Tính đến 8h30 sáng 7/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 49,64 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 1,24 triệu ca tử vong. |
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 234.944 người chết, tiếp đó là Brazil với 161.736 người, Ấn Độ 124.985 người, Mexico 93.772 người và Anh 48.120 người.
* Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số người mới nhiễm virus SARS-CoV-2 cao chưa từng thấy - 129.634 ca - và cũng là cao nhất thế giới. Tính đến 11h30 ngày 7/11 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 10.058.586 ca mắc Covid-19, trong đó có 242.230 ca tử vong.
Ngày 6/11, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã thông báo với các cộng sự của mình rằng ông dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo các nguồn thạo tin, hiện vẫn chưa rõ thời điểm chính xác ông Meadows biết mình mắc Covid-19 hoặc những triệu chứng của ông. Ông Meadows đã thông báo về việc này cho đội ngũ cố vấn thân cận sau ngày bầu cử 3/11.
Người phát ngôn của Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận về việc này. Thông tin ông Meadows mắc Covid-19 được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng tại Mỹ.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 143.710 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với virus nguy hiểm này lên gần 12 triệu ca.
* Bộ Y tế Brazil báo cáo thêm 18.862 trường hợp được xác nhận nhiễm virus trong 24 giờ qua và 279 trường hợp tử vong. Quốc gia Nam Mỹ hiện ghi nhận 5.631.181 trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi số người chết tăng lên 162.015 người. Đây là vùng dịch có đợt bùng phát mới gây tử vong nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.
* Bộ Y tế Peru cho biết đã ghi nhận tổng cộng 917.503 ca Covid-19, trong đó có 34.783 người tử vong. Ngày 6/11, Tổng thống Martin Vizcarra tuyên bố, Peru đang kiểm soát được tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid-19. Phát biểu tại lễ khánh thành một bệnh viện ở vùng Cajamarca, Tổng thống Vizcarra khẳng định: “Rất may là chúng ta đang kiểm soát được mức độ lây lan của bệnh dịch ở Peru”.
Tổng thống Vizcarra cũng bày tỏ sự đau buồn trước quá nhiều thiệt hại mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với Peru và thế giới, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết đối với các quốc gia châu Âu, vốn đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới hàng ngày.
Tổng thống Vizcarra yêu cầu người dân Peru không được lơ là cảnh giác và tuân thủ các quy định phòng dịch mà Bộ Y tế của quốc gia Nam Mỹ này đưa ra, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay. Ông cũng kêu gọi các cơ quan chức năng Peru sẵn sàng đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 2.
* Tại "điểm nóng" dịch bệnh châu Âu, trong 24 giờ qua, Pháp, Italy và Ba Lan là 3 nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất "lục địa già", trong đó Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất khu vực, lần lượt 60.486 ca và 828 ca. Đây cũng là ngày Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 1 ngày. Italy có thêm 37.809 ca nhiễm và 355 ca tử vong. Ba Lan ghi nhận thêm 27.086 ca và 485 ca tử vong. Toàn khu vực châu Âu đến nay có 11,62 triệu ca nhiễm virus, trong đó có hơn 287.000 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Đức trong ngày tiếp tục lên đến mức kỷ lục mới. Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày ở nước này tiếp tục lên đến mức kỷ lục mới khi chỉ trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm hơn 23.000 ca mắc Covid-19, trong khi số trường hợp tử vong cũng tăng mạnh.
Dữ liệu của các cơ quan y tế Đức cho thấy số ca mắc Covid-19 mới ở Đức trong ngày 6/11 đã tăng thêm 23.069 trường hợp, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, trong khi số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 169 người. Theo số liệu của hệ thống giường chăm sóc tích cực ở Đức, số bệnh nhân Covid-19 nặng phải điều trị đặc biệt ở nước này tiếp tục tăng mạnh lên mức hơn 2.700 ca (tăng 100 ca), trong đó có gần 1.500 người phải sử dụng máy trợ thở. Một tuần trước đây, số bệnh nhân phải điều trị tích cực chỉ ở mức hơn 1.800 trường hợp, trong đó có hơn 900 người phải dùng máy trợ thở. Hiện nay, các bệnh viện ở Đức còn khoảng 7.000 giường chăm sóc tích cực còn trống.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 8/11, Đức sẽ đưa vào vận hành hệ thống khai báo trực tuyến dành cho các trường hợp nhập cảnh vào nước này từ những vùng có nguy cơ cao. Việc số hóa thủ tục khai báo giúp loại bỏ hình thức khai báo bằng giấy mà các hãng hàng không cho tới nay phải thực hiện đối với người nhập cảnh. Mọi thông tin sẽ được chuyển thẳng tới các cơ quan y tế ở nơi người nhập cảnh sẽ đến. Hệ thống mới sẽ giúp lực lượng y tế địa phương giám sát dễ dàng hơn những trường hợp cần cách ly.
