📞

Cập nhật Covid-19 ngày 22/3: Ấn Độ chật vật với làn sóng thứ 2, Campuchia đóng cửa trường học toàn quốc, Anh cảnh cáo EU - 'thế giới đang nhìn'

Thế Việt 11:05 | 22/03/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 123,85 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.727.428 ca tử vong và hơn 99,77 triệu bệnh nhân bình phục.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 555.314 ca tử vong trong tổng số hơn 30,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 294.115 ca tử vong trong số xấp xỉ 12 triệu ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 160.003 ca tử vong, trong số 11.645.719 bệnh nhân.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH. Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 230 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 195 người và Slovenia 191 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 41,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 917.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 741.400 ca tử vong trong hơn 23,5 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 564.500 ca tử vong trong hơn 30,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 265.800 ca tử vong trong hơn 16,9 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 110.200 ca tử vong, châu Phi có hơn 109.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 973 người.

* Tại châu Á, Ấn Độ đang phải chật vật ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai. Trong ngày 21/3, nước này ghi nhận thêm 47.009 ca mắc Covid-19, trong khi có thêm 213 người không qua khỏi đại dịch, mức cao nhất tính từ đầu năm nay.

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ số ca mắc tăng vọt khi nhiều tín đồ theo đạo Hindu tụ tập trong dịp lễ hội hành hương Kumbh Mela bắt đầu trong tháng 3 và kéo dài đến tháng 4. Trong khi đó, các nhà tổ chức dự kiến năm nay sẽ có hơn 150 triệu người tham gia sự kiện tôn giáo này.

Bộ trên cho biết, mỗi ngày có tới 40 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 xung quanh khu vực diễn ra lễ hội Kumbh Mela tại thành phố cổ Haridwar (thuộc bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ), gần sông Hằng.

Hiện hơn 12 bang tại Ấn Độ chứng kiến số ca mắc tăng mạnh trong tuần qua và những người hành hương dự kiến đến Haridwar trong dịp lễ Kumbh Mela cũng có thể xuất phát từ những bang này.

Ngày 21/3, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết, nước này đã tiêm gần 45 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân trong nước, đồng thời cung cấp hơn 60 triệu liều cho 76 quốc gia trên thế giới.

Như vậy, Ấn Độ đến nay mới chỉ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 3,3% dân số. Với tốc độ này, Ấn Độ sẽ phải mất nhiều năm để chủng ngừa cho khoảng 70% dân số (tiêm đủ 2 liều) để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao cùng Bộ Văn hóa-Nghệ thuật của Campuchia thông báo đóng cửa tạm thời toàn bộ trường học các cấp, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên cả nước để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Tại tỉnh Siem Reap, chính quyền tỉnh đã quyết định tạm ngừng mọi hoạt động giao thông ở phường Kork Chak thuộc thành phố Siem Reap do tình hình lây nhiễm Covid-19 tại khu vực trung tâm thành phố ở mức đáng lo ngại.

Các quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi phát hiện thêm 58 ca mắc mới Covid-19. Riêng ở thủ đô Phnom Penh, thêm 6 người ở quận Meanchey có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có một bé 2 tháng tuổi.

Trong khi đó, tỉnh Kandal tiếp tục là điểm nóng về lây nhiễm Covid-19 với 17 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc ở đây lên con số 245. Kandal là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng hàng đầu ở Campuchia vì là nơi tiếp giáp thủ đô, đồng thời là trục vận tải những hàng hóa thiết yếu ra vào Phnom Penh.

Tính đến sáng 21/3, Campuchia ghi nhận tổng cộng 1.690 ca mắc Covid-19, trong đó 950 ca đã được điều trị khỏi bệnh và 3 ca tử vong.

Trong khi đó, chính phủ Philippines thông báo sẽ mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt chống dịch Covid-19, theo đó bổ sung 4 tỉnh giáp ranh vùng thủ đô Manila.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, các hạn chế hiện được áp đặt ở vùng thủ đô Manila sẽ được mở rộng sang các tỉnh gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh trong 24 giờ qua, Bộ Y tế nước này công bố thêm 7.757 ca mắc Covid-19, là số ca mắc mới trong ngày cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp Philippines xác nhận số ca mắc mới trên 7.000 ca/ngày.

Một ngày trước, nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch với 7.999 ca. Đến nay, Philippines có tổng cộng 663.794 ca mắc, trong đó có 12.968 ca tử vong và 577.754 ca được chữa khỏi bệnh.

Chính phủ Israel đã dỡ bỏ quy định hạn chế số lượng hành khách xuất nhập cảnh tại sân bay sau khi Tòa án Tối cao nước này ra phán quyết rằng biện pháp có hiệu lực hai tháng trên là "vi hiến".

Quy định đo thân nhiệt hành khách tại lối vào các nhà ga và trước khi lên máy bay cũng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, tuyên bố nhấn mạnh, số lượng các chuyến bay đến và đi hằng ngày tại sân bay Ben Gurion vẫn sẽ bị hạn chế theo năng lực khai thác của sân bay cũng như nhu cầu duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và thực hiện xét nghiệm.

* Tại châu Mỹ, ngày 21/3, Cuba thông báo kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 150.000 nhân viên đang tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng là một phần trong giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm loại vaccine tiềm năng Soberana 2 mà nước này đang nghiên cứu.

Cụ thể, các liều tiêm sử dụng vaccine Soberana 2 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/3 và những đối tượng được ưu tiên là các nhân viên y tế và những người tham gia tuyến đầu chống dịch.

Có 44.010 người trong độ tuổi từ 19 đến 80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng của vaccine Soberana 2. Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 2 sẽ trở thành vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung.

* Ở châu Âu, theo một biên bản ghi nhớ mà hãng tin AFP có được ngày 21/3, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel có kế hoạch kéo dài các biện pháp hạn chế sẽ đến một thời điểm chưa xác định trong tháng 4 do tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao ở thời điểm hiện tại, chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, hiện đa số người dân Đức phản đối việc thắt chặt các hạn chế tụ tập.

Trong khi đó, theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch công bố sáng 21/3, trong 24 giờ qua, các cơ quan y tế Đức ghi nhận 13.733 ca mắc mới Covid-19 và 99 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm hiện là 103,9 ca/100.000 dân/7 ngày.

Ngày 21/3, Anh cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) về lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca nếu khối này không nhận đủ lượng cung cấp đã cam kết, cho rằng động thái như vậy của EU sẽ "phản tác dụng".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định, "thế giới đang theo dõi" cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển, và rằng danh tiếng của liên minh này đang bị ảnh hưởng.

Bình luận của ông được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen một lần nữa cảnh báo sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vaccine đã cam kết trong quý I/2021.

Tranh cãi tiếp diễn giữa Anh và EU liên quan đến vaccine AstraZeneca diễn ra trong bối cảnh chương trình chủng ngừa của Anh đã đạt mức cao mới trong khi EU gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng cũng như làn sóng dịch thứ ba đang khiến nhiều quốc gia thành viên phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế.

Cũng trong ngày 21/3, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức EU cho biết, khối này đã bác đề nghị của chính phủ Anh về việc chuyển giao vaccine Covid-19 của AstraZeneca sản xuất tại một nhà máy ở Hà Lan.

Theo đó, nhà máy đặt tại Leiden của nhà thầu phụ Halix được coi là nhà cung cấp vaccine trong cả 2 thỏa thuận AstraZeneca đã kí với Anh và EU.

(tổng hợp)