Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, với 236.471 ca tử vong trong tổng số 9.473.720 ca nhiễm.
Ấn Độ với 122.642 ca tử vong trong số 8.229.322 ca nhiễm bệnh và Brazil với 160.104 ca tử vong trong số 5.545.705 bệnh nhân là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 'top 3' cùng Mỹ.
* Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 402.164 ca tử vong trong tổng số 11.316.343 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu với 278.774 ca tử vong trên 10.467.341 ca nhiễm. Châu Á có 170.843 ca tử vong trong số 10.573.913 ca nhiễm; Trung Đông có hơn 59.700 ca tử vong; châu Phi ghi nhận hơn 42.800 ca tử vong và số ca tử vong tại châu Đại Dương vượt 1.000 ca.
* Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 105 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 100 người), Tây Ban Nha - 77 người và Brazil - 75 người.
* Tại châu Âu, số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua lên hơn 10 triệu bệnh nhân sau gần 9 tháng mới chạm mốc 5 triệu ca.
Hiện châu Âu chiếm khoảng 22% trong tổng số 46,3 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới và hơn 23% trong tổng số gần 1,2 triệu ca tử vong.
Trong 7 ngày vừa qua, thêm 1,6 triệu ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận ở châu Âu, tương đương 50% số ca mắc mới trên toàn cầu.
Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng hơn 16.100 ca, tăng 44% so với tuần trước đó. Tỷ lệ mắc Covid-19 ở châu Âu là 127 ca/10.000 người, trong khi tỷ lệ tử vong là 4 ca/10.000 người. Con số này ở Mỹ lần lượt là 278 ca và 7 ca/10.000 người.
Các nước Tây Âu chứng kiến số ca mắc Covid-19 cao nhất trong khu vực (hơn 30%), trong khi Nam Âu ghi nhận số ca tử vong cao nhất (khoảng 32%).
Tại Đông Âu, Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với hơn 1,6 triệu ca mắc. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết, các bệnh viện tại 16 khu vực ở nước này đang hoạt động đến 90% công suất.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng lên mỗi ngày, Pháp, Đức và Anh đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong ít nhất một tháng tới, với các biện pháp nghiêm ngặt gần ngang với hồi tháng 3-4.
Bồ Đào Nha cũng áp đặt phong tỏa một phần, trong khi Tây Ban Nha và Italy siết chặt các hạn chế. Tuy nhiên, các biện pháp này đang vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân một số nước như Tây Ban Nha và Italy, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối cuối tuần qua.
Trong khi đó, ngày 1/11, chính quyền bang Geneva (Thụy Sỹ) đã quyết định sẽ thực hiện biện pháp bán phong tỏa từ 19 giờ ngày 2/11 đến ngày 29/11. Geneva là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, với hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vài ngày qua, đỉnh điểm là 1.338 trường hợp dương tính vào ngày 30/10.
Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục, các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các cửa hàng không thiết yếu ở Geneva sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên, trường học, các điểm bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, siêu thị, các hiệu thuốc, cửa hàng dịch vụ và sửa chữa thiết yếu vẫn mở cửa và có phương án bảo vệ.
Tình hình dịch bệnh tại Thụy Sỹ diễn biến phức tạp với số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày trên khắp đất nước lên tới hơn 9.000 ca vào cuối tháng 10, khiến chính phủ phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc nhằm kiểm soát sự gia tăng.
* Tại châu Á, Hàn Quốc công bố kế hoạch mới về giãn cách xã hội trên cơ sở 5 mức giãn cách, thay vì 3 mức như trước đây nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của virus và có hiệu lực từ ngày 7/11.
Theo đó, chính phủ chia quốc gia thành 7 khu vực dựa trên trung bình số ca mắc mới mỗi tuần. Các khu vực sẽ được xếp thành 2 nhóm gồm "ưu tiên" hoặc "bình thường" trong khi áp đặt các quy định phòng chống dịch bệnh.
Những quy định gồm đeo khẩu trang bắt buộc hay một số quy định quan trọng khác vốn chỉ được áp dụng với nhóm "nguy cơ cao" nay cũng sẽ được áp dụng với tất cả các nhóm.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày thứ 5 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức 3 con số. Hiện tổng số ca bệnh tại nước này là 26.635 ca.
Iran cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày 1/11 với 434 ca mới, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này lên 35.298 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh cũng tăng lên 620.491 ca sau khi ghi nhận thêm 7.719 ca mắc mới trong ngày.
* Ngày 1/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo, ông được xác định là có tiếp túc với một người dương tính với virus SARS-CoV-2, song khẳng định ông cảm thấy ổn và không có bất kỳ triệu chứng nào.
Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Tedros nêu rõ "sẽ tự cách ly trong những ngày tới, phù hợp với quy định của WHO và làm việc tại nhà".
* Liên quan tới tiến trình phát triển và sản xuất vaccine phòng Covid-19, Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca Plc (trụ sở tại Anh) cho biết, các nhà quản lý y tế của Vương quốc Anh đã bắt đầu đánh giá vaccine tiềm năng của hãng này.
Tuần trước, AstraZeneca cho biết, trong quá trình thử nghiệm, vaccine của hãng tạo ra được phản ứng miễn dịch ở cả người già và người trưởng thành, cũng như gây ra ít phản ứng phụ có hại ở người cao tuổi.
Israel cũng thông báo bắt đầu những thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine tiềm năng ngừa Covid-19. Vaccine do Viện Nghiên cứu sinh học Israel (IIBR) phát triển đã bước vào giai đoạn mới khi 2 tình nguyện viên được thử vaccine ngày 1/11.
Theo kế hoạch, ban đầu Israel sẽ thử nghiệm vaccine này trên 80 người, trước khi mở rộng lên 980 người ở giai đoạn 2 và 25.000 người ở giai đoạn cuối dự kiến vào giữa năm sau.
Theo WHO, hiện có khoảng 40 "ứng viên vaccine" được thử nghiệm trên toàn thế giới. 10 trong số đó đang ở giai đoạn cao nhất, với tính hiệu quả được đo lường trên quy mô hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.