Tình hình dịch
Đợt dịch lần thứ tư đang bùng phát trở lại tại nhiều nước trên thế giới, với số ca mắc theo ngày tăng nhanh so với thời điểm một tháng trước. Biến thể Delta với tốc độ siêu lây nhiễm, phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ được xem là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát lần này.
* Tại các khu vực, châu Á hiện là nơi có số ca nhiễm virus cao nhất thế giới, với 62.280.968 mắc và 900.686 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 252.758 ca mắc mới và 3.963 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực có số ca mắc cao thứ hai thế giới, với 51.584.667 trường hợp, nhưng lại là khu vực đứng đầu thế giới về số ca tử vong với 1.134.188 ca. Nga là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất với 6.288.677 ca, trong đó có 159.352 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 22.804 ca mắc và 789 ca tử vong.
Tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 42.627.741 ca mắc và 941.060 ca tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 35.768.924 ca mắc và 629.380 ca tử vong. Hiện tốc độ tiêm chủng đang chậm lại khiến số người mắc mới có chiều hướng tăng trở lại, với 21.768 ca trong 24 giờ qua.
* Đông Nam Á đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó Indonesia là quốc gia có số ca mắc cao nhất.
Mặc dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Indonesia đã giảm trong 24 giờ qua, nhưng vẫn đứng đầu khu vực, với 30.738 ca mắc, trong đó có 1.604 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này lên 3.440.396, trong đó 95.723 người không qua khỏi.
Malaysia là có số ca mắc theo ngày cao thứ hai với 17.150 và 160 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm căn bệnh nguy hiểm này lên 1.130.422, trong đó 9.184 ca tử vong.
Philippines cũng ghi nhận tới 8.735 ca mắc và 127 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đến nay, nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 lần lượt là 1.597.689 và 28.016 ca không qua khỏi.
* Tại Ấn Độ, tờ Hindustand Times trích báo cáo của hai nhà nghiên cứu Mathukumalli Vidyasagar và Manindra Agrawal thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) cho rằng, nước này có nguy cư đối mặt với sự gia tăng ca mắc Covid-19 ngay trong tháng 8, dẫn đến làn sóng dịch bệnh thứ ba và có thể đạt đỉnh vào tháng 10.
Tuy nhiên, cũng theo tính toán của các nhà khoa học Ấn Độ, làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 khó có thể ảnh hưởng lớn như làn sóng thứ hai, giai đoạn quốc gia Nam Á này báo cáo hơn 400.000 trường hợp nhiễm mới/ngày.
Các chuyên gia Ấn Độ cũng cảnh báo, biến thể Delta lây lan dễ dàng như bệnh thủy đậu và có thể truyền nhiễm cho người đã tiêm phòng. Theo dữ liệu phân tích gene từ Hiệp hội bộ gene Ấn Độ (INSACOG), gần 8/10 trường hợp mắc bệnh Covid-19 vào tháng 5, 6,7 là do biến thể Delta với khả năng lây nhiễm rất cao.
* Tại Hàn Quốc, ngày 2/8 ghi nhận thêm trường hợp tử vong của một bệnh nhân Covid-19 ở độ tuổi 20. Đây là ca tử vong thứ 2 ở các bệnh nhân trẻ (độ tuổi 20) trong tuần này và là ca tử vong thứ 5 trong năm 2021.
Dư luận Hàn Quốc hiện đang dấy lên các lo ngại rằng, số ca tử vong ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm chủng có thể tăng hơn trong những ngày tới, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư chủ yếu do biến thể Delta vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng ở độ tuổi dưới 40 cũng tăng lên 22,7%, gần gấp đôi so với 12,77% ghi nhận vào đầu tháng 7 vừa qua.
Số liệu của KDCA công bố cùng ngày cho thấy, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.219 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 1.150 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 201.002 người.
Tình hình tiêm chủng
Ngày 1/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo, chính phủ nước này quyết định tiêm mũi thứ ba với vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine của Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Campuchia đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh và 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh gồm Kandal, Koh Kong và Preah Sihanouk.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em là bước quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Ước tính, khoảng 2 triệu trẻ em ở Campuchia sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong chiến dịch lần này.
Campuchia cũng đang cân nhắc mở rộng đối tượng tiêm vaccine sang nhóm tuổi 10-11, tùy thuộc vào khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hãng sản xuất vaccine.
Tính đến ngày 31/7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và trong số này, hơn 4,7 triệu người đã hoàn thành đủ hai mũi tiêm.
* Chính phủ Anh đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 có thể bắt đầu giảm.
Theo Telegraph, chương trình dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.
Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn.
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 hiệu thuốc ở Anh tham gia chương trình tiêm vaccine tăng cường nhằm giúp giảm tải cho hệ thống y tế quốc gia (NHS), hiện phải tập trung cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác mà việc điều trị đã bị trì hoãn do dịch Covid-19.