📞

Cập nhật Covid-19 ngày 19/7: Gỡ hạn chế, số ca mắc ở Anh tăng khủng; Thái Lan lập đỉnh; tiêm chủng đại trà có thể chặn đại dịch vào cuối năm?

Việt Hà 11:47 | 19/07/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 191,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,2 triệu ca tử vong và gần 174,2 triệu bệnh nhân bình phục.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu ở Indonesia với hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. (nguồn: Reuters)

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 445.267 ca mắc mới, trong đó có 6.694 ca tử vong.

* Tính theo khu vực, châu Á ghi nhận số ca mắc cao nhất với hơn 59 triệu ca, trong đó số người tử vong là 543.034 và hơn 55,7 triệu bệnh nhân bình phục.

Châu Âu nối tiếp châu Á với xấp xỉ 49,8 triệu ca mắc bệnh, trong đó có gần 1,12 triệu người không qua khỏi và hơn 46,16 người được chữa khỏi.

Bắc Mỹ và Nam Mỹ lần lượt ghi nhận gần 41,4 và 34,6 triệu bệnh nhân nhiễm bệnh, trong đó, số ca thiệt mạng lần lượt là 929.147 và 1.054.023 trường hợp. Số bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục ở hai khu vực này lần lượt là hơn 34,7 triệu và hơn 32 triệu ca.

Tại châu Phi, số ca mắc bệnh đã lên tới gần 6,3 triệu người, trong đó có 158.329 trường hợp không qua khỏi và hơn 5,46 bệnh nhân bình phục.

Khu vực châu Đại Dương đến nay đã ghi nhận 89.258 ca nhiễm với 1.369 ca tử vong và 72.491 người được chữa khỏi.

* Với 48.161 ca mắc mới ghi nhận ngày 18/7, hiện Anh là quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất châu Âu và trên thế giới. Hiện, hàng trăm nghìn người Anh đang được yêu cầu tự cách ly trong 10 ngày.

Giới chuyên gia cảnh báo, số ca mắc mới tại Anh có thể tăng lên mức cao kỷ lục 100.000 ca/ngày do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh.

Tuy nhiên, ngày 19/7, chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế được áp dụng để chống dịch Covid-19, đặt niềm tin vào hiệu quả của chương trình tiêm chủng toàn quốc với tất cả người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, hiện đang thực hiện tự cách ly sau khi tiếp xúc với một bộ trưởng nhiễm virus SARS-CoV-2, kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đồng thời hối thúc mọi người tiêm vaccine phòng Covid-19.

Sau Anh, Nga có số ca mắc mới theo ngày cao thứ hai ở châu Âu, với 25.018 ca cùng 764 ca tử vong ghi nhận trong vòng 24 giờ.

* Tại châu Á, Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất khu vực, cụ thể là 44.721 ca, cùng 1.093 ca tử vong ghi nhận ngày 18/7, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt tại nước này lên 2.877.476 và 73.582 ca.

Tiếp theo là Ấn Độ với 38.325 ca mắc mới và 501 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo đó đến nay quốc gia Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 31.143.595 ca mắc và 414.141 ca tử vong.

Dịch tiếp tục hoành hành ở khu vực Đông Nam Á. Sau Indonesia, ngày 19/7, Thái Lan ghi nhận 11.784 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, cao thứ 2 khu vực. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ khi dịch bùng phát.

Thái Lan cũng ghi nhận thêm 81 ca tử vong do mắc Covid-19. Như vậy, tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 415.170 ca mắc, trong đó có 3.422 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào ngày 18/7 thông báo thêm 131 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đóc có 1 ca tử vong. Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 3.426 ca mắc Covid-19 và 5 người tử vong.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Campuchia đã lên tới 1.106 ca sau khi có thêm 30 bệnh nhân không qua khỏi trong tổng số 845 ca mắc mới. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Campuchia là 67.181 ca.

Bộ Y tế Malaysia ngày 18/7 thông báo, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 153 ca tử vong do mắc Covid-19, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số người tử vong lên 7.019 người. Malaysia cũng có thêm 10.710 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 916.561.

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo nước này có thêm 88 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, chủ yếu do số ca nhiễm mới tăng nhanh liên quan đến quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới. Ngày 18/7, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) thông báo, có thêm 1.454 ca mắc mới, mức cao nhất trong các ngày Chủ nhật từ trước tới nay. Đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 177.951 ca mắc Covid-19.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là khai mạc Olympic.

Ngày 18/7, nhà chức trách Tokyo ghi nhận có thêm 1.008 ca mắc mới Covid-19, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày.

Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã xác nhận 2 ca đầu tiên mắc Covid-19 trong số các vận động viên đang lưu trú tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo và 1 vận động viên không lưu trú tại đây.

* Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil có số ca mắc mới theo ngày cao nhất, với 34.126 ca cùng 939 ca tử vong ghi nhận trong vòng 24 giờ. Colombia cũng ghi nhận 18.206 ca mắc mới và 476 ca tử vong.

* Khu vực Bắc Mỹ, Mexico đã vượt Mỹ trở thành quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất khu vực, với 12.631 ca cùng 236 ca tử vong. Trong khi tại Mỹ, nhờ chiến dịch tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh, số ca mắc mới đã giảm mạnh xuống 9.502 và 31 ca tử vong.

* Ở châu Phi, Nam Phi có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, với 11.215 ca cùng 183 ca tử vong. Tiếp theo là Tunisia với 5.435 ca mắc mới và 173 ca tử vong.

* Liên quan tình hình tiêm chủng, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 của khu vực đã được đẩy nhanh vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm vaccine, trở thành châu lục có số người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune dẫn số liệu của trang mạng Our World in Data nêu rõ, EU hiện có 55,5% số người dân được tiêm mũi 1 vaccine, so với mức 55,4% ở bên kia Đại Tây Dương.

Trong khi đó, chuyên gia Alexander Semenov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Vektor về Virus học và Công nghệ sinh học nhận định, các đại dịch lây nhiễm qua hô hấp thường kéo dài 2 tới 3 năm, song, tiêm chủng đại trà có thể giúp ngăn chặn Covid-19 vào cuối năm thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát.

Ông Semenov giải thích: "Một đại dịch đe dọa tới toàn thế giới không phải trong 2 năm, mà là 1,5 năm. Trong 3 mùa, khả năng miễn dịch cộng đồng thường được hình thành trên toàn thế giới và điều đó là đủ thì không cần tiêm chủng đại trà hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện tiêm chủng đại trà, thì có lẽ chúng ta sẽ ngăn chặn đại dịch vào cuối năm thứ hai trên toàn thế giới".