Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 427.948 ca nhiễm Covid-19 mới, tập trung nhiều nhất tại Indonesia (38.679 ca), tiếp theo là Ấn Độ (38.153 ca), Anh (29.173 ca), Iran (27.146 ca), Nga (24.072 ca), Brazil (18.129 ca), Malaysia (17.045 ca), Mexico (15.823 ca), Thái Lan (15.335 ca), Pháp (15.242 ca)...
Mỹ - quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới, trong 24 giờ qua ghi nhận 13.818 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên xấp xỉ 35,2 triệu người, trong đó có 626.762 ca tử vong.
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã tăng 3%, trong đó khu vực Bắc Mỹ tăng 34%, châu Âu tăng 6%, châu Á tăng 4%, châu Đại dương tăng 3%. Trong khi đó, châu Phi giảm 16%, còn Nam Mỹ giảm 14%.
* Tại Đông Nam Á, Indonesia vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch Covid-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia Dicky Budiman nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát".
Theo chuyên gia trên, tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể.
Trong bối cảnh đó, Indonesia quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ 4 đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) từ ngày 26/7-2/8/2021 với một số điều chỉnh quy định liên quan đến các hoạt động cộng đồng và đi lại để đảm bảo phòng dịch và duy trì hoạt động kinh tế, động lực xã hội của cộng đồng.
Ngày 25/7, Malaysia và Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao chưa từng thấy. Cụ thể, Malaysia ghi nhận 17.045 ca nhiễm mới, trong đó có tới 17.039 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn Thái Lan có 15.335 ca nhiễm mới.
Bộ Y tế Thái Lan đang có kế hoạch chuyển 8,5 triệu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tới những địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian tháng 8 và tháng 9, phục vụ công tác xét nghiệm người có nguy cơ lây nhiễm cao tại các vùng dịch.
Trong khi đó, các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Myanmar....tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức cao, lần lượt là 5.479 ca và 4.998 ca.
* Tại châu Âu, sự lây lan biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của nhiều quốc gia.
Trong ngày 26/7, Hạ viện Pháp đã thông qua dự thảo luật nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát do sự lây lan của biến thể Delta, trong đó có nội dung bắt buộc đội ngũ nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Đây là dự luật được chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy, trong đó lấy tiêm chủng là "vũ khí" hàng đầu chống dịch Covid-19.
Dự thảo luật này cần được cơ quan điều hành cao nhất của Pháp là Hội đồng Hiến pháp thông qua để trở thành luật chính thức. Các nội dung trong dự luật dự kiến có hiệu lực đến hết ngày 15/11/2021.
Tại Anh, các nhà khoa học cảnh báo, nước này có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả phòng bệnh của vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ có thể khiến số ca mắc Covid-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.
Tiến sĩ Aris Katzourakis, người nghiên cứu sự phát triển của virus tại Đại học Oxford, cho rằng, virus SARS-CoV-2 đang phát triển ở giai đoạn đỉnh cao và có khả năng xảy ra thoát miễn dịch.
Thoát miễn dịch xảy ra khi trong cộng đồng đã có miễn dịch một phần nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc Covid-19, trong khi virus vẫn đủ khả năng lây lan và nhiều khả năng phát triển để tránh miễn dịch đó
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, hiện tại đã có các điều kiện để xảy ra thoát miễn dịch khi chỉ 70% người lớn và một số ít trẻ em tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và cứ 80 người thì có một người mắc Covid-19.
Theo các nhà khoa học, điều này không có nghĩa là một biến chủng mới sẽ xuất hiện tại Anh trong những tuần tới, song nguy cơ này có nhiều khả năng xảy ra hơn trước đây.
* Tại châu Phi, tối 25/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hạ mức cảnh báo phong tỏa toàn quốc xuống cấp độ 3, đồng nghĩa với việc nới lỏng giờ giới nghiêm buổi tối từ 22h-4h thay vì 21h như ở cấp độ 4.
Nam Phi đã có 9.718 trường hợp mắc Covid-19 mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, trong đó có 287 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Algeria tái áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h-6h tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nhất, trong đó bao gồm cả thủ đô Algiers.
Ngoài ra, Tổng thống Tebboune cũng yêu cầu tăng cường tiêm chủng đối với các tỉnh, thành có mật độ dân số hoặc nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng ngay lập tức cho 2,5 triệu người ở thủ đô Algiers và 50% dân số của các tỉnh thành khác Oran, Constantine, Sétif và Ouargla.
Tính đến chiều 25/7, Algeria đã ghi nhận tổng cộng 162.155 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 4.063 ca tử vong. Hiện Algeria xếp thứ 10 trong top các quốc gia châu Phi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất ở châu lục này.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dịch bệnh tại Algeria bùng phát nhanh trong những ngày qua là do sự xuất hiện của biến thể Delta, hiện các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải.
* Tại châu Mỹ, ngày 25/7, Cuba ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức cao nhất trong ngày, với lần lượt 8.853 và 80 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 332.968 ca và 2.351 ca tử vong.
Đến nay, khoảng 3,4 triệu người Cuba đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 do nước này tự bào chế trong chương trình tiêm chủng quốc gia.