📞

Cập nhật Covid-19 ngày 26/1: Toàn cầu vượt mốc 100 triệu ca; Mỹ hạn chế đi lại với Iran, Trung Quốc; WHO nói về tương lai SARS-CoV-2

Thế Anh 11:25 | 26/01/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 100 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 2,15 triệu người tử vong và gần 71,3 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 26/1: Toàn cầu vượt mốc 100 triệu ca; Tân Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hạn chế đi lại từ châu Âu, Brazil và Nam Phi

*Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 138.199 ca nhiễm và 1.730 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở nước này lên lần lượt 25,84 triệu ca và 431.226 ca - cao nhất thế giới.

Cơ quan Y tế Minnesota cho biết các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận trường hợp đầu tiên ở Mỹ nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Brazil.

Lo ngại nguy cơ lây lan các biến thể mới của virus, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh duy trì các hạn chế đi lại đối với hầu hết các nước châu Âu và Brazil. Chính quyền ông Biden cũng đang mở rộng các hạn chế đi lại đối với Nam Phi, nơi xuất hiện một biến thể mới.

Ngoài ra, Mỹ cũng hạn chế đi lại đối với Iran và Trung Quốc. Hiện chính quyền đã thúc đẩy một số động thái của liên bang ứng phó với đại dịch, bên cạnh việc tăng cường phân phối vaccine.

*Tại châu Âu, Tây Ban Nha trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, 38.682 ca, tiếp sau là Anh (22.195 ca) và Nga (19.290 ca).

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng 2.593.382 ca nhiễm và 56.208 ca tử vong. Trong 14 ngày qua, tỷ lệ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này lên tới 884,70 ca/100.000 người.

Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, 40% giường bệnh tại các khu chăm sóc đặc biệt và 24% giường bệnh toàn bộ hệ thống bệnh viện dành cho bệnh nhân Covid-19. Bộ này dự báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày sẽ bắt đầu giảm trong vài ngày tới và đỉnh điểm làn sóng dịch thứ 3 rơi vào cuối tuần này hoặc cuối tuần sau.

Trong khi đó, chính phủ Anh tuyên bố sẽ cung cấp chuyên môn về gene cho các quốc gia thiếu nguồn lực để xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

London hy vọng sẽ sử dụng vị trí Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong năm 2021 để thúc đẩy một "hệ thống y tế toàn cầu hợp tác và hiệu quả hơn" nhằm đảm bảo cộng đồng quốc tế được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các mối đe dọa trong tương lai.

Ngày 25/1, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn khẳng định ủng hộ việc giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sản xuất ở châu Âu trong bối cảnh Đức cũng như các nước Liên minh châu Âu (EU) khác đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung vaccine khan hiếm, ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng vaccine trong toàn liên minh.

Cùng ngày, EU đã công kích AstraZeneca với cáo buộc công ty dược phẩm này không cung cấp các liều vacine ngừa Covid-19 theo đúng cam kết dù đã nhận được tài trợ của EU để tăng cường sản xuất vaccine.

Trong khi đó, chính phủ Nga thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với Việt Nam, Phần Lan, Ấn Độ và Qatar, vốn được áp đặt năm ngoái nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, công dân 4 quốc gia trên có thể tới Nga bằng đường hàng không. Công dân Nga cũng sẽ được phép tới những nước này.

*Tại châu Á, dịch bệnh Covid-19 gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt tại Nhật Bản. Cụ thể, trong tuần từ 19-25/1, Nhật Bản đã phát hiện thêm 35.196 ca nhiễm mới, giảm gần 19% so với con số 41.778 ca được ghi nhận trong tuần trước đó.

Đây là tuần thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này giảm. Tuy nhiên, số người tử vong vì dịch bệnh lại tăng 595 người lên 5.133.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, giới chức y tế Tokyo đã phát hiện một nam giới nhiễm biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 ở Anh. Người ta nghi ngờ người này chính là nguồn lây nhiễm cho bé gái dưới 10 tuổi, vốn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này vào cuối tuần trước.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, chính phủ Nhật Bản sẽ phát triển hệ thống mới để quản lý toàn diện thông tin cá nhân nhằm thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

*Châu Phi ghi nhận thêm 16.626 ca nhiễm mới và 632 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó Nam Phi chiếm số đông với 4.551 ca nhiễm và 243 ca tử vong.

Nam Phi hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 tại châu lục này.

Nhằm ứng phó với dịch bệnh, Bộ Y tế Tunisia công bố các biện pháp mới hạn chế số ca nhiễm nhập cảnh. Theo đó, từ ngày 1/2, người nhập cảnh Tunisia phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và phải thực hiện cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly, sau đó được rời trung tâm cách ly khi có kết quả xét nghiệm âm tính một lần nữa.

Bộ Y tế nước này vẫn giữ nguyên lệnh cấm các chuyến bay quốc tế từ các nước phát hiện biến thể của SARS-CoV-2.

* Ngày 25/1, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan ngay cả sau khi tiêm chủng quy mô lớn trong tương lai gần.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, Tiến sĩ Michael Ryan nhấn mạnh, thế giới không nên lấy việc loại bỏ hoặc tiêu diệt virus SARS-CoV-2 trong tương lai gần là tiêu chuẩn thành công.

Ông Ryan nêu rõ: "Trong tương lai gần, mức độ bao phủ của vaccine sẽ không đạt đến mức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, có thể chúng ta sẽ tiếp tục bị lây nhiễm", đồng thời cho rằng không nên trông chờ loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm 2021.

(tổng hợp)