📞

Cập nhật Covid-19 ngày 30/10: Kỷ lục tiếp kỷ lục, toàn cầu ghi nhận con số 'đau đớn' hơn 1 triệu ca mới sau 2 ngày; EU như 'ngồi trên đống lửa'

Thế Việt 11:30 | 30/10/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu vượt ngưỡng 45 triệu ca nhiễm Covid-19, lên tới 45.320.581 trường hợp, trong đó có 1.186.223 người thiệt mạng và 32.992.305 bệnh nhân được điều trị khỏi.

Theo Worldometers, ngày 29/10 là ngày thứ 2 liên tiếp thế giới ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm mới kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tiếp tục là con số kỷ lục mới, 545.903 trường hợp.

* Về số ca nhiễm mới trong ngày, trong 24 giờ qua, Mỹ, Ấn Độ, Pháp là 3 nước ghi nhận số ca tăng cao nhất thế giới, lần lượt ở mức 91.530 (mức cao nhất trong 1 ngày tại Mỹ), 49.281 và 47.637.

Hiện tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ là hơn 9,20 triệu người - cao nhất thế giới, tiếp sau là Ấn Độ (hơn 8,08 triệu người) và Brazil (hơn 5,49 triệu người).

Diễn biến dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng hơn tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, nơi làn sóng dịch bệnh thứ hai đang bùng phát mạnh buộc chính phủ các nước chuẩn bị các kế hoạch phong tỏa mới để khống chế dịch bệnh.

* Tại Mỹ, có 41 bang thông báo trong tuần qua có thêm ít nhất 10% ca nhiễm, kéo theo số người cần nhập viện điều trị tăng vọt và số ca tử vong cũng tăng dần theo. Ngày 29/10, Mỹ ghi nhận 1.047 ca tử vong.

Sau một thời gian không còn là tâm dịch, bang New York và một số bang ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ giờ đây lại đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Thị trưởng New York cho biết số ca nhiễm mới tại thành phố lớn nhất nước Mỹ này trong 24 giờ qua đã tăng gấp đôi.

* Tại châu Âu, ngày 29/10 đã cí thêm 279.499 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.566 bệnh nhân tử vong. Đến nay, châu Âu ghi nhận hơn 9,4 triệu ca nhiễm với 260.066 bệnh nhân không qua khỏi.

Ngoài điểm nóng dịch bệnh là Pháp, hiện nay, Italy, Anh và Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày dao động từ 20.000 đến 27.000 ca, trong khi Đức và Nga có 17.000-18.000 ca nhiễm mới.

Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Điều này đồng nghĩa chính quyền 17 vùng của Tây Ban Nha có thể áp đặt các biện pháp hạn chế người dân di lại, ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm và đóng cửa biên giới.

Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte đã kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc nhằm chặn đà gia tăng đột ngột số ca mắc mới Covid-19 những ngày qua, trong khi nhiều người dân lại xuống đường biểu tình để phản đối các biện pháp hạn chế mới.

Theo Ủy viên đặc biệt về Covid-19 của Italy Domenico Arcuri, số ca mắc mới đã tăng gấp 8 lần so với 21 ngày trước và chỉ số lây lan dịch bệnh (RT) đã tăng gấp đôi qua mỗi tuần. Ông Arcuri khuyến cáo người dân Italy hạn chế đi lại tối đa để kéo thẳng đường cong lây nhiễm dịch bệnh.

Thống kê cho thấy, Italy tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng kỷ lục trong ngày 29/10 với 26.831 trường hợp. Chỉ số RT đã vượt quá 1,5, ngưỡng xác định kịch bản 4 - kịch bản nghiêm trọng nhất theo dự báo của Viện Y tế cấp cao Italy (ISS). Đây là kịch bản lây nhiễm không thể kiểm soát và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống y tế quốc gia trong ngắn hạn.

Từ ngày 30/10, người dân Pháp không được phép tự do ra khỏi nhà. Các quán rượu và nhà hàng cũng buộc phải đóng cửa ít nhất đến tháng 12. Hoạt động đi lại giữa các địa phương trong nước cũng bị hạn chế.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định phong tỏa một phần từ ngày 2/11, theo đó các địa điểm giải trí tập trung đông người như nhà hàng, quán rượu, rạp chiếu phim... tạm ngừng hoạt động, nhưng người dân không bị hạn chế về đi lại.

Ngày 29/10, Thủ tướng Merkel kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không nên đóng cửa biên giới, cho dù số ca mắc mới Covid-19 vẫn đang gia tăng từng ngày, đồng thời cho rằng, các nước cần đoàn kết và phối hợp cùng nhau chống dịch bệnh nguy hiểm này, nhất là trong bối cảnh dịch đang gia tăng ở mức đáng lo ngại.

Cùng quan điểm, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, không thể chấp nhận việc đóng cửa biên giới giữa các quốc gia thành viên EU trong bối cảnh diễn ra làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.

* Tại châu Á, toàn khu vực trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 93.503 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên gần 13,5 triệu ca.

* Tại Nam Mỹ, ngoài điểm nóng là Brazil, trong 24 giờ qua, Argentina và Colombia ghi nhận số ca nhiễm từ 11.000 đến 13.000 ca nhiễm mới. Tổng số ca mắc Covid-19 tại khu vực này đã lên tới hơn 9,58 triệu ca.

Riêng tại Brazil ghi nhận 5,49 triệu ca nhiễm Covid-19. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một nhân vật chỉ trích các biện pháp cách ly tại nhà để đẩy lùi đại dịch cho rằng, thật "điên rồ" nếu các nước bắt đầu áp đặt lại tình trạng phong tỏa để kiểm soát các làn sóng lây nhiễm thứ hai.

* Liên quan vaccine Covid-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng bán các quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ chế tạo vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 và sản xuất tại các cơ sở sản xuất của các đối tác nước ngoài.

Theo nhà lãnh đạo Nga, vấn đề chính hiện nay là đảm bảo khối lượng vaccine sản xuất qui mô công nghiệp theo nhu cầu, do vẫn còn thiếu các thiết bị cần thiết để sản xuất hàng loạt.

Tổng thống Putin cũng cho biết, Nga sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về vaccine ngừa Covid-19 trong lĩnh vực khoa học với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cảm ơn các viện nghiên cứu Gamaleya và Vector đã phát triển các vaccine hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông Putin cho hay, nước này dự kiến tiêm chủng đại trà vào cuối năm nay.

(tổng hợp)