📞

Cập nhật Covid-19 ngày 8/10: Số ca mắc mới toàn cầu tăng kỷ lục, Brazil vượt 5 triệu ca, Việt Nam vào danh sách được Nhật Bản dỡ lệnh cấm đi lại

Thế Việt 11:16 | 08/10/2020
TGVN. Tính đến nay, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 36.391.057 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.060.443 trường hợp tử vong và 27.408.529 bệnh nhân bình phục.

Ngày 7/10, thế giới chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục, với 343.517, trong đó có 5.909 trường hợp tử vong trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực đang phải đặt trong tình trạng báo động cao về làn sóng lây nhiễm thứ 2.

* Tại Bắc Mỹ, đến nay ghi nhận 9.326.421 ca nhiễm Covid-19 với 322.379 trường hợp tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực cũng như trên thế giới với 7.776.224 ca nhiễm, trong đó có 216.784 trường hợp tử vong. Mặc dù nhiều thành phố ở Mỹ đã siết chặt hoặc tái áp đặt các biện pháp chống dịch, số ca nhiễm mới ở Mỹ vẫn tăng ở mức cao, với 48.715 ca trong ngày 7/10, trong đó 932 ca không qua khỏi.

* Nam Mỹ ghi nhận 8.459.726 người mắc bệnh với 265.723 ca tử vong.

Brazil là quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ ba thế giới và cao nhất Nam Mỹ, với số ca nhiễm bệnh đã vượt 5 triệu ca, lên 5.002.357 ca mắc trong đó 148.304 trường hợp tử vong.

Thông báo của Bộ Y tế Brazil khẳng định, mặc dù số lượng ca nhiễm mới theo ngày đã giảm nhiều so với giai đoạn đỉnh dịch được ghi nhận hồi tháng 7 song con số trên vẫn rất đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh người dân tỏ ra khá chủ quan khi thực hiện các khuyến cáo giãn cách và nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 hoàn toàn có thể xảy ra nếu các hoạt động trở lại trạng thái bình thường quá sớm.

Sau Brazil, ColombiaArgentina là những quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao trong khu vực, lần lượt là 877.683 và 840.915 ca, với số ca tử vong lần lượt 27.180 và 22.226 ca.

* Khu vực châu Á đến nay ghi nhận 11.406.887 ca nhiễm bệnh, trong đó có 206.560 ca tử vong.

Ấn Độ có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới và nhiều nhất châu Á với 6.832.988 ca nhiễm bệnh, trong đó có 105.554 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 78.809 ca mắc mới, trong đó có 963 ca tử vong.

Iran có 483.844 ca mắc bệnh, trong đó có 27.658 ca tử vong, có số ca mắc nhiều thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ nhưng nhiều nhất ở Trung Đông.

Tại Nhật Bản, ngày 8/10, báo Yomiuri đưa tin, chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm đi đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, vào tháng tới, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, một số quốc gia khác như trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc cũng nằm trong danh sách này.

Tuy nhiên, Youmiuri cũng cho hay, Nhật Bản sẽ đề nghị các du khách hạn chế những chuyến đi không cần thiết và không cấp bách đến 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên.

* Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang nóng lên ở châu Âu khi nhiều nước liên tục ghi nhận số ca mắc mỗi ngày ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch.

Đến nay, châu Âu ghi nhận 5.615.833 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 227.644 trường hợp tử vong.

Nga có số ca mắc nhiều thứ tư thế giới và nhiều nhất châu Âu, với 1.248.619, trong đó có 21.865 ca tử vong. Trong ngày 7/10, Nga ghi nhận thêm 11.115 ca nhiễm mới và 202 ca tử vong.

Sau Nga, một số nước khác ở châu Âu vốn đã có số ca nhiễm cao ở châu lục trong giai đoạn một như Pháp, Anh và Tây Ban Nha đang lâm vào tình trạng báo động khi số ca mắc mới theo ngày tăng vọt.

