Trong ngày 30/12, toàn cầu ghi nhận 719.174 ca nhiễm Covid-19 mới, là lần thứ 4 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày trên 700.000.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ, với số ca nhiễm đã vượt 20 triệu, lên 20.216.991 trường hợp, trong đó có 350.778 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 234.550 ca nhiễm bệnh.
Các nguồn thạo tin tiết lộ, trong tuần tới, Chính phủ Mỹ sẽ có thể mở rộng những yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đối với khách nhập cảnh từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, ngoài nước Anh.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 167 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 127 người và Bosnia-Herzegovina với 123 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 23,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 538.000 ca tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với hơn 23,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 510.669 bệnh nhân không qua khỏi.
Châu Á hiện ghi nhận gần 20,6 triệu người mắc bệnh, trong đó có hơn 336.000 ca tử vong; Nam Mỹ có hơn 13,1 triệu ca nhiễm, 361.101 ca tử vong; châu Phi có hơn 64.200 ca tử vong trong tổng số 2.743.620 ca nhiễm, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 1.059 người.
* Tại châu Âu, ngày 30/12, Bộ Y tế Pháp ghi nhận 26.457 ca mắc mới Covid-19, cao hơn rất nhiều so với hôm 29/12 (11.395 trường hợp) và thể hiện mức độ gia tăng nghiêm trọng nhất kể từ ngày 18/11.
Đến nay, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 2.600.498 ca Covid-19 (cao thứ 5 thế giới), trong đó có 64.381 người tử vong.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal xác nhận, nước này không dự định áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ để ngăn chặn đại dịch Covid-19 căn cứ vào tốc độ lây lan hiện tại.
Chính phủ Ba Lan cũng đã bắt đầu áp dụng hạn chế các hoạt động đêm Giao thừa trong một nỗ lực nhằm tránh sự lây lan của bệnh Covid-19.
Bắt đầu từ ngày 28/12, các hạn chế mới về chống Covid-19 đã được áp dụng trong khoảng thời gian 3 tuần trên toàn quốc, sau ghi nhận đã có tổng số 1.281.414 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.025.889 ca đã hồi phục (tăng 11,884), hơn 28.000 ca tử vong.
Ngày 30/12, Lithuania đã áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên phạm vi toàn quốc nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19. Cảnh sát và quân đội của Lithuania tiến hành hoạt động tuần tra trên các đường phố để thực thi lệnh cấm này.
Cùng ngày, Lithuania đã ghi nhận 1.367 ca mắc mới Covid-19, nhiều nhất từ trước đến nay. Đến nay, quốc gia Baltic này đã xác nhận tổng cộng 39.043 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó có 626 người tử vong.
* Tại châu Á, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi, người phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 của chính phủ đã đăng bài viết trên Twitter nhấn mạnh, Nhật Bản có thể cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp nếu Covid-19 tiếp tục lây lan.
Theo ông Yasutoshi, cần phải cân nhắc hành động như vậy để bảo vệ cuộc sống của người dân và cần phải chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh bằng mọi giá. Ngoài ra, Bộ trưởng Nishimura cũng nhắc lại lời kêu gọi người dân ở nhà với gia đình trong kỳ nghỉ cuối năm và năm mới.
Hôm 30/12, Nhật Bản đã phát hiện thêm 3.852 người nhiễm Covid-19, đây là mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bùng phát ở Nhật Bản và ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 3.000 ca/ngày.
Bên cạnh đó, Nhật Bản có thêm 59 người tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh nguy hiểm này lên 3.456. Hiện tại, số bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch là 668, cao thứ 2 từ trước tới nay và chỉ thấp hơn 7 ca so với con số kỷ lục được ghi nhận một ngày trước đó.
Ngày 30/12, Bộ Ngoại giao Myanmar đã quyết định gia hạn các quy định hạn chế nhập cảnh tạm thời đối với mọi du khách đến cuối tháng 1/2021 để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Quyết định này cũng sẽ được áp dụng đối với việc tạm ngừng hoạt động của mọi hình thức dịch vụ thị thực và miễn thị thực.
Tính đến ngày 30/12, Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 123.470 ca Covid-19, trong đó có 2.664 trường hợp tử vong.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 30/12, chính phủ Argentina tuyên bố, nước này đã trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Anh, cấp phép lưu hành vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển.
Theo cơ quan quản lý dược phẩm Argentina, quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký thỏa thuận sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca/Oxford.
Cùng ngày, hãng dược phẩm Pfizer Inc thông báo đã thảo luận với Anvisa - cơ quan quản lý y tế của Brazil về cách thức đẩy nhanh tiến trình cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19.
Pfizer cho hay, dựa trên những cuộc đàm phán hiện nay với Chính phủ Brazil và cuộc gặp được lên kế hoạch với Anvisa, hãng dược phẩm này sẽ cân nhắc khả năng đăng ký vaccine ngừa Covid-19 cho mục đích sử dụng khẩn cấp.
Tại Trung Quốc, một quan chức của Ủy ban sản phẩm y tế Quốc gia cho biết, nước này đã phê duyệt có điều kiện cho việc sử dụng đại trà vaccine ngừa Covid-19 do Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) phát triển.
Sự chấp thuận này là lần đầu tiên cho việc sử dụng đại trà một trong các loại vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng của Trung Quốc trong các giai đoạn phát triển khác nhau.
Trong khi đó, cũng trong ngày 30/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia bảo đảm vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 được cung cấp cho tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng ở những nước giàu có.
Người đứng đầu WHO cho rằng, cần 4 tỷ USD để mua vaccine Covid-19 và phân phối cho các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX - một chương trình do WHO khởi xướng.
Trong một thông điệp trực tuyến, Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho rằng, đây là thách thức mà thế giới phải giải quyết hiệu quả trong Năm mới.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh: "Vaccine mang lại hy vọng lớn để đảo ngược đà lây lan của đại dịch. Nhưng để bảo vệ thế giới, chúng ta cần phải bảo đảm rằng, tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh ở mọi nơi - không chỉ ở những quốc gia có đủ khả năng mua vaccine - được tiêm phòng".