* Tại châu Mỹ, Giám đốc của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết, trong tháng 11, số ca mắc Covid-19 tại châu Mỹ đã tăng gần 30% so với một tháng trước đó, trong đó, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong một ngày.
Trong tháng 11, châu Mỹ đã ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc Covid-19 mới và tổng số ca mắc bệnh ở khu vực này đã lên tới 26,9 triệu người.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch Covid-19. Ngày 2/12, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt so với những ngày trước đó, thêm 203.407 trường hợp. Đây là ngày có số ca nhiễm cao thứ hai kể từ khi Mỹ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 3, sau kỷ lục được thiết lập hôm 20/10 (204.166 ca).
Đến nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 14.313.941 ca nhiễm, trong đó có 279.865 ca tử vong, tăng 2.831 ca.
Theo Covid Tracking Project, tổ chức tình nguyện theo dõi đại dịch Covid-19 ở Mỹ, số người phải điều trị bệnh dịch nguy hiểm này trong các bệnh viện đã lần đầu tiên chạm mốc 100.000 người trong ngày 2/12.
Trong một bài tweet, Covid Tracking Project cho biết: "Có 100.226 người đang được điều trị Covid-19 tại Mỹ - lần đầu tiên số người nằm viện do Covid-19 vượt quá 100.000 người".
Tại Canada, Covid-19 đang lây lan trong các cộng đồng bản địa ở các vùng xa xôi như người Yukon và Nunavut. Trong khi đó, ở khu vực Mỹ Latinh giới chức y tế vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Brazil khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng tại một số bang trong những tuần gần đây.
Brazil đứng thứ ba thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca nhiễm, với 6.436.650 ca mắc, trong đó có 174.531 ca tử vong.
Bà Etienne kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần phải có những hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát số ca lây nhiễm mới, xác định sớm và cách ly những người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng.
PAHO cũng nhấn mạnh, mặc dù thông tin về các loại vaccine ngừa Covid-19 đến nay là khá tích cực song chưa thể đáp ứng được ngay nhu cầu rộng rãi của người dân và vì vậy cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang khi ra đường và hạn chế các hoạt động tụ tập đông người.
* Tại châu Âu, mặc dù nhiều nước đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch, song số ca mắc Covid-19 và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nga là quốc gia đứng thứ tư thế giới, nhưng vẫn là nước đứng đầu châu Âu, với tổng số 2.347.401 ca nhiễm, trong đó có 41.053 ca tử vong. Đứng sau Nga là Pháp, với 53.816 ca tử vong trong tổng số 2.244.635 ca nhiễm bệnh.
Đức đứng thứ sáu tại châu Âu về số ca nhiễm, nhưng có số ca mắc Covid-19 mới theo ngày cao nhất châu lục, với 20.171, nâng tổng số ca mắc lên 1.105.832.
Trong khi đó, Anh là quốc gia có số ca tử vong tính theo ngày cao nhất tại châu Âu, với 648 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 59.699, trong tổng số ca mắc lên 1.659.256.
Nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm nhanh hiện nay, ngày 2/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo, chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần hiện nay đến ngày 10/1/2021.
Thủ tướng Merkel nhận định mặc dù đã buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa từng phần kể từ đầu tháng 11 vừa qua, song cho đến nay số ca nhiễm mới ở Đức vẫn ở mức cao, đặc biệt số ca tử vong tiếp tục tăng. Tỷ lệ lây nhiễm mới ở hầu hết các bang của Đức đều vượt ngưỡng 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày.
* Ấn Độ đứng thứ hai thế giới và đứng đầu khu vực châu Á, với 9.533.471 ca mắc, trong đó có 138.657 ca tử vong.
* Tại Australia, ngày 3/12, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới "trong một khoảng thời gian" nữa bất chấp việc đưa vaccine ngừa Covid-19 vào sử dụng đang có tiến triển.
Theo Thủ tướng Morrison, Australia sẽ đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài và những người tạm trú.
* Liên quan vaccnine ngừa Covid-19, Nga đang nỗ lực để tăng sản lượng vaccine trong nước và trên thế giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, hơn 100.000 người đã được tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và vaccine này đang được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn.
Trong ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ bắt đầu tiêm phòng hàng loạt vào cuối tuần tới. Theo ông Putin, Nga đã "hoặc sẽ sản xuất" hơn 2 triệu liều vaccine Sputnik V.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, chi phí cho một liều vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 đối với các nước có giá dưới 10 USD.
Tại Đức, Thủ tướng Merkel cho biết, nếu được cấp phép lưu hành, khoảng 70 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có thể sẽ được phân phối tại Đức vào đầu năm 2021.
Cùng ngày, chính phủ Mexico thông báo đã ký một thỏa thuận với hàng dược phẩm Pfizer của Mỹ để mua 34,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và sẽ tiếp nhận lô đầu tiên với 250 nghìn liều trong tháng 12 này, ưu tiên cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch.
Brazil cũng sẽ tiếp nhận khoảng 15 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do trường đại học Oxford và phòng thí nghiệm AstraZeneca nghiên cứu và bào chế từ đầu tháng 1 tới.
Dự kiến số lượng vaccine mà nước này sẽ nhận được trong quý I/2021 vào khoảng 100 triệu liều và với việc chuyển giao công nghệ vào quý II/2021 thì Quỹ Oswaldo Cruz ở Rio de Janeiro (Fiocruz) có thể sản xuất được thêm 160 triệu liều nữa.
Như vậy, đến cuối năm 2021 Brazil sẽ có ít nhất 260 triệu liều vaccine để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng đại trà, theo đó mỗi người dân sẽ phải tiêm chủng ít nhất hai mũi.