📞

Cập nhật Covid-19 ngày 27/10: Châu Âu báo động cao; WHO kêu gọi 'đừng từ bỏ', Venezuela tìm ra phương pháp tiêu diệt 100% virus SARS-CoV-2

Thế Việt 11:50 | 27/10/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 43.776.587 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.164.515 trường hợp tử vong và 32.179.748 bệnh nhân bình phục.

* 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhề nhất do đại dịch Covid-19 lần lượt là Mỹ (8.962.783 ca nhiễm, 231.045 ca tử vong), Ấn Độ (7.945.888 ca nhiễm, 119.535 ca tử vong) và Brazil (5.411.550 ca nhiễm, 157.451 ca tử vong)

Sau 3 nước này, có thêm 5 quốc gia có số ca nhiễm trên 1 triệu là Nga (1.531.224 ca), Pháp (1.165.278 ca), Tây Ban Nha (1.156.498 ca), Argentina (1.102.301 ca) và Colombia (1.025.052 ca)

Top 4 quốc gia có số ca nhiễm mới trong ngày 26/10 cao nhất là Mỹ (69.841), Ấn Độ (36.838), Pháp (26.771) và Anh (20.890).

* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi. Trong ngày 26/10, toàn châu lục ghi nhận thêm 204.664 ca nhiễm Covid-19, xấp xỉ bằng tổng số ca nhiễm mới của các châu lục khác cộng lại. Đến nay, châu Âu ghi nhận 8.628.924 ca nhiễm, trong đó có 252.214 trường hợp tử vong và 3.496.594 bệnh nhân được chữa khỏi.

Tình hình dịch bệnh tại Cộng hòa Czech đang xấu đi bất chấp các biện pháp đã được thực hiện, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn. Theo đó, quy định giờ giới nghiêm ban đêm từ 21h-5h, có hiệu lực từ ngày 28/10-3/11. Czech cũng xem xét kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 12.

Đến nay, Czech ghi nhận tổng cộng 268.370 ca mắc Covid-19, trong đó 2.365 ca tử vong.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống sự lây lan Covid-19, trong đó có các quy định khắt khe hơn về tụ tập riêng tư, sau khi số ca nhiễm gia tăng gần đây.

Chính phủ cũng sẽ chấm dứt những ngoại lệ đối với các quy định cách ly mà người lao động nước ngoài tới làm việc tại nước này được hưởng cho đến nay, theo đó, từ ngày 31/10, tất cả người lao động nước ngoài tới quốc gia Bắc Âu đều phải cách ly trong 10 ngày.

Đến nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 18.342 ca mắc Covid-19, trong đó có 279 trường hợp tử vong.

Ngày 26/10, chính phủ Anh thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế phòng dịch Covid-19 ở vùng England, theo đó, kể từ ngày 27/10, thành phố Warrington ở khu vực phía Tây Bắc vùng England bị đưa vào diện cảnh báo cấp độ 3 - mức cao nhất trong thang cảnh báo của nước này.

Nhà chức trách thành phố Nottingham và 3 thành phố lân cận ở miền Trung nước Anh cũng cho biết sẽ áp đặt mức độ hạn chế tương tự kể từ ngày 29/10. Đây là những địa phương đầu tiên nằm ngoài vùng Bắc England siết chặt các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất.

Anh siết chặt các hạn chế trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 153.483 ca mắc Covid-19 chỉ trong tuần qua, tăng gần 25% so với tuần trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng 50% ở mức 1.272 ca, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 44.998 ca, cao nhất ở châu Âu.

Tại Italy, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng mạnh, với 17.012 ca trong ngày 26/10, buộc Bộ Ngoại giao phải khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi đến những nước châu Âu khác. Đến nay, Italy ghi nhận 542.789 ca nhiễm bệnh, trong đó có 37.479 người tử vong.

Đức, nhiều thành phố như Berlin, Duesseldorf và Cologne phải hủy bỏ các kế hoạch tổ chức chợ Giáng sinh, vốn là một nét văn hóa đặc trưng và là "thỏi nam châm" hút khách du lịch của nước này.

Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt với trên 10.000 ca mỗi ngày. Trước tình hình này, dự kiến trong ngày 28/10, Thủ tướng Angela Merkel sẽ chủ trì cuộc họp với 16 thống đốc bang nhằm thống nhất một kế hoạch phòng chống dịch ở quy mô quốc gia.

Trong khi đó, Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng Khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch Covid-19, cho biết, nước này đối diện với nguy cơ số ca mắc mới mỗi ngày lên mức 100.000 - tăng gấp đôi so với con số thống kê chính thức. Pháp hiện đã vượt Argentina và Tây Ban Nha, trở thành nước có số ca mắc nhiều thứ 5 trên thế giới.

