Hiện còn 17.366.376 ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực chiếm 0,6%.
* Châu Âu ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới với gần 16,5 triệu ca, trong đó có 376.498 bệnh nhân tử vong.
Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 225.067 ca nhiễm, trong đó Italy ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất (29.003 ca), tiếp sau là Nga (25.487 ca), Đức (21.576 ca) và Anh (17.555 ca).
Ngày 26/11, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, nước này phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn trong đại dịch Covid-19, song những hành động được đưa ra nhằm làm chậm tốc độ lây lan đại dịch đã giúp ngăn dịch vụ y tế của Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) rơi vào tình trạng quá tải.
Thủ tướng Anh hy vọng, trước mùa Xuân 2021, công tác xét nghiệm cộng đồng kết hợp với tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp chấm dứt giai đoạn hạn chế hiện nay.
* Khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 122.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên 15,44 triệu ca.
Trong 24 giờ qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 108.063 ca nhiễm mới, trong đó có 1.306 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt gần 13,25 triệu và 269.555 ca.
Theo công cụ truy vết Covid-19, số bệnh nhân tại Mỹ phải nhập viện điều trị trong 24 giờ qua đã lên tới gần 90.000 người, mức cao nhất trong 16 ngày tăng liên tiếp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự báo, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong 4 tuần tới, dự báo vào khoảng 10.600 ca đến 21.000 ca trong tuần kết thúc ngày 19/12. Đặc biệt, các trung tâm điều dưỡng dài hạn ở Mỹ đã ghi nhận thêm khoảng 3.000 ca tử vong trong 1 tuần.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tới các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn điều trị Covid-19 trên toàn nước Mỹ tăng 50% (khoảng 46.153 ca) trong 1 tuần qua.
* Khu vực Nam Mỹ ghi nhận thêm 61.538 ca nhiễm, trong đó có 1.288 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 10.926.099, trong đó có 321.720 người không qua khỏi.
Riêng Brazil chiếm gần 60% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 6,20 triệu ca, chiếm khoảng 57% tổng số ca nhiễm của toàn khu vực.
Mặc dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro luôn tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch mặc dù từng bị mắc Covid-19 hồi tháng 7 vừa qua, đồng thời bày tỏ hoài nghi đối với các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
Ngày 26/11, ông Bolsonaro tuyên bố, ông sẽ không tiêm vaccine ngừa Covid-19 và khẳng định đó là "quyền của tôi". Trong các tuyên bố được phát trực tiếp trên nhiều mạng truyền thông xã hội, nhà lãnh đạo cánh hữu này cũng nói thêm rằng Quốc hội không thể yêu cầu người dân Brazil phải sử dụng một loại vaccine.
* Tại châu Á, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 109.964 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên hơn 16,23 triệu ca. Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với hơn 9,30 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao (42.054 ca).
Ngày 27/11, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA) thông báo quyết định hủy sự kiện chào mừng năm mới ở Hoàng cung. Đây là lần đầu tiên sự kiện này bị hủy bỏ kể từ năm 1990 khi Nhật Bản để tang Nhật hoàng Hirohito, ông nội của Nhật hoàng Naruhito.
Quyết định trên được đưa ra khi IHA lo ngại rằng, sự kiện này có thể sẽ thu hút hàng nghìn người tới một khu vực có không gian hạn chế, trong đó có nhiều người già - đối tượng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn so với những người khác, cùng với một số lý do khác.
Nhật Bản đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong những ngày qua. Trong ngày 26/11, Nhật Bản ghi nhận 1.861 bệnh nhân mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên 137.261 ca, trong đó có 2.022 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản cho biết, "có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp" ở những khu vực mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh nếu nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ nâng mức cảnh báo về dịch bệnh ở các khu vực này lên mức cao nhất.
* Châu Phi đến nay ghi nhận tới hơn 2,13 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó, Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất tại châu lục này với hơn 778.571 người mắc bệnh.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/11 cho biết, châu lục này chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 và cần phải nhanh chóng cải thiện khả năng này trong bối cảnh triển vọng sớm có vaccine ngày càng hiện hữu sau những thông báo đầy hứa hẹn gần đây từ một số nhà sản xuất.
Theo đánh giá của WHO, mức độ sẵn sàng của châu Phi hiện chỉ vào khoảng 33%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 80%. Tỷ lệ này được đưa ra dựa trên việc đánh giá cơ sở dữ liệu do 40 quốc gia châu Phi cung cấp.
Trước mắt, mục tiêu đặt ra là phải phải tiêm phòng cho 3% dân số châu Phi từ nay đến tháng 3/2021 và nâng lên thành 20% đến cuối năm sau.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 26/11, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan tuyên bố, việc cho ra đời một loạt vaccine sẽ cho phép thế giới kiểm soát được đáng kể dịch bệnh vào năm tới.
Phát biểu trên đài truyền hình RTE của Ireland, ông Ryan cho rằng, đây là một viễn cảnh khả thi nhưng với điều kiện người dân các nước vẫn phải tuân thủ triệt để việc giữ khoảng cách an toàn và vệ sinh sạch sẽ.
Theo ông Ryan, tiêm phòng vaccine không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn dịch bệnh Covid-19 mà chỉ là bổ sung thêm biện pháp phòng ngừa nhằm phá vỡ đường cong dịch bệnh, tránh phải tái áp dụng các lệnh phong tỏa và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Cùng ngày, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết, việc phân phối vaccine Covid-19 sẽ bắt đầu được tiến hành trong tuần tới và tuần kế tiếp và trước tiên sẽ được chuyển đến những nhân viên tuyến đầu, các nhân viên y tế và người cao tuổi.
Tại Nga, thị trưởng thủ đô Moscow Sergei Sobyanin cho hay, thành phố này không có kế hoạch phong tỏa và đã sẵn sàng cho việc tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa Covid-19 và đang chờ nguồn cung vaccine lớn
Trong khi đó, hãng Bloomberg News dẫn lời ông Pascal Soriot, Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca, cho biết, hãng có thể sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm bổ sung nhằm đánh giá lại về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 do hãng phát triển.