📞

Cập nhật Covid-19 ngày 29/10: Kỷ lục hơn nửa triệu ca mới toàn cầu, số ca ở Mỹ cao khủng khiếp 6 ngày trước bầu cử, Ấn Độ vượt 8 triệu ca

Thế Việt 11:23 | 29/10/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu hiện có 44.749.782 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.179.079 trường hợp tử vong và 32.725.332 bệnh nhân bình phục.

* Tính riêng trong ngày 27/10, toàn thế giới ghi nhận thêm 504.419 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 7.104 ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp nhiễm mới Covid-19 được xác nhận chỉ trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.

3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 là Mỹ (9.120.751 ca nhiễm, trong đó có 233.130 ca tử vong), Ấn Độ (8.038.765 ca nhiễm, trong đó có 120.563 người thiệt mạng) và Brazil (5.469.755 ca nhiễm, trong đó có 158.468 bệnh nhân không qua khỏi).

Tại Mỹ, khi chỉ còn 6 ngày nữa đến ngày bầu cử 2020, số ca nhiễm Covid-19 lại tăng vọt lên mức cao kỷ lục 81.581. Đến nay, do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19, có hơn 74 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Ấn Độ, quốc gia chịu tác động mạnh thứ hai thế giới, vừa ghi nhận tổng số ca mắc vượt ngưỡng 8 triệu sau khi có thêm gần 50.000 ca mắc mới trong một ngày.

Ngoài ra, có 5 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 vượt ngưỡng 1 triệu là Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Argentina và Colombia.

* Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang diễn biến đặc biệt phức tạp với số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh chóng. WHO nêu rõ, trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới.

Cơ quan y tế của LHQ cho biết, số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước. Đến nay, châu Âu ghi nhận hơn 9,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 257.494 bệnh nhân tử vong.

Mặc dù vậy, WHO nhấn mạnh, tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp so với giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào mùa Xuân.

Tuy nhiên, WHO lưu ý, số bệnh nhân nhập viện do Covid-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính có khoảng 18% số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, trong đó, khoảng 7% số bệnh nhân cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.

Trong bối cảnh đó, chính phủ nhiều nước châu Âu buộc phải tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch bệnh dù có thể ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng kinh tế.

Tại Pháp, dù đã nỗ lực ưu tiên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ở cấp địa phương nhưng đến ngày 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 30/10 đến 1/12.

Pháp hiện ghi nhận trung bình 35.000-40.000 ca nhiễm mỗi ngày, nâng tổng số người mắc bệnh lên 1.235.132, trong đó có 35.785 bệnh nhân tử vong.

Tại Đức, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này.

Ngày 29/10, Đức ghi nhận 16.202 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục từ khi dịch bùng phát. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hiện Đức chỉ còn trống khoảng 25% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt.

Cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italy Walter Ricciardi cho biết, một số khu vực lãnh thổ, thành phố tại Italy hiện nay, tình trạng lây nhiễm đang diễn ra theo cấp số nhân và việc áp dụng các biện pháp như hiện nay không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm, đặc biệt là các khu vực mà virus đang lây lan mạnh nhất.

Cố vấn Ricciardi cho biết, tại Milan và Napoli, việc phong tỏa hai thành phố này là điều cần thiết. Các nhà hát, rạp chiếu phim cần phải đóng cửa do nguy cơ lây nhiễm tại hai thành phố này rất cao và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mang virus vào trong các không gian khép kín, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế Italy công bố, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 28/10 tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới 24.991 ca, trong đó có 205 người tử vong, 125 ca phải chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số ca phải chăm sóc đặc biệt lên 1.536 ca.

Vùng tâm dịch trước đây, Lombardia (thủ phủ là thành phố Milan) cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày 28/10 là 7.558 ca.

Nga ghi nhận thêm 16.202 ca nhiễm mới, trong đó có 346 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do Covid-19 cao nhất nước này trong vòng một ngày. Thủ đô Moscow đã quyết định gia hạn quy định làm việc tại nhà đối với các doanh nghiệp đến ngày 29/11 tới và các trường trung học cũng tiếp tục triển khai hình thức học trực tuyến đến ngày 8/11.

Ba Lan thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 18.820 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 299.049, trong đó có 4.849 ca tử vong (thêm 236 ca tử vong mới).

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải ứng phó với dịch Covid-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vaccine và cách ly.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất một loạt biện pháp mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch như các nước thành viên EU cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt.

EC cũng cảnh báo cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã quyết định dành 100 triệu Euro (118 triệu USD) để mua các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch Covid-19.

* Tại châu Á, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở nước này.

Báo cáo của nhóm chuyên gia này cho biết, số lượng các trường hợp mắc Covid-19 đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10. Tỷ lệ số người dương tính với virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân trên toàn quốc đã tăng từ mức 2,84 trong tuần từ 6-12/10 lên 2,95 trong tuần từ 13- 19/10 và 3,21 trong tuần từ 20 - 26/10.

Trong khi đó, hệ số lây truyền của một người nhiễm virus vẫn ở mức trên 1, cho thấy sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn quốc. Tính theo địa phương, cho đến ngày 11/10, hệ số này ở tỉnh Hokkaido là 1,9; Tokyo - 0,75; Aichi -1,04; Osaka - 1,39; Fukuoka - 0,96 và Okinawa -1,83.

Chỉ riêng ngày 28/10, Nhật Bản ghi nhận thêm 618 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Tokyo vượt ngưỡng 100.

Tại Hàn Quốc, do lo ngại dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh trở lại trong dịp lễ Halloween sắp tới, chính quyền thành phố Seoul bắt đầu tiến hành rà soát đặc biệt 153 cơ sở giải trí, như vũ trường, trên địa bàn thành phố từ ngày 28/10-3/11.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho biết, ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 26.146, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ca nhiễm trong cộng đồng tập trung chủ yếu ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, trong khi các ổ dịch quy mô nhỏ vẫn phát sinh rải rác ở các địa phương trên cả nước.

Ngày 28/10, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ghi nhận 47 ca mắc Covid-19, trong đó 23 ca lây nhiễm trong nước và 24 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 2 tháng qua tại Trung Quốc đại lục, kể từ ngày 9/8 ghi nhận 49 ca.

Theo NHC, các ca lây nhiễm trong nước đều là những ca không triệu chứng, phát hiện tại vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 85.915 ca mắc Covid-19 trong đó 4.634 ca tử vong.

Đông Nam Á, ngày 28/10, nội các Thái Lan đã nhất trí gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 11 ngằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc được ban bố từ tháng 3 và đây là lần thứ 7 sắc lệnh này được gia hạn. Hiện Thái Lan ghi nhận 3.759 ca nhiễm, hầu hết là các ca nhập cảnh. Số ca tử vong là 59 ca.

Trong khi đó, một số khu vực khác ở châu Á khác đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bộ Y tế Singapore thông báo sẽ cho phép thêm một số khách du lịch lựa chọn không cách ly ở các địa điểm tập trung mà có thể thực hiện cách ly tại một địa điểm lưu trú phù hợp nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định.

Indonesia công bố hệ thống đăng ký thị thực (visa) trực tuyến cho khách du lịch nước ngoài trong mùa dịch nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp. Theo đó, khách du lịch sẽ chỉ cần nộp đơn xin cấp visa và điền thông tin cần thiết trên trang web www.visa-online.imigrasi.go.id và đợi phản hồi qua email.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, từ tháng 11 tới, người dân của đặc khu này trở về từ Trung Quốc đại lục được miễn cách ly 14 ngày. Ngoài ra, sau khi cân nhắc nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế, chính quyền đặc khu này quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

(tổng hợp)