Tại Pháp, ngày 7/10 ghi nhận thêm 18.746 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm lên 653.509 trường hợp. Tổng thống Emmanuel Macron thông báo, cùng với việc thủ đô Paris và 3 khu vực lân cận được đặt trong tình trạng báo động cao với các biện pháp tăng cường chống dịch, chính phủ sẽ áp đặt các quy định mới để kiểm soát đại dịch Covid-19.

Ngày 7/10, chính phủ Đức và chính quyền các bang ở nước này đã nhất trí siết chặt các biện pháp kiểm soát nguồn lây nhiễm nhằm kiềm chế xu hướng gia tăng số ca lây nhiễm ở mức cao hiện nay. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 3.994 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 311.113.

Dù so với nhiều nước châu Âu, số ca nhiễm mới ở Đức thấp hơn nhiều, tuy nhiên, chính phủ cũng như chính quyền 16 bang cho rằng, khi thời tiết lạnh giá bắt đầu, tình trạng lây nhiễm sẽ gia tăng mạnh.

Để đảm bảo việc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm và truy vết tiếp xúc cũng như không để xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, các bang đã nhất trí thực thi nhất quán kế hoạch phòng chống lây nhiễm thông qua các quyết định phòng ngừa đã được thông qua trước đó.

Trong khi đó, cùng ngày, Đức đã bổ sung thêm toàn bộ lãnh thổ Gruzia, Jordan, Romania và Tunisia vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao đối với Covid-19. Ngoài ra, nhiều khu vực tại các nước như Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Lithuania, Slovakia, Slovenia và Hungary cũng đã được bổ sung vào danh sách.

Tại Ireland, giới chức y tế cảnh báo số ca mắc Covid-19 đang tăng theo cấp số nhân và số ca nhập viện dự báo gia tăng trong thời gian tới sẽ đặt ra "thách thức đáng kể" đối với an sinh xã hội.

Trong 3 tuần qua, số ca mắc Covid-19 trung bình trong 7 ngày ở Ireland đã tăng hơn gấp đôi lên mức 493 ca/ngày. Con số này có thể tăng lên mức 1.100-1.500 ca/ngày đến ngày 7/11 nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm ở thời điểm này.

Tính đến nay Ireland có tổng cộng 39.584 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.816 ca tử vong.

Trong khi đó, CH Czech ghi nhận 5.338 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 7/10, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Theo số liệu của Bộ Y tế Czech, trong 2 tuần qua, quốc gia này chứng kiến tỷ lệ mắc Covid-19 trên tổng số dân tăng ở mức cao nhất tại châu Âu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Czech có tổng cộng 95.360 ca mắc Covid-19 và 829 ca tử vong.

* Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm Covid-19 đã vượt 1,52 triệu ca, trong đó có hơn 37.000 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là hơn 1,26 triệu ca. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Ethiopia và Nigeria. Tỷ lệ tử vong trung bình hiện ở mức khoảng 2,4%.

Tại Morocco nói riêng, số ca mắc Covid-19 ghi nhận ngày 7/10 là 2.776 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 140.024 ca. Số ca tử vong cũng tăng 29 ca lên 2.439 ca.

* Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 7/10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông báo quyết định lùi lịch trình tổ chức Hội nghị cấp cao Davos 2021 lần thứ 51 đến ngày ngày 18-21/5/2021, thay vì tháng 1/2021 theo kế hoạch ban đầu.

Hội nghị dự kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, thành phố Lucerne của Thụy Sỹ.

Trong khi đó, Hãng dược phẩm Eli Lilly của Mỹ thông báo đang nộp đơn xin cấp phép Quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với liệu pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể, sau khi các kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy liệu pháp này đã giúp giảm đáng kể lượng virus SARS-CoV-2, các triệu chứng và tỷ lệ nhập viện.

(tổng hợp)