📞

Cập nhật Covid-19 ngày 5/1: Hơn 86 triệu ca toàn cầu; Số ca nhiễm mới cao chưa từng thấy, gần 56 triệu dân Anh bị phong tỏa

Thế Việt 11:29 | 05/01/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 86.102.999 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.860.431 ca tử vong và 61.055.179 bệnh nhân bình phục.

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 21.353.051 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 362.123 ca tử vong, tiếp đó là Ấn Độ và Brazil.

Trong 24 giờ qua, Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới với 190.165 trường hợp, đồng thời có thêm 1.987 ca tử vong.

* Châu Âu hiện đang là điểm nóng của đại dịch, với hơn 24,3 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó, số người tử vong cao nhất thế giới, 557.378 trường hợp.

Anh đang là tâm dịch tại châu Âu khi số ca nhiễm mới trong ngày 4/1 cao chưa từng thấy, 58.784 trường hợp, trong đó có 407 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 lên 75.431 ca trên tổng số hơn 2,7 triệu người mắc bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, ngày 4/1, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định triển khai đợt phong tỏa 6 tuần cấp độ cao nhất tại Anh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Johnson hoan nghênh nỗ lực của người dân Anh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, bày tỏ quan ngại sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến mức độ lây nhiễm tăng vọt. Do vậy, chính phủ cho rằng cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa mức độ cao nhất.

Theo đó, kể từ tối 4/1, tất cả mọi người bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài 1 lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm.

Thủ tướng Johnson cảnh báo, hệ thống y tế Anh đang đứng trước ngưỡng bị quá tải. Chỉ riêng ngày 4/1, số ca nhập viện do Covid-19 là 26.626 người, tăng 30% so với 1 tuần trước đây và cao hơn 40% so với thời điểm đỉnh dịch đợt cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020.

Tất cả các trường học từ bậc phổ thông đến bậc đại học tại Anh sẽ phải đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15/2. Điều này có nghĩa là các kỳ thi quốc gia hết bậc phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) vào mùa Hè 2021 sẽ không thể diễn ra như dự kiến.

Quốc hội Anh sẽ thông qua để yêu cầu này trở thành luật vào ngày 6/1. Trong khi đó, các doanh nghiệp được khuyến cáo đóng cửa không hoạt động kể từ ngày 5/1.

Dịch bệnh cũng tiếp tục lây lan tại nhiều nước khác ở châu Âu như Nga, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Czech, Hà Lan...

* Bắc Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, với 24.425.600 người mắc bệnh, trong đó có 525.388 ca tử vong. Dù số ca nhiễm cao, tuy nhiên, hầu hết số ca nhiễm mới tập trung ở Mỹ.

Ngày 4/1, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew M. Cuomo thông báo, đã phát hiện ca mắc đầu tiên biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vốn xuất hiện tại Anh.

Bệnh nhân là một người đàn ông 60 tuổi ở thành phố Saratoga Springs, hạt Saratoga. Người này làm việc tại cửa hàng trang sức N. Fox Jewelers ở Saratoga Springs và gần đây không hề đi du lịch, điều này cho thấy biến thể Covid-19 mới đã có trong cộng đồng.

* Khu vực châu Á đến nay ghi nhận 20.974.609 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 341.771 trường hợp tử vong.

Dịch tiếp tục lây lan tại Ấn Độ với số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 16.278 ca - cao nhất khu vực. Hiện tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đã lên tới 10,35 triệu ca - cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.

* Đến nay, Nam Mỹ ghi nhận 13.379.433 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 366.195 trường hợp tử vong. Một ngày qua, khu vực có thêm hơn 44.600 ca nhiễm mới, chủ yếu tập trung ở Brazil (20.814 ca), Colombia (10.311 ca) và Argentina (8.222 ca).

Ngày 4/1, Bộ Y tế bang Sao Paulo của Brazil đã chính thức xác nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.

Trước đó, Brazil cũng đã tuyên bố không tiếp nhận các chuyến bay từ Anh để ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào nước này.

* Số liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, tính đến ngày 4/1, toàn châu lục đã ghi nhận tổng cộng 2.867.078 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 68.030 người thiệt mạng.

Theo CDC châu Phi, tổng cộng 2.368.319 người bị mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất theo thứ tự gồm: Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Algeria, Kenya...

Nam Phi là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 cao nhất châu lục, lần lượt là 1.100.748 và 29.577 ca.

Trong khi đó, Morocco với 443.146 trường hợp mắc bệnh và 7.485 ca tử vong, đứng thứ 2.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 4/1, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, khoảng cách thời gian tối đa 42 ngày giữa mũi tiêm đầu tiên và mũi thứ hai của vaccine phòng Covid-19 do Pfizer/BioNTech phối hợp sản xuất cần phải được tuân thủ nhằm tạo hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Theo EMA, hiệu quả của vaccine được chứng minh qua một nghiên cứu thử nghiệm có thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm trong khoảng từ 19 đến 42 ngày sẽ đem đến sự phòng ngừa đầy đủ chỉ 7 ngày sau mũi tiêm nhắc lại.

EMA nói thêm rằng, bất kỳ thay đổi nào về khoảng thời gian giãn cách trên đều đòi hỏi một giấy phép cùng nhiều dữ liệu lâm sàng hơn để làm cơ sở xem xét, bằng không sẽ bị coi là sử dụng không phép. Việc sử dụng không phép có thể khiến các nhà sản xuất vaccine đối mặt với một số rắc rối về pháp lý.

Trong khi đó, Đức và Đan Mạch đang xem xét khả năng hoãn tiêm liều thứ hai vaccine của BioNTech/Pfizer cho người dân trong bối cảnh thiếu nguồn cung vaccine hiện nay.

Tuy nhiên, hai công ty BioNTech và Pfizer cùng ngày 4/1 đã bác bỏ việc kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm quá 3 tuần, cho rằng đây không phải cách để khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay.

Tại Israel, ngày 4/1, Bộ Y tế đã cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna, đánh dấu lần đầu tiên vaccine của Moderna được cấp phép bên ngoài châu Mỹ.

Trong khi đó, cùng ngày, Mexico cũng đã phê chuẩn lưu hành khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do công ty dược phẩm đa quốc gia Anh-Thụy Điển AstraZeneca và Đại học Oxford bào chế.

(tổng hợp)