📞

Cập nhật Covid-19 ngày 26/5: Xấp xỉ 3,5 triệu ca thiệt mạng; Mỹ và loạt nước muốn 'đào sâu' nguồn gốc virus; Đại biện Indonesia ở Ấn Độ tử vong

Hoàng Hà 11:34 | 26/05/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 168,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, xấp xỉ 3,5 triệu ca tử vong và hơn 150 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 523.429 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (208.886 ca), tiếp đến Brazil (74.845 ca), Argentina (24.601 ca), Mỹ (21.654 ca).

Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh cao nhất thế giới vẫn là Mỹ với 605.187ca tử vong trong tổng số hơn 33,9 triệu bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 27,1 trệu ca nhiễm, trong đó có 311.421 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với xấp xỉ 16,2 triệu ca mắc, 452.224 bệnh nhân không qua khỏi.

Ngày 25/5, Deccan Herald dẫn nguồn tin cho hay, Đại biện Indonesia Ferdy Piay ở New Delhi đã tử vong tại Jakarta sau nhiều tuần chiến đấu với Covid-19.

Ông Piay được điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở New Delhi, trước khi Bộ Ngoại giao Indonesia sắp xếp đưa ông trở về Jakarta.

Đại biện Piay là lãnh đạo đầu tiên của một phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Ấn Độ tử vong sau khi mắc Covid-19.

Xét theo khu vực, châu Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 67,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 1,64 triệu bệnh nhân không qua khỏi ở cả hai miền Bắc-Nam. Tiếp đó là châu Á, nơi đang ghi nhận tình hình dịch diễn biến phức tạp, với gần 49,8 triệu ca nhiễm, trong đó có 658.095 ca tử vong.

Châu Âu hiện nay có gần 46,3 triệu bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 1.063.870 ca tử vong. Mặc dù vậy, châu Âu đang chứng kiến những tiến triển tích cực về tình hình dịch bệnh, với số ca nhiễm giảm mạnh, số người được tiêm vaccine gia tăng. Nhiều quốc gia châu Âu đang gỡ dần các biện pháp phong tỏa, hạn chế.

Châu Phi đến nay có gần 4,82 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 129.317 ca tử vong, trong khi các con số này ở châu Đại Dương lần lượt là 67.643 và 1.245.

Liên quan đến vấn đề vaccine, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/5 tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của EU đã xác nhận mục tiêu mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tuần trước là cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine chống Covid-19 cho các nước không thuộc EU vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Hungary quyết định không tham gia chương trình mua vaccine giai đoạn tiếp theo của EU, vì vậy sẽ không nhận được thêm vaccine Pfizer/BioNTech.

Theo thông báo của chính phủ, Hungary có đủ vaccine ngay cả khi không mua sắm mới, vì vậy, việc bổ sung thêm vaccine Pfizer/BioNTech là không cần thiết.

Hungary hiện là quốc gia duy nhất trong EU quyết định không tham gia vào một thỏa thuận mà liên minh này đã ký với Pfizer/BioNTech về việc cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, chính quyền Palestine (PA) thông báo đã nhận được 102.960 liều vaccine Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nguồn vaccine mới này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Palestine đang thiếu trầm trọng vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng ở cả Bờ Tây và Dải Gaza.

Bộ trưởng Y tế Palestine Mai al-Kaila cho hay, trong số vaccine trên, 56.160 liều được phân bổ cho Bờ Tây và 46.800 liều cho Gaza.

Về vấn đề tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố dữ liệu ngày 25/5 cho thấy, 129 triệu người, tương đương với 50% số người Mỹ từ 18 tuổi trở lên, đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng Covid-19.

Đáng chú ý, có 9 bang đạt được ít nhất 70% số người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Số liệu tích cực trên đánh dấu một bước tiến gần hơn tới mục tiêu tiếp theo của Tổng thống Biden là 70% người trưởng thành Mỹ tiêm ít nhất một liều vaccine vào ngày 4/7 tới.

Hiện tại, 61,6% người Mỹ trưởng thành, tương đương gần 159 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

* Về cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, ngày 25/5, phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cuộc họp thường niên của WHO, đại diện của Mỹ và một số quốc gia khác đã kêu gọi điều tra sâu hơn về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Đại diện Mỹ Jeremy Konyndyk nói rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra toàn diện và thuyết phục do chuyên gia về nguồn gốc của Covid-19 dẫn đầu".

Theo ông Konyndyk, mục đích của cuộc điều tra không phải là để đổ lỗi, mà là dựa trên cơ sở khoa học, để tìm ra nguồn gốc của virus và các đợt bùng phát, qua đó giúp tất cả chúng ta ngăn chặn xảy ra thảm họa toàn cầu trong tương lai.

Australia, Nhật Bản và Bồ Đào Nha cũng kêu gọi cần phải đạt được bước tiến mới trong cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, trong khi đại diện của Anh khẳng định bất kỳ cuộc điều tra nào cũng phải "kịp thời, có chuyên môn và có cơ sở khoa học vững chắc".

Vào đầu năm nay, một nhóm chuyên gia của WHO đã tới Vũ Hán, Trung Quốc để tìm hiểu về nguồn gốc dịch Covid-19, tuy nhiên không đưa ra kết luận chắc chắn về vấn đề này.

Theo các chuyên gia này, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian, trong khi giả thuyết liên quan đến việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Tuy nhiên, sau khi báo cáo được công bố, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, tất cả các giả thuyết vẫn đang được thảo luận.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19!

(tổng hợp)