* Tại châu Á, sáng 27/10, Ủy ban Y tế quốc gia thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 16 ca mắc trong ngày 26/10, giảm so với con số 20 ca một ngày trước và không có thêm ca tử vong nào, nâng tổng cộng số ca nhiễm lên 85.826 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Hiện vẫn chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào liên quan ổ dịch Covid-19 không triệu chứng ở thành phố Kashgar ở khu vực Tân Cương ngoài 138 bệnh nhân được phát hiện trong 2 ngày qua.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới hằng ngày đã trở lại mức hơn 100 ca trong ngày 26/10. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 ở khu vực thủ đô Seoul đã tăng lên kể từ khi chính phủ nới lỏng các quy định giãn cách xã hội 2 tuần trước.

Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm lên 25.955 ca. Trong số các ca nhiễm mới trong nước có 20 ca tại Seoul.

Tại Ấn Độ, ngày 26/10 ghi nhận số ca mắc bệnh theo ngày thấp nhất trong hơn 3 tháng qua. Tuy nhiên, thủ đô New Delhi đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày gia tăng sau khi giảm mạnh kể từ giữa tháng 9.

Tại Đông Nam Á, theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 26/10, quốc gia đông dân nhất khu vực đã ghi nhận tổng cộng 392.934 ca mắc Covid-19, trong đó có 13.411 ca tử vong.

Báo Vientiane Times ngày 26/10 đưa tin, Lào sẽ áp dụng thủ tục nhập cảnh “nhanh” với Trung Quốc từ tuần tới, cho phép các công dân Trung Quốc qua lại biên giới dễ dàng hơn với thời gian cách ly ngắn hơn.

Trong khi đó, Malaysia đã quyết định kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa một phần thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận (cho đến ngày 9/11) trong bối cảnh nước này cùng ngày ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát (1.240 ca). Đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 27.805 ca mắc Covid-19, trong đó có 236 ca tử vong sau khi có thêm 7 ca tử vong mới.

Myanmar đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập, cũng như dỡ bỏ sắc lệnh buộc người dân phải ở trong nhà để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới. Theo đó, các cuộc tụ tập từ 30 người trở lên sẽ được phép tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Cho đến nay, Myanmar ghi nhận tổng cộng 44.774 ca mắc Covid-19 và 1.095 ca tử vong.

Tại Iran, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất Trung Đông, các bệnh viện địa phương đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh dịch bệnh làm khoảng 300 người tử vong mỗi ngày.

Theo Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi, dịch bệnh có thể cướp đi sinh mạng của 600 người/ngày nếu người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Tính đến hết ngày 25/10, Iran ghi nhận tổng cộng 574.856 ca mắc Covid-19 trong đó có 32.953 ca tử vong.

* Trong tuyên bố ngày 26/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận, sau nhiều tháng ứng phó với dịch Covid-19, nỗ lực phòng chống dịch bệnh bước vào giai đoạn mệt mỏi, nhưng ông hối thúc các nước không được từ bỏ những nỗ lực.

Theo ông Tedros, lãnh đạo các nước cần có hành động nhanh chóng để tiêu diệt virus cũng như ổn định cuộc sống và kế sinh nhai của người dân.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan khẩn cấp của WHO, Micheal Ryan đánh giá, châu Âu đang là tâm dịch Covid-19 khi số ca nhập viện điều trị tăng nhanh và đang dần khiến các trung tấm y tế và chăm sóc sức khỏe quá tải.

* Liên quan thuốc điều trị Covid-19, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mới đây thông báo, Viện Nghiên cứu Khoa học Venezuela (IVIC) đã phát hiện một phân tử mang tên DR-10 có khả năng tiêu diệt 100% virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong ống nghiệm mà không có bất kỳ loại độc tính nào gây ảnh hưởng tới các phân tử khỏe mạnh để tạo ra các phản ứng phụ tiêu cực.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cho biết, nước này sẽ xây dựng lộ trình để xác nhận công trình nghiên cứu của IVIC thông qua WHO. Một khi nghiên cứu này được WHO cấp phép, phía Venezuela sẽ tiến hành liên kết với một số đối tác nước ngoài để bào chế và sản xuất đại trà thuốc chữa bệnh Covid-19.

Liên quan đến công trình này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Venezuela Gabriela Jimenez chia sẻ, các nghiên cứu bắt nguồn từ một loài thực vật có hoạt tính y học được chuyển giao cho IVIC để tiến hành các bước nghiên cứu hóa học về các đặc tính của loại cây này.

(tổng hợp)