📞

Cập nhật Covid-19 ngày 23/6: Số tử vong ở Thái Lan lập đỉnh; Chile tính tiêm chủng mũi 3; Ấn Độ vượt 30 triệu ca, Delta Plus gây đe dọa

Thế Việt 11:37 | 23/06/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 180 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 3,9 triệu trường hợp tử vong và 164,68 triệu bệnh nhân khỏi bệnh.
Bộ Y tế phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam thực hiện video 'Vũ điệu 5K' kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ và chấp hành 5K, cùng nhau bảo vệ Việt Nam trước đại dịch Covid-19. (Ảnh chụp từ video)

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó, cứ 100.000 người dân thì có 578 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 294 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribbean hiện có hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 36,1 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 53,9 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 628.100 ca tử vong trong hơn 34,9 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 559.200 ca tử vong trong hơn 39,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 148.100 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 137.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.

* Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 34,4 triệu ca mắc và 617.862 ca tử vong.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực chấm dứt dịch Covid-19 ở Mỹ.

Theo Tiến sĩ Fauci, các loại vaccine được cấp phép sử dụng ở Mỹ hiện nay như vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận, không thể đạt được mục tiêu khoảng 70% người dân Mỹ trưởng thành được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19 trước ngày kỷ niệm Quốc khánh 4/7 mà nhiều khả nẵng sẽ mất thêm vài tuần.

Tính tới ngày 22/6, tổng cộng 65,4% người trên 18 tuổi ở Mỹ đã tiêm một hoặc hai liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson.

Tỷ lệ tiêm chủng đã giảm kể từ tháng 4 khi đạt mức trung bình cao nhất là 3,4 triệu mũi/ngày. Mức trung bình mới nhất chỉ khoảng 850.000/ngày.

* Nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai là Ấn Độ với tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt mức 30 triệu, trong đó 390.691 ca tử vong. Tiếp theo là Brazil với 18.056.639 ca và 504.897 ca tử vong.

Liên quan đến biến thể của virus gây bệnh, chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này đã phát hiện 22 ca nhiễm biến thể Delta Plus ở các bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh, đồng thời nhấn mạnh đây là một "biến thể gây lo ngại".

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang dần thoát khỏi làn sóng Covid-19 thứ 2 do biến thể Delta gây ra, với số ca nhiễm giảm mạnh. Delta Plus là phiên bản đột biến mới của biến thể Delta.

Các chuyên gia ở bang Maharashtra lo ngại biến thể Delta Plus có nguy cơ gây ra làn sóng thứ 3 và cảnh báo làn sóng này có thể đến sớm hơn dự kiến. Hiện bang này đang chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch thứ 3, trong đó có việc thu thập dữ liệu như lịch trình đi lại và tình trạng tiêm vaccine của những người đã báo cáo nhiễm phiên bản virus này.

Mối lo ngại xuất phát từ thực tế hiện nay có rất ít thông tin về Delta Plus, trong khi biến thể này đã xuất hiện ở 9 quốc gia gồm Ấn Độ, Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Ba Lan, Nga và Trung Quốc.

Đặc biệt, Bồ Đào Nha quan ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 4 trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh, chiếm tới hơn 60% số ca mắc mới tại thủ đô Lisbon.

* Sáng 23/6, Bộ Y tế Thái Lan công bố, trong 24 giờ qua có 51 người tử vong do Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này lên 1.744 ca.

Thái Lan cũng ghi nhận thêm 3.174 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 228.539 trường hợp. Chỉ riêng trong làn sóng Covid-19 thứ 3 bùng phát từ đầu tháng 4, Thái Lan ghi nhận 199.676 ca mắc mới và 1.650 ca tử vong.

Trong khi đó, nhà chức trách y tế ngày 22/6 cho biết, các giường bệnh được chỉ định dành cho bệnh nhân nguy kịch tại tất cả các bệnh viện nhà nước ở Bangkok đã gần như kín chỗ vì bệnh nhân Covid-19. Hiện chỉ còn 20 giường cuối cùng dành riêng cho các trường hợp cấp cứu.

