Trung Quốc tuyên bố sẽ không tuân thủ kế hoạch đề ra trước đó của WHO về giai đoạn hai nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP) |
Đến nay, Mỹ là nước có số ca tử vong bởi dịch Covid-19 cao nhất với 625.792 ca, Brazil đứng thứ hai với 545.690 ca, tiếp đến là Ấn Độ và Mexico lần lượt với 419.021 ca và 236.810 ca.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người thiệt mạng trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch Covid-19 cao hơn 3 lần so với số liệu chính thức.
Xét theo số ca nhiễm, Mỹ đứng đầu với 35.139.567 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 31.256.839 ca và Brazil với 19.474.489 ca.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 543.450 ca mắc mới. Trong đó, Brazil và Mỹ là hai nước có số ca lây nhiễm mới cao nhất, lần lượt là 54.748 ca và 52.729 ca.
Theo WHO, biến thể Delta sẽ trở thành chủng virus chiếm ưu thế trong những tháng tới và cho tới nay đã biến thể này đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Biến thể Delta cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh tại nhiều nước phức tạp hơn. Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.842 ca mắc mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây.
* Liên quan đến vấn đề vaccine, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã có bài phát biểu về việc mở rộng sản xuất vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai vaccine được đẩy nhanh song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn còn nhiều thách thức.
Trong tháng 6 vừa qua, 1,1 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5 và hơn gấp đôi tổng số cho tháng 4. Chương trình COVAX đã cung cấp hơn 134 triệu liều cho 136 nền kinh tế. Việc sản xuất vaccine cũng đang tăng lên.
* Tại châu Mỹ
Ngày 21/7, các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã lên tiếng yêu cầu sự bình đằng trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covud-19 khi cảnh báo rằng chỉ có 1/10 công dân của khu vực này được chủng ngừa đầy đủ, trong khi 70% số vaccine được sản xuất cho tới nay hiện nằm trong tay các quốc gia giàu có nhất.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết đối với biên giới phía Bắc và phía Nam của nước này cho đến ngày 21/8.
Các hạn chế không áp dụng cho thương mại xuyên biên giới, công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp, cũng như những người đi lại vì mục đích y tế hoặc đi học, bên cạnh một số trường hợp khác.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp do biến thể Delta, chính quyền thành phố New York đã yêu cầu các nhân viên tại bệnh viện công phải tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc phải tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng ngày.
Cùng ngày, Bệnh viện Houston Methodist, hệ thống bệnh viện ở bang Texas, đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda - vốn được phát hiện lần đầu tiên ở Peru và đã lan rộng khắp Nam Mỹ.
Tin tức về biến thể mới này ở Texas được đưa ra trong bối cảnh các ca mới ở Mỹ đang tăng lên. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ Rochelle Walensky cho biết biến thể Delta hiện chiếm hơn 80% các trường hợp mắc mới.
Bộ Ngoại giao Mexico cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với nhà chức trách Mỹ để các hoạt động giao thương và đi lại qua biên giới chung có thể được bình thường hóa trong thời gian sớm nhất.
Theo thống kê của cơ quan kiểm soát cửa khẩu, bình quân mỗi ngày có khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại khu vực biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.
YouTube ngày 21/7 thông báo đã gỡ bỏ các video trên kênh của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì hành vi phát tán thông tin sai lệch về sự bùng phát dịch Covid-19, qua đó trở thành nền tảng truyền thông mới nhất gỡ bỏ những tuyên bố của nhà lãnh đạo này về đại dịch toàn cầu.
Theo YouTube, quyết định trên được đưa ra “sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng” và không xét đến công việc hoặc ý thức hệ chính trị của Tổng thống Bolsonaro.
Nhà lãnh đạo này đã hứng chịu làn sóng chỉ trích rộng rãi vì những phát ngôn phê phán các lệnh phong tỏa, quảng bá về những phương pháp điều trị thần kỳ chưa được chứng minh, gieo rắc nghi ngờ về vaccine ngừa Covid-19 và lảng tránh quy định đeo khẩu trang.
Khách tham quan trình giấy chứng nhận sức khỏe với nhân viên an ninh trước cổng vào Bảo tàng Louvre, thủ đô Paris ngày 21/7. (Nguồn: Reuters) |
* Tại châu Âu
Pháp đang vật lộn với số ca tăng đột biến do biến thể Delta. Các nhà chức trách nước này yêu cầu chứng minh tiêm vaccine hoặc chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với những người đến các rạp chiếu phim, bảo tàng, sự kiện thể thao và các trung tâm văn hóa.
Đài phát thanh quốc tế Praha dẫn lời Ngoại trưởng Czech Jakub Kulhánek cho biết 5 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khu vực Trung Âu (C5 - gồm CH Czech, Slovakia, Áo, Hungary và Slovenia) đã nhất trí thành lập Nhóm điều phối chung về hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
* Tại châu Á
Ngày 22/7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) khẳng định nước này sẽ không tuân thủ kế hoạch đề ra trước đó của WHO về giai đoạn hai nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.
Lý do là nghiên cứu này có nội dung ngôn từ không tôn trọng khoa học.
Phó Chủ nhiệm Tăng Ích Tân nêu rõ Trung Quốc phản đối hành động chính trị hóa kế hoạch nghiên cứu nguồn gốc virus.
Ngày 21/7, số ca nhiễm mới Covid-19 tại Malaysia giảm nhẹ so với ngày trước đó, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trên tổng số xét nghiệm đạt mức cao kỷ lục, lần đầu vượt mốc 12%.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 199 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nước này hiện có tổng cộng 7.440 ca tử vong vì Covid-19, chiếm 0,78% trong tổng số 951.884 ca bệnh.
Ngày 22/7, báo chí Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Suga Yoshihide đang chuẩn bị đàm phán trực tiếp với ông Albert Bourla - Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Pfizer, sớm nhất là trong tuần này, về việc giao sớm 20 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
* Tại châu Phi
Theo công ty nghiên cứu Airfinity, trong số 1,1 tỷ liều vaccine được sản xuất vào tháng 6, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu.
Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% người dân ở các nước phát triển.
Tổng thống Tunisia Kais Saied đã ra lệnh quân đội giám sát việc ứng phó với đại dịch Covid-19, trong bối cảnh quốc gia này đang trải qua một trong những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất châu Phi.
Các bác sĩ quân y bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở những vùng xa xôi của Tunisia, trong khi xe tải quân sự tiến hành vận chuyển oxy đến những khu vực trung tâm và Tây Bắc nước này.
Tunisia đã quyết định đóng cửa một số bãi biển ven Địa Trung Hải, động thái được coi là một đòn giáng mới vào ngành du lịch đang kiệt quệ.