Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 273.072 ca tử vong, trong tổng số 13.750.404 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 137.177 ca tử vong trong số 9.432.075 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 172.848 ca tử vong trong số 6.314.740 bệnh nhân.
Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó, cứ 100.000 người dân thì có 142 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru với tỷ lệ 109 người, Tây Ban Nha - 96 người và Italy - 90 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 17,08 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 389.885 ca tử vong. Châu Á có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới với hơn 16,64 triệu ca, trong đó có hơn 290.000 ca tử vong.
Các nước Bắc Mỹ ghi nhận 16.020.531 ca nhiễm với hơn 407.500 ca tử vong, trong khi đó, Nam Mỹ có hơn 324.500 ca tử vong trong tổng số hơn 11,1 triệu ca nhiễm.
Châu Phi hiện ghi nhận tổng cộng 2.176.698 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 51.813 ca tử vong. Châu Đại Dương có gần 44.800 người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 1.000 người thiệt mạng.
* Các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về số trường hợp mắc bệnh theo thứ tự gồm Nam Phi, Morocco, Ai Cập, Ethiopia…
Theo đó, Nam Phi là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Phi, với 785.139 trường hợp và 21.439 ca tử vong.
Morocco là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ 2 với 349.688 trường hợp mắc bệnh và 5.739 ca tử vong. Tiếp theo là Ai Cập với 115.183 trường hợp mắc bệnh và 6.621 ca tử vong.
Hiện nhiều nước châu Phi đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch bệnh mới. Trong đó, Morocco là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm bệnh mới hàng ngày cao nhất châu lục. Cụ thể, ngày 29/11, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhân 4.115 ca mắc Covid-19 mới và 50 ca tử vong, tiếp theo là Libya (1.157 trường hợp và 13 ca tử vong), Algeria (1.009 trường hợp và 17 ca tử vong), Kenya (711 trường hợp và 7 ca tử vong), Ethiopia (604 trường hợp và 5 ca tử vong)…
* Tại Campuchia, tối 29/11, Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao ra thông báo đóng cửa toàn bộ các cơ sở giáo dục tư thục các cấp trên toàn quốc trong vòng 2 tuần để phòng ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Campuchia phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên hôm 28/11 vừa qua. Cho đến ngày 30/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận đã có 317 ca lây nhiễm Covid-19, trong đó 301 ca đã bình phục và không có trường hợp tử vong.
* Cộng hòa Czech sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 3/12 do tỷ lệ lây nhiễm gần đây giảm đáng kể. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày tại Czech đã giảm xuống dưới 5.000 trong 6 ngày qua, trong đó ngày 28/11 có 2.667 trường hợp.
Chính phủ Czech cũng quyết định hạ mức độ rủi ro từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 theo hệ thống cảnh báo mức độ rủi ro của dịch Covid-19 trên toàn quốc gồm 5 cấp độ (PES). Các biện pháp nới lỏng sẽ có hiệu lực qua dịp Lễ Giáng sinh.
Tuy nhiên, chính phủ Czech khó có thể nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế trước cuối năm 2020 và sẽ tiếp tục đề xuất Hạ viện gia hạn tình trạng khẩn cấp sau khi hết hiệu lực vào ngày 12/12. Đến nay, CH. Czech có hơn 519.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 442.000 trường hợp khỏi bệnh và hơn 8.100 ca tử vong.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Anh có thể sẽ trở thành nước phương Tây đầu tiên cho phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi cơ quan kiểm định độc lập của nước này cấp phép tiêm vaccine trong vài ngày tới.
Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine của BioNTech và Pfizer, mỗi liều gồm 2 lần tiêm. Dữ liệu sơ bộ ban đầu cho biết, vaccine này có hiệu quả tới hơn 95% trong việc phòng Covid-19.
Hiện Chính phủ Anh cũng đang yêu cầu Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) xem xét để có thể tiến hành cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp sản xuất.
Đây là loại vaccine vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm sau cùng và được đánh giá đạt hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 lên tới 90%. Hiện Anh có hợp đồng mua 100 triệu liều vaccine của hãng liên doanh dược phẩm Anh-Thụy Điển này.
Tại Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học quốc gia Vector của Nga Rinat Maksyutov cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 do trung tâm này phát triển có tên EpiVacCorona có thể bắt đầu thực hiện với người trẻ trong độ tuổi từ 14-17 tuổi vào tháng 12 tới.
EpiVacCorona là vaccine dựa trên kháng nguyên đã được Chính phủ Nga cấp phép ngày 13/10 và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Những người tham gia thử nghiệm gồm một nhóm 150 tình nguyện viên trên 60 tuổi.
Tại Mỹ, Giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về bệnh truyền nhiễm và dị ứng (UNIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, vaccine ngừa Covid-19 sẽ sẵn sàng được sử dụng đối với “những người được ưu tiên cao hơn” tại Mỹ vào giữa tháng 12/2020.
Theo ông Fauci, việc phát triển vaccine ngừa Covid-19 được thực hiện dưới sự giám sát của các nhà khoa học và sự an toàn cũng như tính khoa học của tiến trình này "là điều không cần phải bàn".
Bình luận về những tác dụng phụ có thể xảy ra, ông Fauci viện dẫn lịch sử tiêm chủng và cho biết, việc tiêm chủng thường kéo theo cơn đau ở cánh tay hoặc sốt, đồng thời lưu ý, không có tác dụng phụ kéo dài. Ông Fauci cũng cho biết thêm, các cơ chế đặc biệt để theo dõi bệnh nhân đã được tăng cường.