Phó trưởng Khoa Y của Bệnh viện Siriraj cảnh báo, đợt bùng phát Covid-19 ở Bangkok đang tiến đến mức nghiêm trọng, đồng thời hối thúc những người ra quyết định ở tất cả các cấp quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thiếu giường bệnh trước khi tình hình vượt tầm kiểm soát.

* Ngày 22/6, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong mấy ngày qua chính là "một đợt tái bùng phát" mới tại quốc gia này, do biến chủng Delta đang bắt đầu lây lan.

Ông Bennett sẽ tái lập Nội các chống Covid-19 nhằm thảo luận về một kế hoạch ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới.

Hôm 21/6, Bộ Y tế ghi nhận thêm 125 ca mắc Covid-19, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh trên toàn quốc lên 477 ca, trong đó có 26 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Đến nay, Israel đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 55% trong tổng số 9 triệu dân.

* Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong thời gian diễn ra EURO 2021 và cảnh báo rằng, một số khu vực đang chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Anh thông báo cho phép hơn 60.000 cổ động viên vào sân Wembley để xem trận bán kết và chung kết EURO 2021.

* Liên quan vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19, Tổng thống Chile Sebastián Piñera thông báo, các chuyên gia y tế nước này đang nghiên cứu khả năng nếu cần thiết sẽ áp dụng tiêm vaccine mũi thứ 3 phòng ngừa Covid-19 cho người dân nhằm tăng cường miễn dịch trong cộng đồng.

Ngay sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu, cơ quan chức năng sẽ đưa ra đề xuất để Bộ Y tế sớm có quyết định cuối cùng với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo Tổng thống Piñera, khả năng tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 3 cũng đã được xem xét ở nhiều nước nhằm đối phó với các biến thể mới của virus gây bệnh này. Dự kiến, nếu được áp dụng thì người dân Chile sẽ bắt đầu được đăng ký tiêm mũi thứ 3 kể từ tháng 9 tới.

Hiện trường Đại học Công giáo Chile đang là đơn vị chịu trách nhiệm xem xét hiệu quả miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc .

Thống kê chính thức cho thấy, 79,5% người dân Chile đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 62,9% đã tiêm đủ liều 2 mũi theo chỉ định. Chile đến nay đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 31.114 trường hợp tử vong.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã được tiêm chủng ngừa bệnh Covid-19 mũi thứ hai bằng vaccine của hãng Moderna, sau mũi tiêm đầu tiên với vaccine của hãng AstraZeneca hồi tháng 4 và không có biểu hiện về tác dụng phụ.

Hiện chưa rõ lý do tại sao Thủ tướng Merkel lại chuyển sang tiêm mũi thứ hai là vaccine Moderna. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, việc tiêm phối hợp một mũi là vaccine của AstraZeneca và mũi còn lại của hãng khác dường như sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Cho tới chiều 22/6, nước Đức đã tiêm chủng được trên 67 triệu liều, trong đó 51,2% dân số (42,54 triệu người) được tiêm ít nhất một mũi và 31,6% dân số (26,27 triệu người) được tiêm đủ.

Về tình hình dịch bệnh ở Đức, do số ca nhiễm mới giảm mạnh, nhiều địa phương đã dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế để phòng chống đại dịch Covid-19.

Theo thông báo của Viện dịch tễ RKI, chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước ở mức 8,0 và số ca nhiễm biến thể Delta hiện chiếm 6,2%, song theo các nhà khoa học, con số thực tế có thể còn cao hơn.

Tại châu Phi, Tổng thống Nigeria đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt 895,8 tỷ Naira (2,18 tỷ USD) ngân sách bổ sung để tài trợ mua vaccine Covid-19 và thiết bị quân sự.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!