📞

Cập nhật Covid-19 ngày 3/7: Mỹ, Trung Quốc gửi hàng triệu liều vaccine tới các nước; kỷ lục ca tử vong ở Cuba; ‘vòi bạch tuộc’ của biến thể Delta

Chu An 11:58 | 03/07/2021
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 183,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 4 triệu ca tử vong và hơn 168,2 triệu bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.
Hai người ôm nhau bên những bông hoa hồng do tổ chức phi chính phủ Rio de Paz đặt trên bãi biển Copacabana, Rio de Janeiro, để tưởng nhớ nửa triệu người đã qua đời vì Covid-19 tại Brazil, ngày 20/6. (Nguồn: Getty)

* Tại châu Á, Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo có thêm 10 ca mắc mới Covid-19 mới trong ngày 2/7, nâng tổng số ca nhiễm lên 62.599 ca. Trong số những ca mắc mới có 3 ca lây nhiễm trong nước.

Tính đến ngày 1/7, Singapore đã tiêm tổng cộng 5.551.613 liều vaccine ngừa Covid-19 cho 3.426.468 người, trong đó hơn 2,12 triệu người đã được tiêm đủ liều.

Trong khi đó, ngày 2/7, Myanmar thông báo có thêm 1.863 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 161.210 người. Số ca tử vong vì Covid-19 cũng tăng lên 3.364 người sau khi nước này ghi nhận thêm 17 trường hợp không qua khỏi.

Bộ Y tế và thể thao nước này đã áp đặt lệnh ở nhà tại thêm 3 thị trấn thuộc các vùng Sagaing, Mandalay và bang Shan, nâng tổng số thị trấn áp dụng lệnh này lên 23.

* Tại châu Phi, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch Covid-19 đang tấn công Sierra Leone, Tổng thống nước này Julius Maada Bio đã công bố một loạt biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm toàn quốc và lệnh cấm tụ tập đông người.

Tỷ lệ lây nhiễm tại Sierra Leone - với 7,5 triệu dân, được cho là khá thấp so với các nước Tây Phi, khi chỉ ghi nhận 5.652 ca mắc, trong đó có 102 người tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đang tăng nhanh. Chỉ từ ngày 1/6 đến nay, nước này ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm.

Nam Phi cũng đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch bệnh Covid-19 với số ca mắc ngày càng tăng chóng mặt. Ngày 2/7, Nam Phi ghi nhận 24.270 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ trước tới nay.

Tính đến ngày 2/7, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 2.019.826 ca mắc Covid-19 trên toàn quốc. Cùng với số ca dương tính mới kỷ lục, cơ quan y tế cũng có báo cáo về 303 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số tử vong do Covid-19 cho đến nay là 61.332 người.

* Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp tại một số quốc gia với sự lây lan nhanh chóng của các biến thể mới. Ngày 2/7, giới chức y tế Bỉ đã thống nhất đưa ra danh sách những quốc gia mà du khách không được phép nhập cảnh vào Bỉ.

Theo đó, từ ngày 3/7, Bỉ sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với những du khách từ Indonesia và Nga, do số ca nhiễm Covid-19 tại hai nước này đang gia tăng. Tuy nhiên, Bỉ lại đưa Ấn Độ và Pakistan ra khỏi danh sách các quốc gia cấm nhập cảnh.

Trong khi đó, ngày 2/7, Bộ Y tế Đức cho biết chính quyền liên bang và các bang đã nhất trí thực hiện ngay lập tức khuyến nghị mới của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO). Theo đó, những người đã tiêm phòng mũi đầu tiên với vaccine của hãng Astrazeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai với vaccine công nghệ mRNA.

STIKO cho biết những người được tiêm cả hai loại vaccine khác nhau có sự đáp ứng miễn dịch "vượt trội rõ ràng" so với những người tiêm hai liều vaccine của Astrazeneca.

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn kêu gọi người dân Đức không nên bỏ qua mũi vaccine thứ hai, nhất là trong bối cảnh điều này đặc biệt quan trọng để ngăn chặn biến thể rất dễ lây nhiễm Delta.

* Tại châu Mỹ, cùng ngày 2/7, Brazil ghi nhận thêm 1.857 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 521.952 người - cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Bộ Y tế cũng cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 65.165 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.687.469 ca.

Hơn 101,1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên toàn quốc và hơn 26,5 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Bộ Y tế Chile cũng thông báo khoảng 70,52% dân số nước này, tương đương 10.719.253 người, đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19. Đây là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực đẩy nhanh tiêm phòng của Chile với mục tiêu sẽ có khoảng 80% dân số, tương đương gần 15 triệu người, được tiêm đủ liều vào giữa năm nay.

Tính đến nay, Chile đã ghi nhận tổng cộng 1.562.0613 ca mắc Covid-19, trong đó có 32.809 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Cuba khi trong ngày 2/7 ghi nhận số ca mắc và tử vong mới cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Cuba thông báo có thêm 3.308 ca mắc mới Covid-19 và 20 ca tử vong - đều là mức cao kỷ lục trong vòng một ngày. Hiện số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tại Cuba đã lần lượt lên tới 197.253 ca và 1.322 ca.

Tỉnh Matanzas tiếp tục là "tâm chấn" của đại dịch khi ghi nhận 916 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tỷ lệ mắc tại tỉnh này là 809,8/100.000 dân.

Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Angel Portal nhận định nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm cao và tỷ lệ mắc bệnh gia tăng trong 15 ngày qua là do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh, trong tuần này, chính phủ đã thông qua các biện pháp chống dịch mới, bao gồm việc tăng cường giám sát dịch tễ học và triển khai các biện pháp kiểm soát y tế quốc tế nghiêm ngặt hơn.

Cùng với đó, Bộ Y tế Cuba tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Đến nay, Cuba đã tiêm được 6,13 triệu liều vaccine nội địa là Abdala và Soberana-02.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng ở Argentina đã lập kỷ lục mới khi trong ngày 2/7, nước này đã tiêm 402.305 liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Kể từ ngày 28/6, đã có 1.358.446 liều vaccine được tiêm trên khắp cả nước.

Tới ngày 2/7, tổng cộng hơn 25 triệu liều đã được phân phối, với hơn 17,1 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và hơn 4,2 triệu người được tiêm đủ liều.

Tính tới ngày 1/7, Argentina đã ghi nhận tổng cộng 4.491.551 ca mắc Covid-19 và 94.772 ca tử vong. Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh đã được gia hạn đến ngày 9/7.

Liên quan đến vấn đề vaccine, ngày 2/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại El Salvador thông báo Bắc Kinh sẽ chuyển cho quốc gia Trung Mỹ 1,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của công ty Sinovac trong vài ngày tới.

Thông báo được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng cho biết sẽ gửi cho El Salvador 1,5 triệu liều vaccine của hãng Moderna trong ngày 4/7.

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã phản ứng bằng cách đăng tải lại dòng thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc trên Twittter và gắn kèm cờ Trung Quốc bên cạnh cờ El Salvador. Tuy nhiên, ông này chưa bình luận gì về thông báo của Mỹ.

* Trong cuộc điện đàm ngày 2/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã cam kết với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi về việc Washington viện trợ Jakarta 4 triệu liệu vaccine Moderna ngừa Covid-19 “trong thời gian sớm nhất”.

Một thông báo của Nhà Trắng cho biết lượng vaccine trên sẽ được Mỹ chuyển cho Indonesia thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Hai quan chức cũng thảo luận những kế hoạch của Mỹ tăng cường hỗ trợ đối với nỗ lực ứng phó tổng thể của Indonesia đối với dịch bệnh.

Indonesia vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech, nhưng Jakarta đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.

Ngày 2/7, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm của Indonenisa thông báo đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine của Moderna.

* Giới chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã đẩy thế giới vào một giai đoạn "rất nguy hiểm" của đại dịch.

Phát biểu với các phóng viên hôm 2/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, biến chủng Delta tiếp tục thích nghi và lây lan ra 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ông Tedros nói: "Tôi hối thúc lãnh đạo thế giới phối hợp với nhau để đảm bảo bằng giờ năm sau, 70% dân số các nước đều được tiêm vaccine. Đây là cách tốt nhất để ngăn đà lây lan của dịch, cứu sống con người, thúc đẩy đà phục hồi nền kinh tế, ngăn chặn các biến chủng mới nguy hiểm xuất hiện".

Người đứng đầu WHO cho biết, đến nay, khoảng 3 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được phân phối khắp thế giới. Tuy nhiên, theo ước tính của WHO, thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Kêu gọi các nước tiếp tục chia sẻ vaccine để cùng đẩy lùi đại dịch, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Từ giờ đến cuối tháng 9, tôi kêu gọi lãnh đạo các nước tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mình. Điều đó sẽ giúp bảo vệ đội ngũ y tế và những nhóm có nguy cơ cao nhất".

Các nhà khoa học tin rằng, chủng Delta phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao hơn 40% đến 60% so với các chủng khác của virus SARS-CoV-2. Virus liên tục đột biến, hầu hết các thay đổi đó không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng, một số biến chủng có thể trở nên dễ lây lan hơn hoặc thậm chí có độc lực cao hơn, dễ né kháng thể hơn do đó làm giảm hiệu quả của vaccine.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, các vaccine hiện thời trên thế giới vẫn có hiệu quả với các biến chủng của SARS-CoV-2, trong đó có cả Delta.

Các nhà nghiên cứu ở Anh đã cho thấy, hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, ngược lại, sẽ ít hiệu quả hơn với người mới tiêm một mũi.

(tổng hợp)