Canada có nguy cơ chứng kiến 15.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày vào đầu tháng 10 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn như hiện nay. (Nguồn: AA) |
* Tại châu Mỹ
Mỹ đứng đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19, với số ca nhiễm gần bằng 1/5 thế giới (hơn 40,7 triệu ca) và số ca tử vong tương đương gần 1/7 thế giới (hơn gần 665 nghìn ca).
Trong khi đó, Canada có nguy cơ chứng kiến 15.000 ca nhiễm mới/ngày vào đầu tháng 10 nếu tốc độ lây nhiễm vẫn như hiện nay.
Theo các số liệu thống kê, so với những người đã tiêm vaccine Covid-19, những người chưa tiêm có nguy cơ nhiễm bệnh cao gấp 12 lần và nhập viện cao gấp 36 lần nếu bị nhiễm virus.
Hiện nhiều khu vực của Canada đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 do sự lây lan nhanh của biến thể Delta.
Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Canada đã lên tới trên 1,5 triệu, trong đó hơn 27.000 người đã tử vong.
Trong khi đó, Cuba đã khởi động chiến dịch tiêm phòng quốc gia cho trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 18 nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trước thềm khai giảng năm học mới vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, các em vẫn sẽ học trực tuyến cho đến khi tất cả trẻ đủ điều kiện được tiêm phòng vaccine. Dự kiến, việc học trực tiếp tại trường sẽ được nối lại vào tháng 10.
* Tại châu Á
Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới. Số ca nhiễm tại nước này hiện là 32.944.691 ca, trong khi số ca tử vong đã lên tới 440.256 ca.
Tại Đông Nam Á, Indonesia có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới hơn 4,1 triệu ca, trong khi Philippines đứng thứ hai với hơn 2 triệu ca. Ở vị trí thứ ba khu vực là Malaysia với hơn 1,8 triệu ca nhiễm, theo sau là Thái Lan (1,2 triệu ca).
* Tại châu Âu
Nga và Anh bị ảnh hưởng nhất, hiện mỗi nước đều đã ghi nhận hơn 6,9 triệu ca nhiễm. Đây cũng là hai nước có số ca tử vong vì Covid-9 cao nhất châu lục, lần lượt là 185.611 ca và 133.000 ca.
Pháp đứng thứ ba với hơn 6,8 triệu ca nhiễm và 114.773 ca tử vong. Tây Ban Nha và Italy đã có hơn 4,5 triệu ca nhiễm trong khi con số này của Đức là hơn 3,99 triệu ca.
Các nước tiếp theo trong top 10 nước bị ảnh hưởng nhất còn có Ba Lan (2,8 triệu ca), Ukraine (2,2 triệu ca), Hà Lan và Czech đều đã hơn 1,6 triệu ca nhiễm.
Tại Anh, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) khuyến nghị chỉ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 nếu các em có vấn đề về sức khỏe và hiện "chưa đủ bằng chứng" để thực hiện tiêm đại trà cho nhóm tuổi này.
Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch phụ trách tiêm vaccine Covid-19 của JCVI cho biết, Ủy ban này đang thực hiện "một cách tiếp cận thận trọng và sẽ tiếp tục xem xét dữ liệu về an toàn của vaccine".
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết đã yêu cầu Giám đốc Y tế của 4 vùng xem xét việc tiêm chủng cho tất cả trẻ em 12-15 tuổi "từ góc độ rộng hơn", và sẽ sớm đưa ra quyết định dựa trên tư vấn của JCVI cũng như khuyến nghị từ các vùng.
Ngày 3/9, Liên minh châu Âu (EU) và tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Anh AstraZeneca thông báo đã đạt được một thỏa hiệp kết thúc tranh cãi về thiếu hụt nguồn cung vaccine.
Theo thỏa thuận, AstraZeneca sẽ phân phối 300 triệu liều vaccine còn lại như đã cam kết theo các hợp đồng ký với EU trước tháng 4/2022 và kết thúc vụ kiện tụng tại tòa án ở Bỉ.
Liên quan đến việc điều tra nguồn gốc Covid-19, tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, việc chính trị hóa nguồn gốc Covid-19 sẽ chỉ dẫn tới những kết luận không đáng tin cậy.
Theo ông Putin, các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 phải dựa trên những sự thật khách quan và mọi người cần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch và những hậu quả của nó.
* Tại châu Phi
Nam Phi là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất châu lục, với hơn 7,9 triệu ca nhiễm và 198.799 ca tử vong.
Đứng thứ hai là Morocco với 876.732 ca nhiễm. Tunisia đứng thứ ba về số ca nhiễm (670.027 ca) nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong (23.710 ca).
Bộ Y tế Niger cho biết nước này đã phát hiện các trường hợp đầu tiên của biến thể Delta vào tháng 8 vừa qua, những người này đều chưa được tiêm chủng. Đây vốn là nước được xem tương đối ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.