📞

Cập nhật Covid-19 ngày 27/3: WHO sắp 'tung' kết quả điều tra nguồn gốc dịch ở Vũ Hán; Pháp bị liệt vào 'chỉ số lây nhiễm cao'; EU tranh chấp vaccine

Quang Hiếu 11:40 | 27/03/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận khoảng 126,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 2,78 triệu ca tử vong và hơn 102,16 triệu bệnh nhân bình phục.
Cập nhật Covid-19 ngày 27/3: WHO sắp 'tung' kết quả điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán; Pháp bị liệt vào 'chỉ số lây nhiễm cao'; EU tranh chấp vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 561.142 ca tử vong trong tổng số 30.853.032 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 307.326 ca tử vong, trong số 12.407.323 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 161.275 ca tử vong, trong số 11.908.373 bệnh nhân.

* Tại châu Mỹ

Ngày 26/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến Peru có thêm 1,8 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm 2020, qua đó tỷ lệ nghèo đói tại quốc gia Nam Mỹ này vào năm ngoái đã lên tới 27,5% dân số, tăng gần 6% so với năm 2019.

IMF đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên đời sống xã hội của người dân Peru có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu chính phủ nước này không thể đưa ra các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những người thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

* Tại châu Á

Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong ngày 26/3. Không có ca tử vong hay nghi nhiễm nào được thông báo cùng ngày. Tính đến hết ngày 26/3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.159 ca nhiễm, trong đó 4.636 ca tử vong.

Hàn Quốc ngày 27/3 ghi nhận thêm 505 ca nhiễm mới, trong đó 490 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 101.275 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 19/2 vừa qua, làm tăng quan ngại về một làn sóng lây nhiễm vào mùa Xuân này khi người dân đi ra ngoài nhiều hơn trong bối cảnh thời tiết ấm áp. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 5 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.721 người.

Tại Ấn Độ, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một bệnh viện ở ngoại ô phía Đông thành phố Mumbai vào tối 26/3 đã khiến ít nhất 9 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 thiệt mạng.

Nhà chức trách cho biết hơn 70 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị tại đây đã được sơ tán sang cơ sở điều trị Covid-19 khác. Các hình ảnh được phát sóng trên truyền hình cho thấy khói bốc ra từ khu vực bệnh viện, trong khi lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tiến hành công tác dập lửa và tìm kiếm các bệnh nhân. Ít nhất 11 thi thể đã được đưa ra khỏi tòa nhà.

Một quan chức địa phương cho biết, hai trong số các nạn nhân có thể đã tử vong do Covid-19 trước khi vụ cháy xảy ra. Hiện lực lượng chức năng đang đợi xác định thông tin.

* Tại châu Âu, do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến ở Pháp, ngày 26/3, Chính phủ liên bang Đức đã phải coi quốc gia láng giềng này là Khu vực có chỉ số lây nhiễm cao, bắt buộc mọi trường hợp từ Pháp nhập cảnh Đức phải có kết quả âm tính với Covid-19.

Trong khi đó, Berlin (Đức) đã đưa bang Tirol (Áo) cũng như CH Czech và Slovakia ra khỏi danh sách các Khu vực biến thể bùng phát, đồng nghĩa với việc phần lớn các hạn chế với người nhập cảnh Đức từ những nơi này sẽ được dỡ bỏ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 26/3 khẳng định, châu Âu sẽ không chấp nhận rơi vào "một kiểu ép buộc" của Anh về việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên đài France Info, ông Le Drian nhấn mạnh sự cần thiết "đạt được mối quan hệ hợp tác với Anh để AstraZeneca thực hiện các cam kết đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và tất cả đều có được những gì mình cần".

Tuy nhiên, châu Âu không thể trả giá cho "một kiểu ép buộc”, tiêm liều đầu tiên với hết công suất và sau đó thiếu vaccine cho liều thứ hai. Ông Le Drian cho biết, Anh đã vượt xa châu Âu về tỷ lệ tiêm chủng bằng cách tập trung vào liều đầu tiên, trong khi châu Âu đang tiêm cả hai liều theo đúng thời gian khuyến cáo.

Các nước thuộc EU cho biết, không nhận đủ nguồn cung mà nhà sản xuất AstraZeneca hứa hẹn, đồng thời cáo buộc Anh đã nhận được nhiều hơn phần dành cho họ. Trong khi đó, Anh không tin vào việc áp đặt các lệnh phong tỏa vaccine và cho rằng, EU phải cho phép các hợp đồng vaccine được thực hiện.

* Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 26/3 cho biết, Ethiopia đã ghi nhận số ca nhiễm mới hàng tuần cao nhất ở châu Phi với 11.898 ca. Đây là tuần thứ hai liên tiếp quốc gia Đông Phi này ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới hằng tuần cao nhất tại châu lục này. Trong tuần trước đó, Ethiopia đã ghi nhận 9.329 ca mắc mới, cũng là con số cao nhất trong cùng thời điểm ở châu Phi. Theo số liệu từ Bộ Y tế Ethiopia, số ca nhiễm mới cao kỷ lục này đã nâng tổng số ca bệnh ở Ethiopia lên 194.524 ca, tính đến sáng 26/3.

Hiện Ethiopia xếp thứ 5 trong số 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca bệnh cao nhất châu lục, xếp sau các nước gồm Nam Phi, Morocco, Tunisia và Ai Cập. Theo CDC châu Phi, tính đến sáng ngày 26/3, toàn châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 4.154.938 người mắc Covid-19 và 111.318 ca tử vong. Trong đó, khu vực Nam Phi là nơi có số ca mắc cũng như số ca tử vong cao nhất châu lục, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.

* Theo ông Peter Ben Embarek, điều tra viên đứng đầu nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện chuyến thăm tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc nhằm nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhóm chuyên gia WHO dự kiến công bố báo cáo về chuyến thăm này trong những ngày tới.

Ông Ben Embarek nêu rõ: "Hiện nội dung báo cáo đã hoàn tất, thẳng thắn mà nói, tôi dự kiến rằng trong những ngày tới, toàn bộ quá trình sẽ được hoàn tất và chúng tôi có thể công bố báo cáo". Trước đó, ông Ben Embarek từng nói rằng, báo cáo sẽ được công bố trong khoảng từ 14-15/3.

* Về vấn đề phát triển vaccine ngừa Covid-19, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng vaccine của công ty BioNTech sản xuất tại nhà máy mới ở thành phố Marburg, thuộc bang Hessen của Đức, nơi dự kiến có khả năng sản xuất tới 250 triệu liều vaccine cho tới giữa năm nay.

Khi toàn bộ nhà máy được hoàn thiện, năng lực sản xuất mỗi năm sẽ lên tới 1 tỷ liều và đây là một trong số cơ sở sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA lớn nhất thế giới. Dự kiến, trong vài ngày tới, vaccine của hãng BioNTech tại nhà máy Marburg sẽ được vận chuyển tới Bỉ để đóng hộp.

(tổng hợp)