📞

Cập nhật Covid-19 ngày 7/7: Ca bệnh tăng vọt, Hàn Quốc tuyên bố không khoan nhượng với vi phạm; số ca mắc ở thủ đô Malaysia lập đỉnh

Thế Việt 11:43 | 07/07/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận gần 185,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4 triệu ca tử vong và xấp xỉ 170 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 với gần 34,62 triệu ca nhiễm, trong đó có 621.561 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 30,6 triệu ca mắc bệnh, 404.240 người thiệt mạng và Brazil hơn 18,85 triệu ca nhiễm, trong đó có 527.016 trường hợp không qua khỏi.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 587 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.

Tính theo khu vực, châu Á ghi nhận hơn 56,74 triệu ca nhiễm và 806.153 ca tử vong; châu Âu có hơn 48,43 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.108.299 người thiệt mạng;

Bắc Mỹ có gần 40,78 triệu ca bệnh với 921.422 ca tử vong, trong khi Nam Mỹ ghi nhận gần 33,54 triệu ca nhiễm và 1.023.073 ca tử vong;

Châu Phi hiện có hơn 5,78 triệu người mắc bệnh, trong đó số ca tử vong là148.304 và châu Đại Dương ghi nhận 77.460 ca bệnh với 1.300 ca tử vong.

* Khu vực châu Á

Ngày 7/7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, Trung Quốc đại lục có 57 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 6/7, trong đó 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 30/1.

Tất cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng nói trên đều được ghi nhận ở thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam, giáp biên giới với Myanmar.

Từ ngày 5/7, chính quyền tỉnh Vân Nam đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với thành phố Thụy Lệ nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 91.949 ca mắc Covid-19 và 4.636 ca tử vong.

Sáng 7/7, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo, nước này ghi nhận thêm hơn 1.200 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai có số ca bệnh nhiều nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và làm dấy lên lo ngại khả năng xuất hiện làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.

Ngày đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất là ngày 25/12/2020 với 1.240 ca.

Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, chính phủ sẽ gia hạn thêm 1 tuần các quy định giãn cách xã hội hiện tại.

Cùng ngày, Tổng thống nước này Moon Jae-in đã chỉ thị cho chính phủ đẩy mạnh các nỗ lực nhanh chóng truy vết ca mắc Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh, đồng thời khẳng định nguyên tắc không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm quy định giãn cách xã hội và hạn chế khác.

Hàn Quốc sẽ mở rộng các cơ sở xét nghiệm, nhanh chóng huy động quân nhân, cảnh sát và công chức để đạt mục tiêu này.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với hàng loạt quốc gia và khu vực để ngăn ngừa sự xâm nhập của các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vào nước này.

Cụ thể, từ nửa đêm ngày 9/7, tất cả những người nhập cảnh từ Zambia, Indonesia và Kyrgyzstan, bao gồm công dân Nhật Bản về nước, sẽ cách ly 10 ngày tại các cơ sở chính phủ chỉ định.

Những người nhập cảnh hoặc hồi hương từ Argentina, Uruguay, Ecuador, Cuba, Colombia, Sulinum, Seychelles, Chile, Trinidad và Tobago, Thổ Nhĩ Kỳ, Paraguay, Fiji, Venezuela, Belarus, Bolivia, Libya cùng với 3 bang của Mỹ và 4 khu vực ở Nga sẽ cách ly tại các cơ sở chỉ định trong 3 ngày.

Những người nhập cảnh hoặc trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ cách ly 6 ngày tại cơ sở chỉ định.

Những người nhập cảnh hoặc trở về từ Estonia, Nigeria, Pháp và các bang Kansas, Delaware và Maine của Mỹ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ngay khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly ở cơ sở chỉ định mà thực hiện cách ly ở nhà 14 ngày sau khi nhập cảnh Nhật Bản.

Tại Đông Nam Á, trong ngày 6/7, Malaysia ghi nhận thêm 7.654 ca mắc Covid-19 và 103 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh lần lượt là 792.693 ca và 5.677 ca.

Trong 24 giờ qua, thủ đô Kuala Lumpur đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay khi có tới 1.550 người dương tính. Đến nay, thành phố gần 8 triệu dân này đã phát hiện tổng cộng 82.904 ca mắc Covid-19, cao thứ hai sau bang công nghiệp Selangor với trên 265.000 ca.

Lào cùng ngày ghi nhận 55 ca mắc mới Covid-19, trong đó có đến 54 ca là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có một ca trong cộng đồng tại tỉnh Vientiane.

Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân tiêm đủ hai mũi vaccine.

Tính đến ngày 3/7, tại Lào, khoảng 942.835 người là nhân viên y tế tuyến đầu, người trên 60 tuổi, nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh và tại các trung tâm kiểm dịch, nhân viên ngoại giao đã được tiêm một mũi vaccine, trong khi 587.832 người đã được tiêm đủ hai mũi.

Ngày 6/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 935 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua (bao gồm cả 155 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát vượt mốc 56.000 ca, trong khi số người không qua khỏi đã lên tới 779 trường hợp.

Trong khi đó, Philippines thông báo có thêm 4.114 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 1.445.832 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 25.296 ca sau khi có thêm 104 bệnh nhân không qua khỏi.

Đến nay, số ca nhiễm biến thể Delta tại Philippines đã lên tới 19, trong khi số ca nhiễm biến thể Alpha là 1.217 và số ca nhiễm biến thể Beta tăng lên 1.386 ca.

* Khu vực châu Âu

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nga khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 23.378 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.658.672 người.

Trong khi đó, số ca tử vong ghi nhận theo ngày cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay - 737 ca, đưa tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 139.316 trường hợp.

Tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo, cơ quan này sẽ điều chỉnh phân loại 5 nước gồm Ấn Độ, Nepal, Nga, Bồ Đào Nha và Anh từ danh sách các nước xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, chuyển sang danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Theo đó, Đức sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả mọi người đến từ các nước kể trên nếu đảm bảo các yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tham gia cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly có thể giảm xuống còn 5 ngày nếu kết quả xét nghiệm sau đó tiếp tục âm tính.

Trong khi đó, ngày 6/7, Anh thông báo kế hoạch sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế chống dịch Covid-19, bất chấp cảnh báo số ca mắc mới theo ngày có thể tăng lên tới mức 100.000 ca/ngày.

Theo đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, kể từ ngày 16/8 tới, những người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ không cần tự cách ly nếu tiếp xúc gần với người nhiễm virus mà chỉ cần tiến hành xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính.

Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế, trong đó có cả việc bỏ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội kể từ ngày 19/7, kêu gọi trách nhiệm cá nhân hơn là việc áp đặt sắc lệnh của chính phủ.

* Khu vực châu Mỹ

Chile thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Santiago từ ngày 8/7, căn cứ trên sự chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại đây và sẽ triển khai thực hiện quy định giãn cách xã hội chỉ vào cuối tuần.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 1.572.608 ca nhiễm, bao gồm 33.249 ca tử vong.

Liên quan vấn đề vaccine, ngày 6/7, Hạ viện Brazil đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá bỏ bản quyền trong sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia mà không cần sự chấp thuận hay hỗ trợ của các hãng dược phẩm.

Cùng ngày, cơ quan quản lý y tế Brazil Anvisa thông báo đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng mới đối với ứng cử viên vaccine phòng Covid-19 do Sanofi Pasteur - bộ phận sản xuất vaccine của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp, phát triển và thử nghiệm.

Theo Anvisa, đây sẽ là vaccine "thế hệ tiếp theo" sử dụng công nghệ mRNA và nghiên cứu lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2, với khoảng 150 tình nguyện viên ở Brazil.