua. (Nguồn: UN) |
Trong bản tin cập nhật dịch tễ hàng tuần vào ngày 16/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có hơn 2,6 triệu ca nhiễm Covid-19 mới và 72 nghìn trường hợp tử vong trên thế giới trong tuần qua (tính từ ngày 7-13/6), với mức giảm lần lượt là 12% và 2% so với tuần trước.
Tỷ lệ mắc bệnh đã giảm ở 5/6 khu vực trên thế giới, bao gồm Đông Nam Á (giảm 27%), châu Âu (giảm 13%), trong khi đó số ca nhiễm bệnh ở châu Phi lại tăng 44%. Tỷ lệ tử vong ở châu Phi tăng 20%, Đông Nam Á tăng 12%, châu Âu giảm 17%, khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 7%.
Số ca nhiễm mới tại Mỹ đã tiếp tục giảm, với 12.932 ca mắc mới và 419 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc lên 34.365.271, trong đó có 616.141 ca tử vong.
Ấn Độ cũng ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức dưới 100.000 ca liên tục trong một tuần, thậm chí đã có 3 ngày dưới 70.000 ca/ngày.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 67.294 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 29.699.555. Riêng số ca tử vong giảm rõ rệt, từ mức đỉnh điểm trên dưới 5.000 ca/ngày xuống còn 1.411 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 381.931.
Brazil, đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm, tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao - 85.861 ca mắc mới và 2.673 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 17.629.714 và 493.837.
* Tại châu Âu
Pháp đã vượt Nga, trở thành quốc gia đứng tư thế giới về số ca mắc, với 3.058 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.747.647 ca.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày tại Nga cao nhất châu Âu, với 13.397 ca mắc trong 24 giờ qua. Hiện Nga ghi nhận tổng cộng 5.249.990 ca mắc.
Mặc dù vậy, tại châu Âu, nhờ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine, nhiều nước đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa và đi lại.
Ngày 16/6, giới chức y tế Bồ Đào Nha bắt đầu cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu, cho phép người sở hữu được đi lại tự do giữa các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.
Theo giới chức Bồ Đào Nha, chứng chỉ này sẽ được cấp cho những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, người phục hồi sau khi mắc Covid-19 và người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Cho đến nay, nước này đã sử dụng ít nhất 6,96 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Trong khi đó, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hãng dược phẩm Johnson & Johnson nhiều khả năng không đạt được mục tiêu cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho EU trong quý II/2021, sau khi khoảng 20 triệu liều vaccine bị cấm sử dụng để tiêm phòng do lo ngại về tính an toàn.
* Tại châu Mỹ
Ngày 16/6, một nhóm nhà khoa học Chile thông báo đã chế tạo một bộ thiết bị đo lượng carbon dioxide (CO2) nhằm đánh giá và cảnh báo nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong không gian kín.
Giáo sư Ricardo Finger tại Đại học Chile - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thiết bị cảnh báo Covid-19 sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo nồng độ CO2 trong không khí.
Thiết bị này có thể đánh giá chất lượng không khí có ở ngưỡng an toàn hay không, đồng nghĩa nồng độ CO2 trong không khí phải ở mức trung bình 400-500 ppm. Trong trường hợp thiết bị ghi nhận nồng độ CO2 vượt quá ngưỡng 700 ppm, thiết bị sẽ kích hoạt tín hiệu báo động.
Giáo sư Finger khẳng định việc lắp đặt thiết bị đo CO2 ở những địa điểm có không gian kín và tập trung đông người như các tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng... là một giải pháp khả thi để theo dõi nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Trong khi số ca mắc mới Covid-19 trên toàn Canada có xu hướng giảm mạnh, bộ tộc Kashechewan First Nation ở tỉnh Ontario lại đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm đáng lo ngại, với hầu hết bệnh nhân là trẻ em.
Cho đến nay, Kashechewan - một cộng đồng biệt lập với khoảng 2.000 người, ghi nhận 232 ca mắc Covid-19, chiếm 25% tổng số ca mắc trong các cộng đồng thổ dân ở Canada. Trẻ em và thanh thiếu niên chiếm phần lớn số ca nhiễm do vaccine hiện chỉ được phép tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên.
Chính phủ Canada đã hỗ trợ nhân lực để giúp các nhà lãnh đạo cộng đồng đối phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc mới.
Liên quan đến chương trình vaccine, cùng ngày, Mỹ thông báo mua thêm 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Moderna. Như vậy, cho đến nay Mỹ đã đặt hàng tổng cộng 500 triệu liều vaccine Moderna, trong đó 110 triệu liều sẽ được giao trong quý IV/2021 và 90 triệu liều sẽ được giao vào quý I/2021.
* Tại châu Á
Ngày 17/6, ông Zeng Guang, Trưởng nhóm nghiên cứu dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Mỹ nên là ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của các cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 sau một nghiên cứu cho thấy dịch bệnh này có thể lây lan tại đây vào tháng 12/2019.
Nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) công bố trong tuần này cho thấy ít nhất 7 người tại 5 bang khác nhau của Mỹ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều tuần trước khi những ca nhiễm chính thức đầu tiên được ghi nhận.
Trước đó một ngày, bình luận về nghiên cứu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho hay "rõ ràng" sự bùng phát dịch Covid-19 có "nhiều nguồn gốc" và các quốc gia nên hợp tác với WHO.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp “hộ chiếu vaccine” từ giữa tháng 7 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước này khi đi ra nước ngoài.
Trên giấy chứng nhận sẽ ghi tên người được cấp, ngày sinh, số hộ chiếu, ngày tiêm chủng và đơn vị sản xuất vaccine bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.
Đối với những du khách tới Nhật Bản, hiện nay, nước này chỉ cấp phép nhập cảnh cho các công dân Nhật Bản cùng với người nước ngoài có tư cách cư trú và một số người nước ngoài có "hoàn cảnh đặc biệt".
Những người này phải xuất trình giấy chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi chuyến bay khởi hành và tuân thủ quy định cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Tại Lào, công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở nước này, gồm các nhà ngoại giao, lao động nước ngoài, các nhân viên chính phủ, sinh viên, doanh nhân và nhân viên của các tổ chức quốc tế, có thể được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí.
Tuy nhiên, người nước ngoài sẽ không được chọn vaccine. Chính phủ Lào đã phân bổ các loại vaccine khác nhau cho các nhóm đối tượng riêng biệt. Bộ Y tế Lào cho biết để có thể đạt hoặc thậm chí vượt chỉ tiêu tiêm chủng cho ít nhất 50% dân số trong năm nay, bên cạnh việc tiếp tục tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên, nước này cũng cung cấp vaccine cho tất cả các công dân khác.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |