Cập nhật Covid-19 ngày 4/5: Biến thể mới từ Ấn Độ 'phủ sóng' ở ít nhất 17 quốc gia; Ecuador cấm xuất khẩu oxy y tế; Đức hủy lễ hội bia lớn nhất thế giới |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 591.514 ca tử vong trong tổng số 33.229.445 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 20.275.543 ca nhiễm và 222.383 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 14.791.434 ca nhiễm và 408.829 bệnh nhân không qua khỏi.
* Tại châu Mỹ, chính phủ Ecuador thông báo sẽ cấm xuất khẩu oxy y tế nhằm bảo đảm nhu cầu trong nước, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ gia tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Nhu cầu oxy y tế tại Ecuador đã tăng 100% trong tuần vừa qua. Nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, Ủy ban Quốc gia về hoạt động khẩn cấp (COE) và Cơ quan Kiểm soát và giám sát y tế quốc gia (Arcsa) sẽ ban hành quy định về mức giá trần cho sản phẩm oxy y tế.
Trong khi đó, ngày 3/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quốc gia này sẽ ở một “vị thế rất khác” vào cuối mùa Hè này khi đề cập số lượng người dân Mỹ được tiêm phòng Covid-19.
Ông Biden khẳng định chính quyền sẽ tiếp tục đảm bảo có sẵn các liều vaccine cho người dân, tăng số lượng vaccine ở trong nước, cũng như để có thể giúp đỡ các quốc gia khác.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chính quyền đã tăng tốc độ tiêm chủng và 56% người trưởng thành Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đang có xu hướng giảm và các cuộc thăm dò cho thấy một phần đáng kể người trưởng thành Mỹ không có kế hoạch đi tiêm phòng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết nước này sẽ bắt đầu nghiên cứu lâm sàng loại vaccine ngừa Covid-19 mang tên Abdala của Cuba và hy vọng sẽ sản xuất loại vaccine này ở trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho khoảng 4 triệu người.
* Tình hình dịch bệnh tại châu Âu diễn biến tích cực hơn khi số ca nhiễm mới toàn khu vực đã giảm 19% trong 1 tuần qua.
Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép nhập cảnh đối với những người đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa Covid-19 và người dân ở những nước có tình hình dịch bệnh suy giảm.
Tuy nhiên, EC kêu gọi các nước duy trì cảnh giác trước nguy cơ lây lan các biến thể của SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất đưa vào áp dụng "cơ chế dự phòng khẩn cấp" để hạn chế nguy cơ các biến thể mới có thể xâm nhập vào EU.
Dự kiện, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về đề xuất mới trong tuần này.
Lễ hội bia tháng 10 Oktoberfest - lễ hội bia lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên tại thành phố München của Đức tiếp tục bị hủy năm thứ 2 liên tiếp do tình hình đại dịch Covid-19. Tuyên bố này đã được Thủ hiến bang Bayern Markus Söder và Thị trưởng München Dieter Reiter đưa ra tại cuộc họp báo ngày 3/5.
Theo kế hoạch ban đầu, lễ hội bia năm nay dự định được tổ chức từ ngày 18/9 đến 3/10.
Trong khi các cuộc đàm phán ở cấp EU về chứng chỉ tiêm chủng Covid-19 chung tiếp tục diễn ra, Slovenia và Hungary đã quyết định thúc đẩy quan hệ song phương và cùng công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của hai nước.
* Tại Trung Đông
Ngày 3/5, Bộ Nội vụ Jordan thông báo nước này mở lại các cửa khẩu biên giới với Saudi Arabia và Syria sau 9 tháng đóng cửa do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Jordan vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt số lượng người được qua lại mỗi ngày và người đi qua cửa khẩu phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi phải làm một xét nghiệm bổ sung khi nhập cảnh Jordan.
Cùng ngày 3/5, Bộ Thông tin Kuwait thông báo những công dân nước này chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không được ra nước ngoài. Quy định có hiệu lực từ ngày 22/5.
Số ca mắc mới Covid-19 tại Kuwait đã gia tăng kể từ đầu năm nay và hiện dao động ở mức 1.300 đến 1.500 ca/ngày.
Đến nay, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng hơn 277.832 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.590 ca tử vong. Kuwait đã đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ sau khi tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á diễn biến phức tạp.
Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã công bố sắc lệnh gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại các vùng lãnh thổ Palestine. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố lần đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái sau khi phát hiện các trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 tại các vùng lãnh thổ Palestine và kể từ đó đã được gia hạn hoặc tái áp đặt mỗi tháng.
* Tại châu Á, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn trong 1 tuần qua, với tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca.
* Tại châu Phi, Tunisia vẫn là nước ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khu vực, với hơn 1.000 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại châu lục này cũng đã giảm 13% trong tuần trước. Hiện châu Phi ghi nhận tổng cộng 66.164 ca nhiễm.
Trong khi đó, biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan trên thế giới. Theo thông báo mới nhất của giới chức Algeria và Morocco, biến thể đã xuất hiện ở 2 nước này.
Đến nay, biến thể phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, làm dấy lên quan ngại trên toàn cầu và nhiều nước đã cấm nhập cảnh đối với những người từ Ấn Độ.
* Ngày 3/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ đưa ra đánh giá an toàn đối với vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga, dự kiến vào cuối tháng 6 hoặc vào tháng 7.