Trong ngày 1/10, toàn cầu ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 19/9 với 319.046 ca, và là ngày có số ca nhiễm mới gần với con số kỷ lục nhất được ghi nhận vào ngày 18/9 (322.689).
Tổng cộng 1/5 số ca nhiễm và tử vong được ghi nhận tại Mỹ (7.494.971 ca nhiễm với 212.660 ca tử vong). Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm cao thứ hai thế giới với 6.391.960 ca, trong đó có 99.804 trường hợp tử vong, trong khi Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai sau Mỹ là 144.767 ca trên tổng số 4.849.229 ca nhiễm.
Ngày 1/10, sau khi một trong những phụ tá thân thiết nhất dương tính với virus SARS-CoV-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã tiến hành xét nghiệm và đang đợi kết quả.
* Xét theo khu vực, châu Á hiện là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với 10.751.772 ca, Bắc Mỹ đứng thứ hai với 8.951.035 ca. Khu vực Nam Mỹ đứng thứ 3 với 8.144.200 ca nhiễm, trong khi châu Âu đứng thứ 4 với hơn 5 triệu ca. Châu Phi hiện ghi nhận gần 1,5 triệu ca trong khi số ca nhiễm ở châu Đại Dương hiện là 31.394 ca.
* Tại châu Á, một nghiên cứu quy mô lớn gần đây tại bang Tamil Nadu và Andha Pradesh của Ấn Độ cho thấy, virus SARS-CoV-2 được lây truyền chủ yếu từ những người "siêu lây nhiễm", trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn.
Nghiên cứu lưu ý, những người cùng tuổi tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, đặc biệt ở trẻ em từ 0-14 tuổi và ở người lớn trên 65 tuổi.
Sau Ấn Độ, các nước như Iran, Iraq, Bangladesh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Pakistan đều đã ghi nhận tổng cộng hơn 310.000 ca nhiễm ở mỗi nước.
* Tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu tiếp tục diễn biến tồi tệ trong ngày 1/10 với hơn 69.000 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 1/10, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn".
Trong bối cảnh số các ca mắc bệnh đang tăng rất nhanh, nhiều khả năng thủ đô Paris sẽ bị áp đặt tình trạng cảnh báo tối đa về nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 5/10 tới, theo đó tất cả các quán bar và nhà hàng tại đây sẽ phải đóng cửa và mọi hình thức tiệc tùng, hay gặp mặt trong gia đình cũng sẽ phải tạm hoãn.
Tại Paris và các vùng ngoại ô của thành phố này, cả 3 tiêu chí về mức cảnh báo tối đa - tỷ lệ người mắc bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 65 tuổi, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt - hiện đều đã vượt ngưỡng cho phép.
Trong ngày 1/10, Pháp ghi nhận thêm 13.970 ca mắc Covid-19.
Tây Ban Nha cũng đang gồng mình ứng phó với làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Bất chấp sự phản đối gay gắt từ chính quyền khu vực Madrid, chính phủ Tây Ban Nha đã mở rộng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trên khắp thủ đô, trong khi các lệnh hạn chế tương tự cũng đã được siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ khác trên toàn quốc.
Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất tại Liên minh châu Âu (EU), trong đó thủ đô Madrid là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Số liệu thống kê cho thấy tại Madrid cứ 100.000 người thì có 780 ca mắc Covid-19, trong khi tại các khu vực còn lại của Tây Ban Nha, tỷ lệ này chỉ là 300 ca.
Trong khi đó, chính phủ Anh đã mở rộng phạm vi phong tỏa đối với một số thị trấn ở miền Bắc nước này, theo đó đặt 1/4 lãnh thổ nước Anh vào diện siết chặt các lệnh hạn chế để phòng dịch hiệu quả hơn. Anh cũng thông báo sẽ áp đặt biện pháp cách ly đối với du khách từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan do số ca mắc Covid-19 đang ngày càng tăng.
Chính phủ các nước Slovakia và Czech cũng đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc - lần lượt từ ngày 2/10 và 5/10 - trong bối cảnh số người mắc Covid-19 và tử vong do căn bệnh này đã gia tăng đáng kể.
Ba Lan cũng đã bổ sung thêm một số khu vực đô thị vào danh sách những khu vực cần siết chặt hạn chế để phòng dịch Covid-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 1/10 với 1.967 ca, trong đó có 30 người đã tử vong. Hiện tổng số người mắc Covid-19 tại Ba Lan đã là 93.481 người với 2.543 trường hợp tử vong.
Liên quan tình hình vaccine ngừa Covid-19, ngày 1/10, Trung tâm nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia, Nga, cho biết, các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đối với vaccine phòng Covid-19 có tên EpiVacCorona đã cho kết quả thành công. Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ hai của Nga sau vaccine đầu tiên của nước này có tên Sputnik V.
Trước đó, trong tuần này, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko đã thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, vaccine này có thể được phê chuẩn trong 3 tuần tới.
Vaccine EpiVacCorona được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.