Đài Phát thanh quốc tế Praha ngày 6/11 dẫn thông báo của Đại sứ quán Anh tại CH. Czech cho biết theo đề nghị của Praha, London sẽ điều động 6 nhân viên quân y tới nước này để hỗ trợ công tác ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo kế hoạch, 6 nhân viên quân y của Anh sẽ tới Czech vào ngày 9/11.
Trước đó, Đức cũng nhất trí sẽ cử 2 bác sỹ quân y tới CH. Czech, dự kiến vào ngày 8/11, để hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Mỹ đã cử 7 nhân viên quân y tới Czech và sẽ sớm điều động thêm 21 nhân viên nữa để giúp đỡ Praha phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Bộ trưởng Quốc phòng Lubomir Metnar cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối phó với làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19, sự hỗ trợ của các quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho Czech là hết sức có ý nghĩa, giúp Praha giảm bớt sức ép về vấn đề thiếu nhân lực y tế.
Hạ viện CH. Czech hồi tuần trước đã thông qua đề xuất của chính phủ về việc tiếp nhận 300 nhân viên quân y từ các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong thời gian tối đa 90 ngày để hỗ trợ nước này ứng phó với đại dịch Covid-19.
* Tại châu Á, Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 với tổng cộng 8,46 triệu ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 49.739 ca nhiễm và 576 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ chiếm 60% trong tổng số hơn 14 triệu ca dương tính với SARS-CoV-2 toàn châu Á.
* Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan tại các khu vực Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại dương, song với mức độ bớt nghiêm trọng hơn.
* Nga ghi nhận 9.798 ca tử vong liên quan nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong tháng 9. Nước này cũng báo cáo 20.582 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.733.440, trong đó 29.887 người đã chết.
Điện Kremlin cho biết còn sớm để đánh giá mức độ hiệu quả các biện pháp hạn chế dịch bệnh mà không cần phong tỏa. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6/11 nói rằng, sự gia tăng ca nhiễm là đáng báo động và giới chức sẽ hành động tùy thuộc diễn biến tình hình.
Trong những tháng gần đây, giới Nga cho biết, không cần thiết phải có những hạn chế nghiêm ngặt để ngăn Covid-19, nhấn mạnh rằng các biện pháp phòng ngừa vệ sinh và an toàn là chìa khóa then chốt.
Trong một diễn biến có liên quan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Nga Gamalea, ông Alexander Gintsburg ngày 6/11 cho biết, lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do trung tâm này phát triển sẽ được chuyển đến thủ đô Moscow và các tỉnh để tiêm chủng đại trà vào cuối tuần này.
Theo Bộ Y tế Nga, số vaccine trên chủ yếu phục vụ công tác tiêm chủng cho các y bác sĩ. Đây là lô nhỏ, khoảng 6.000 liều. Và tuần tới, một lô 30.000 liều sẽ được gửi đi; đợt thứ 2 sẽ gồm 40.000 liều, 40% trong đó sẽ được chuyển đến Moskva, 60% còn lại sẽ được chuyển tới các tỉnh. Ông Gintsburg cho hay 3 địa điểm quan trọng đã được thiết lập để sản xuất các lô vaccine lớn và địa điểm thứ 4 cũng sẽ sớm bắt đầu đi vào hoạt động. Tỉnh Moscow đang chuẩn bị mở các điểm tiêm chủng đại trà.
| Kết quả bầu cử Mỹ 2020: 'Đặt cược' vào ông Joe Biden, người dân Mỹ đang mong đợi gì? TGVN. Mỗi lá phiếu ủng hộ ông Joe Biden chắc chắn đều gửi gắm những kỳ vọng riêng, phù hợp với quan điểm, chính sách ... |
| TGVN. Theo Worldometers, tính đến nay, toàn cầu ghi nhận 49.031.012 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1,239,608 ca tử vong và 34.983.279 bệnh nhân ... |
| TGVN. Kết quả bầu cử Mỹ gây sức ép lên USD, EU có quyền trả đũa Mỹ liên quan vụ Boeing, kinh tế Mỹ ghi ... |